Lọc hóa dầu Bình Sơn sản xuất hơn 2,8 triệu tấn sản phẩm trong nửa đầu năm 2024

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR – sàn UPCoM) tiếp tục đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường và hoàn thành các kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024.

Hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2024

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn ước tính đã sản xuất trên 2,83 triệu tấn sản phẩm các loại; và các chỉ tiêu về doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận đều đạt so với kế hoạch đề ra.

Điểm đáng lưu ý, đối với việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Lọc hóa dầu Bình Sơn đóng vai trò vô cùng quan trọng khi NMLD Dung Quất hiện cung ứng hơn 30% xăng dầu cho thị trường trong nước.

Để đảm bảo tính liên tục của việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đến chuỗi cung ứng xăng dầu trong Tập đoàn đảm bảo nguồn cung xăng dầu cũng như phân phối cho thị trường một cách thông suốt.

Bên cạnh tiếp tục mục tiêu duy trì vận hành nhà máy an toàn, ổn định và hiệu quả, tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc nâng cao công suất chế biến, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm có giá trị cao như nhiên liệu phản lực Jet A1, Jet A1-K, xăng MOGAS 95, Lọc hóa dầu Bình Sơn tiếp tục tập trung nghiên cứu, đánh giá cơ hội chế biến thử nghiệm các loại dầu thô và nguyên liệu trung gian mới cùng với khai thác tối đa công suất cận biên các phân xưởng công nghệ của NMLD Dung Quất.

Tối ưu bảo dưỡng tổng thể, cơ hội gia tăng lợi nhuận

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, trong năm 2024, NMLD Dung Quất thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5), do vậy nên Lọc hóa dầu Bình Sơn đã lên kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu sản xuất được đề ra là khoảng 5,7 triệu tấn; doanh thu kế hoạch hơn 95 nghìn tỷ đồng, nộp Ngân sách 11 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.150 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết hoàn thành TA5, đồng thời chu kỳ bảo dưỡng tổng thể cũng được giãn tần suất nhằm kết nối với Dự án Nâng cấp mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất đang được triển khai. Đây được xem là cơ hội để gia tăng lợi nhuận cho BSR.

Bên cạnh đó, chênh lệch dầu thô và thành phẩm (cracking spread) được nhận định sẽ duy trì ở mức khá trong năm 2024. Theo Chứng khoán VNDirect, cracking spread của dầu diesel và nhiên liệu bay ở châu Á trong năm 2024 dự kiến sẽ lần lượt đạt trung bình 21 USD/thùng và 20 USD/thùng, so với mức trung bình lần lượt 23,5 USD/thùng và 22,5 USD/thùng trong năm 2023. Đây cũng sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận của Lọc hóa dầu Bình Sơn trong năm 2024.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết đã xây dựng kế hoạch cụ thể như đảm bảo vận hành Nhà máy an toàn, ổn định và hiệu quả; linh hoạt, tối ưu trong việc điều chỉnh công suất Nhà máy, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường; thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường, phân tích dự báo giá dầu, cung/cầu để xây dựng các kịch bản kinh doanh và các giải pháp ứng phó phù hợp; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu; tối đa tiêu thụ dầu thô, nguyên liệu trung gian trong nước; nghiên cứu sản xuất và xuất bán các sản phẩm mới nhằm tăng thêm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Lọc hóa dầu Bình Sơn đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao hệ thống quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện hồ sơ rủi ro cho các Ban chức năng và danh mục chỉ số rủi ro chính (KRI) tương ứng, tiến tới hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro cho Công ty; hoàn thiện và vận hành hệ thống quản trị tài năng nhằm gìn giữ và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao; bám sát, tích cực làm việc với các cơ quan thẩm quyền để đưa cổ phiếu BSR niêm yết tại sàn HoSE khi đủ điều kiện. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá, phân tích hiệu quả các danh mục, dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là Dự án NCMR NMLD Dung Quất.

Về Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn Bùi Ngọc Dương cho biết việc tiếp cận vốn cho dự án đang khó khăn vì lãi vay đang rất cao. Do vậy, Doanh nghiệp đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ 31 nghìn lên 50 nghìn tỷ đồng (dự kiến tăng vốn dưới phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu) để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đây là kỳ vọng để Lọc hóa dầu Bình Sơn có đủ nguồn vốn chủ phục vụ dự án, đảm bảo vốn chủ chiếm tối thiểu 60% tổng mức đầu tư của dự án. Phần vốn vay sẽ được thu xếp từ nguồn vay ECA, thương mại trong nước và quốc tế, cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác.

Hạc Hiên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loc-hoa-dau-binh-son-san-xuat-hon-28-trieu-tan-san-pham-trong-nua-dau-nam-2024-d218617.html