Lộc biển đầu năm
Thời tiết thuận lợi, tàu thuyền cập bến mang theo đầy ắp cá, tôm, ngư dân trúng đậm các luồng hải sản giá trị. Với bà con ngư dân, đây là tin vui đầu năm Quý Mão 2023 để có thêm động lực và quyết tâm vươn khơi, bám biển.
Cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) những ngày này rất tấp nập. Số liệu thống kê từ Ban Quản lý các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh, từ 27/1 đến nay, Cảng Cửa Sót có 160 lượt tàu cập cảng, sản lượng thủy sản trên 50 tấn.
Hy vọng một năm thuận buồm xuôi gió
Vừa cập bến với đầy ắp lộc biển, ngư dân Phạm Xuân Hanh (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) chia sẻ: “Chúng tôi làm lễ xuất bến, vươn khơi từ ngày mùng 4 Tết. Vì là chuyến biển đầu năm, chúng tôi không đặt nặng vấn đề sản lượng đánh bắt, chỉ mong ra khơi thuận lợi. Tuy nhiên, mấy chuyến biển vừa qua (mỗi chuyến biển kéo dài 2 ngày) chủ yếu khai thác được cá cơm, cá bạc má, cá đù… thu về được khoảng 5 - 7 triệu/chuyến. Trong những ngày đầu năm mới, hải sản thường bán được giá, ra khơi đầu năm lại thuận lợi nên chúng tôi rất phấn khởi, hy vọng một năm mới thuận buồm xuôi gió”.
Cách Cảng cá Cửa Sót không xa, tàu của ngư dân xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vừa cập bờ, trên thuyền đầy ắp các loại cá, ghẹ, tôm tít... Cảnh người dân tất bật gỡ hải sản, cảnh mua bán ngay khi thu lưới khiến cho đoạn bờ biển dài khoảng 2km trở nên tấp nập.
Vén sương mù dày đặc, ngư dân bắt đầu ra khơi từ 2 giờ sáng, thời tiết ngày đầu năm thuận lợi nên việc đánh bắt hải sản dễ dàng hơn. Đây là niềm tin cho các ngư dân nơi đây quyết tâm bám biển, hy vọng gặt hái nhiều thắng lợi. Vừa trở về sau chuyến đi biển đầu năm, ngư dân Phan Văn Quýnh (ở xã Thịnh Lộc) cho biết, sau chuyến đi biển đầu năm thuyền của ông đánh bắt được nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao như ghẹ, tôm tít, cá đù...
“Đầu năm mới nên hải sản rất dễ bán, giá tôm tít 250-300 nghìn đồng/kg, ghẹ hơn 300 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi chuyến ra khơi trừ chi phí tàu chúng tôi lãi 4-5 triệu đồng” - ông Quýnh phấn khởi nói.
Những chuyến ra khơi, mở biển đầu năm suôn sẻ, thuận lợi, hứa hẹn một năm đánh bắt bội thu. Bên cạnh những con tàu gần bờ tấp nập cập bến, thì nhiều tàu công suất lớn của ngư dân đã vươn khơi “mở biển”.
Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, sản lượng thủy sản (khai thác biển và khai thác nội địa) trong tháng 1/2023 của Hà Tĩnh đạt khoảng 3.013 tấn, đạt 8,1% so với kế hoạch năm 2023. Đây là con số ấn tượng, báo hiệu mùa đánh bắt bội thu của người dân.
Vui mừng vì thu nhập tăng
Những ngày này, bờ biển xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) tấp nập người mua kẻ bán từ sáng sớm đến tận trưa, khác hẳn những ngày thường. Nét mặt của ngư dân nơi đây luôn ánh lên vẻ vui mừng, phấn khởi khi nhìn những chiếc thuyền đầy ắp hải sản chuẩn bị vào bờ. Sau một thời gian dài do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xăng dầu tăng giá, đây là niềm vui lớn đối với các ngư dân ở các làng biển bãi ngang xã Hải Ninh, vì ai cũng có thêm nguồn thu nhập khá.
