Loay hoay quản lý xe hợp đồng

Dự thảo Luật Đường bộ đang được Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV quy định, xe hợp đồng là một trong các loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, bên cạnh những loại hình khác như xe taxi, xe buýt, xe tuyến cố định...

Hình thức kinh doanh vận tải này xuất phát từ nhu cầu thuê phương tiện theo chuyến để đi tham quan, làm việc, đưa đón học sinh, người lao động... Tuy nhiên, hiện nay, số lượng xe hợp đồng gia tăng nhanh chóng, xuất hiện tình trạng nhiều xe hoạt động trá hình, chở hành khách liên tỉnh giống như xe tuyến cố định, đặt ra những vấn đề nan giải trong công tác quản lý.

Hiện tượng nhức nhối ở nhiều đô thị lớn thời gian qua là việc ô tô khách thường xuyên dừng, đỗ sai quy định ngay trên lòng đường, vỉa hè để đón, trả khách. Một số nơi còn xuất hiện những bến bãi tự phát, tình trạng "xe dù", "bến cóc" tràn lan. Rất nhiều trong số đó là xe hợp đồng, không hoạt động trong bến xe mà đi sâu vào các tuyến phố, đưa đón khách tận nơi. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị. Có những ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc cho phép loại hình ô tô chở khách theo hợp đồng tiếp tục hoạt động hoặc yêu cầu tất cả các xe này phải vào bến để quản lý giống như xe tuyến cố định.

Ảnh minh họa / vietnam+

Ảnh minh họa / vietnam+

Cần nhìn nhận thực tế là xe hợp đồng nở rộ do đánh trúng vào tâm lý người dân muốn có phương tiện đưa đón tận nơi, không phải vào bến xe như thường lệ. Nếu không có quy định chặt chẽ để quản lý loại hình phương tiện này, có thể sẽ tạo ra khoảng trống pháp luật, dẫn đến việc chủ phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải lách luật, bất chấp quy định của pháp luật để hoạt động.

Thay vì cấm, nên chú trọng các giải pháp để tăng cường quản lý, đưa xe hợp đồng nói riêng và phương tiện kinh doanh vận tải nói chung đi vào nền nếp, quy củ. Trong đó, cần tập trung vào các điều kiện về an toàn hoạt động của đơn vị vận tải như tiêu chuẩn của phương tiện, người lái, bảo đảm cung cấp dịch vụ vận tải chất lượng, an toàn, chuyên nghiệp đến người dân.

Ô tô chở khách dù vào bến xe hay không thì cần tuân thủ quy định về nơi đón, trả khách, không thể tùy tiện dừng, đỗ, đưa đón khách dọc đường, gây nguy cơ mất an toàn cho người dân cũng như các phương tiện tham gia giao thông. Những phương tiện vi phạm cần được xử lý nghiêm, thậm chí là rút giấy phép kinh doanh để tăng tính răn đe.

Lực lượng chức năng hiện đã đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông trên một số tuyến đường để phạt nguội phương tiện vi phạm. Cần mở rộng hơn nữa hình thức này, tăng độ bao phủ để trở thành kênh giám sát hiệu quả. Việc tăng cường tuần tra, xử lý của lực lượng chức năng cùng với giải pháp công nghệ bảo đảm không bỏ sót, lọt hành vi vi phạm sẽ đánh mạnh vào ý thức chấp hành pháp luật của chủ phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải.

Các loại hình dịch vụ vận tải không ngừng đổi mới, mở rộng là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Theo xu thế đó, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để các đơn vị kinh doanh vận tải được bình đẳng, hoạt động theo đúng loại hình, tuân thủ quy định của pháp luật.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/loay-hoay-quan-ly-xe-hop-dong-781527