Lộc xuân Văn Miếu

PTĐT - Một mùa xuân mới lại về. Thời điểm này, những đồi chè ở Văn Miếu, huyện Thanh Sơn đang vươn mình nảy những lộc non xanh mướt, ấp ủ hương sắc tạo nên thương hiệu đặc biệt riêng có của vùng đất này.

Những búp chè xuân mập mạp, xanh non

Những búp chè xuân mập mạp, xanh non

Đồng chí Ngô Thành Xuyên - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Văn Miếu có tới gần 80% dân số sống nhờ sản xuất nông nghiệp, trong khi diện tích đất ruộng không nhiều, bình quân mỗi khẩu chỉ có gần một sào, vì vậy, nếu chỉ trông vào cây lúa thì đồng bào nơi đây khó có thể thoát khỏi đói nghèo. Từ bao đời nay, cây chè ở xã Văn Miếu đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp đời sống của bà con thêm khấm khá. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình sản xuất cùng sự chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, người dân đã chuyển từ sản xuất chè truyền thống sang sản xuất theo quy trình an toàn. Hiệu quả của các mô hình trồng chè ở xã đã và đang cải thiện cuộc sống của bà con nông dân nơi đây, từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Người dân Văn Miếu thu hái chè xuân

Người dân Văn Miếu thu hái chè xuân

Đến thăm gia đình chị Hà Thị Lụa ở khu Liệm khi chị đang hái chè chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán, trò chuyện với chúng tôi, chị Lụa chia sẻ: “Gia đình tôi có 1ha đất đồi, đã từng trồng keo nhưng không hiệu quả, duy chỉ có cây chè đã mang lại thu nhập ổn định. Trước đây mỗi khi Tết đến thiếu thốn đủ thứ… Nhờ cây chè mà bây giờ Tết đến chỉ lo mặc sao cho đẹp, ăn sao cho ngon và làm sao cho Tết thật vui”.Chớm Xuân, con đường vào khu Mật 1 hiện lên một màu xanh của đồi chè mờ mờ trong làn sương mù mờ mịt. Đây là khu sở hữu diện tích chè lớn của HTX chè Văn Miếu. Ông Đặng Đình Thành-Giám đốc HTX cho biết: “Để có được sản phẩm chè ngon, vị đậm, nước xanh thì thổ nhưỡng rất quan trọng, do đó, các thành viên trong HTX đã trồng thử nghiệm và lựa chọn những vùng đất tốt, đưa các giống mới vào trồng. Việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX sẽ tạo nên những thế mạnh vượt trội so với việc phát triển theo hộ, mạnh ai người nấy làm. Từ đó, các hộ sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định, sản phẩm bán ra thị trường có xuất xứ rõ ràng thông qua việc truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, HTX trực tiếp quản lý 20ha chè và liên kết với 120 hộ có diện tích 75ha tại các khu Mật 1, Mật 2, Cát, Liệm và Kén trong xã. Trung bình 1ha sản xuất theo quy trình an toàn cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với sản xuất chè truyền thống, từ đó đem lại đời sống ấm no cho các thành viên HTX là đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây”.

Sau khi thu hái chè, người dân nhặt bỏ những búp chè già, chè xấu để đảm bảo chất lượng chè

Sau khi thu hái chè, người dân nhặt bỏ những búp chè già, chè xấu để đảm bảo chất lượng chè

Kiểm tra chất lượng chè

Kiểm tra chất lượng chè

Đến nay, diện tích chè thu hái của các hộ ổn định ở Văn Miếu là 270ha, năng suất bình quân đạt 14 tấn/ha. Để cây chè phát huy hiệu quả kinh tế, xã khuyến khích người dân thay thế các giống chè cằn cỗi bằng các giống chất lượng cao, quy hoạch thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững và hướng theo quy trình sản xuất hữu cơ, đồng thời phát triển thành hàng hóa đảm bảo sạch, an toàn; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật thâm canh, trồng, chăm sóc, thu hái, vận chuyển nhằm nâng cao năng suất và chất lượng chè; đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong thâm canh, thu hoạch và chế biến chè xanh. Tiếp tục khuyến khích người dân tham gia vào HTX để mở rộng vùng nguyên liệu gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; mở ra hướng đi mới cho sản phẩm chè đặc trưng. Các sản phẩm đặc trưng đã được tổ chức sản xuất thành hàng hóa và đứng vững trên thị trường, cây chè góp phần tăng thêm bình quân đầu người của xã đạt 26,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,65%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 15,28%.

Sản phẩm chè của HTX chè Văn Miếu, huyện Thanh Sơn đã cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Sản phẩm chè của HTX chè Văn Miếu, huyện Thanh Sơn đã cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Văn Miếu được thiên nhiên ưu đãi cho những đồi chè. Mùa xuân đến, cây chè đâm chồi nảy lộc sau những ngày ngủ đông tạo nên những búp chè xuân mập mạp, xanh non để có những sản phẩm đặc trưng như một món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho người dân cùng niềm vui mỗi độ Xuân về.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202001/loc-xuan-van-mieu-168672