Theo kinh nghiệm đi biển của ngư dân, thời điểm đầu năm đang vào vụ cá trích và cá khoai, các loại cá này sẽ đi theo luồng gần bờ, do đó, việc đánh bắt rất đơn giản, không mất nhiều thời gian, lại tiết kiệm nhiên liệu. Cá thường sống ở tầng nổi, cách bờ chỉ 5km và đi theo từng đàn, xuất hiện cả ngày lẫn đêm. Chính vì vậy, ngư dân cũng đánh bắt cá cả ngày và đêm. Ban đêm, họ dùng đèn dụ đàn cá đến, lấy lưới vây lại rồi xúc lên thuyền, còn ban ngày dùng lưới vây đánh bắt.
Hiện nay, cá trích có giá 30.000 đồng/kg, cá khoai 170.000 - 200.000 đồng/kg. Theo ngư dân địa phương, giá cá năm nay cao hơn so năm trước, tàu thuyền đánh bắt được nhiều nên ai cũng có nguồn thu nhập đáng kể. Cá trích và cá khoai là hải sản thơm ngon chế biến được nhiều món ăn. Nhờ thế mà ngư dân khai thác được bao nhiêu cá đều có thương lái đợi sẵn ở các bến để thu mua.
Trở về sau 4 tiếng lênh đênh trên trên biển, ông Hoàng Văn Chiển (50 tuổi, ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh) tâm sự: “May mắn ngày nào cá, mực cũng đầy ắp khoang. Năm nay, hải sản có giá cao hơn năm trước, giá cá khoai tăng mạnh, trung bình mỗi lần ra khơi thuyền tôi bắt được khoảng 50kg cá khoai. “Mở biển” đầu năm mà thế này là tôi với anh em rất phấn khởi, trừ chi phí mỗi chuyến chúng tôi cũng lãi được 2-4 triệu đồng”.
Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU
Đánh giá của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, công tác triển khai các giải pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trong thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực vào cuộc triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017, các giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác IUU từ chỉ đạo đến tổ chức thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), bà con ngư dân ngày càng ý thức hơn trong việc khai thác thủy sản theo quy định IUU, nhờ vậy việc chấp hành các quy định có chuyển biến rõ nét, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền kiểm soát thông tin về đánh bắt thủy sản ở địa bàn xã.
Ngư dân Nguyễn Văn Hòa (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Chúng tôi thường xuyên được tuyên truyền nên nắm bắt được các quy định cụ thể. Khi tàu rời cảng và cập cảng, thuyền trưởng mang theo đầy đủ các giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng. Khi hoạt động trên biển, chúng tôi luôn cố gắng ghi chép nhật ký khai thác để cung cấp cho Ban Quản lý cảng cá”.
Liên quan đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, các cấp, ngành từ tỉnh đến các địa phương đã đồng loạt triển khai mạnh với nhiều hình thức, cấp độ phù hợp đã nâng cao nhận thức của người dân về khai thác hải sản theo quy định IUU.
Về công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, toàn tỉnh đã có 3.742 tàu cá từ 6m trở lên phải thực hiện đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, tàu từ 12m trở lên phải thực hiện đăng kiểm là 1.685 tàu cá. Hiện đã có 3.544/3.742 tàu đã đăng ký, đạt 94,7%; 3.443 tàu cá được cấp phép/3.544 tàu đăng ký, đạt 97%; 1.372 tàu đã thực hiện đăng kiểm/1685 tàu hiện có, đạt 81,4%.
Đến nay, Quảng Bình đã có 1.128/1.194 tàu cá từ 15m trở lên lắp giám sát hành trình (VMS), đạt 94,8%.
Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền nên nhận thức của cán bộ quản lý, người dân, các chủ tàu cá ngày càng được nâng cao. Việc phối hợp, thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm đã được các cấp, các ngành phối hợp tổ chức thực hiện quyết liệt. Do vậy, các vi phạm về khai thác IUU trên địa bàn đã giảm hẳn so với các năm trước đây.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/loc-bien-dau-nam-5709161.html