'Lời cảnh tỉnh' chờ đón ông Biden khi trở về Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được lời cảnh tỉnh không mong muốn trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình ngay sau khi trở về Washington.
Ngày 3/11 vừa qua, cuộc bầu cử chức thống đốc bang Virginia được cả dư luận Mỹ quan tâm đã chính thức ngã ngũ, với chiến thắng bất ngờ của ứng cử viên đảng Cộng hòa Glenn Youngkin trước Terry McAuliffe, một chính trị gia kỳ cựu của đảng Dân chủ và cũng từng là thống đốc của tiểu bang này.
Đáng chú ý, Virginia từng là nơi Tổng thống Biden thắng phiếu đại cử tri với cách biệt lên tới 10% so với cựu Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái. Cuộc bầu cử lần này được xem như “phép thử” sớm đối với ông Biden và đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ tổng thống vào năm tới.
Theo một số nguồn thân cận, tin tức về thất bại của phe Dân chủ tại Virginia, cùng kết quả bầu cử đầy sít sao ở bang New Jersey, đã tạo nên một bầu không khí ảm đạm trên chiếc Không lực Một, khi đội ngũ của Tổng thống Biden, vốn đã mệt mỏi sau chuyến đi dài, lại phải đón nhận những thông tin không mấy tích cực.
CNN bình luận, những thất bại trên đã tạo nên một bước ngoặt đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, dù nhiệm kỳ này mới kéo dài chưa đầy 1 năm. Chúng cũng cho thấy cử tri Mỹ đang dần trở nên thất vọng với sự trì trệ trong chương trình nghị sự của Tổng thống đương nhiệm, đồng thời gióng lên hồi chuông báo động đối với đảng Dân chủ.
Chương trình nghị sự đầy vấn đề
Suốt nhiều tháng, Tổng thống Biden liên tục bị áp lực bủa vây khi chương trình nghị sự trong nước của ông có nguy cơ chệch hướng. Chương trình bao gồm kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD, cùng dự luật mở rộng mạng lưới an sinh xã hội trị giá hơn 1,7 nghìn tỷ USD. Những ưu tiên này chưa thể hoàn thành, và khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa cùng nguy cơ vỡ nợ quốc gia vào đầu tháng 12 tới đang hiển hiện trước mắt.
Một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng tiết lộ, theo các kết quả thăm dò gần đây, ngày càng nhiều cử tri Mỹ cảm thất vọng với việc Washington “thiếu đi tính hành động mà chỉ quan tâm đến những thứ tiểu tiết”. "Nếu các cử tri đang thất vọng với việc không có một hành động nào, rõ ràng (chính quyền ông Biden) phải đưa ra phản ứng quyết đoán hơn và tìm cách thông qua các dự luật dựa trên chương trình nghị sự dành cho tầng lớp trung lưu, những người đã giúp Tổng thống Biden lập kỷ lục 81 triệu phiếu bầu vào năm ngoái", nguồn tin nói thêm.
Vào sáng 4/11, một nguồn tin thân cận với phe cấp tiến ở Hạ viện Mỹ đã bác bỏ những lời chỉ trích từ các thành viên phe trung dung của đảng Dân chủ rằng, những bế tắc trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden đã góp phần dẫn đến thất bại của ứng cử viên Terry McAuliffe trong cuộc đua chức thống đốc bang Virginia.
Tuy nhiên, vào những tuần cuối trong chiến dịch tranh cử của mình, ông McAuliffe và các đồng minh liên tục đưa ra cảnh báo rằng, việc Tổng thống Biden không thể thông qua giải pháp mở rộng mạng lưới an sinh xã hội đang gây bất lợi đối với chính chiến dịch của ông.
'Virginia chỉ là bước khởi đầu'
Theo CNN, cuộc bầu cử chức thống đốc bang Virginia được xem như một “cuộc trưng cầu dân ý” đối với Tổng thống Biden ngay trong năm nhiệm kỳ đầu tiên, dù ông Biden phủ nhận điều này và cho rằng kết quả không phản ánh đúng những vấn đề trong chương trình nghị sự của mình.
Một cố vấn của Tổng thống Biden thừa nhận, thất bại của ông McAuliffe là một dấu hiệu cảnh báo đối với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2022. Song người này cũng cho rằng, không nên đưa ra kết luận mang tính toàn cục chỉ từ một cuộc bầu cử địa phương.
"Các thành viên đương nhiệm của đảng Dân chủ cần phải lớn tiếng và rõ ràng về những gì chúng ta đang phấn đấu, chứ không chỉ chăm chăm ở việc đối phó với cựu Tổng thống Donald Trump", vị cố vấn cho biết. "Rõ ràng, các cử tri Mỹ đang không hài lòng, và các thành viên đảng Dân chủ trong quốc hội nên lấy đó làm động lực để nhanh chóng thông qua chương trình nghị sự".
Thất bại hôm 3/11 có thể dẫn đến những phê phán đối với chính sách kinh tế trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden. Song CNN nhận định, nếu tình hình dịch Covid-19 được cải thiện và lạm phát được kiềm chế, nền kinh tế và thị trường việc làm ở Mỹ có thể khởi sắc trở lại. Điều đó có thể giúp ông Biden khôi phục đôi chút tỷ lệ tín nhiệm, và giúp đảng Dân chủ “dễ thở” hơn trong cuộc chiến với phe Cộng hòa.
Trong một bức thư đến các cộng sự vào đêm 3/11, người đứng đầu phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy nhận định: "Các cử tri bang Virginia đã gửi một thông điệp không thể bị bác bỏ, vượt ra ngoài phạm vi của Khối Thịnh vượng chung (khu vực gồm 4 tiểu bang Kentucky, Massachusetts, Pennsylvania và Virginia) để đến mọi ngóc ngách của nước Mỹ”.
“Trong thời điểm âu lo này, người Mỹ cần tập trung vào chất lượng sống cùng sự ổn định của gia đình và cộng đồng mình. Người Mỹ muốn có một sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo, và Virginia chỉ là bước khởi đầu", bức thư nêu rõ.
Đảng Dân chủ kêu gọi hành động
Nhiều đồng minh của Tổng thống Biden trong Quốc hội Mỹ hy vọng rằng, đêm bầu cử vừa qua sẽ là cú hích để đảng Dân chủ có thể nhanh chóng giải quyết chương trình nghị sự. “Người dân muốn thấy hành động. Họ muốn thấy kết quả. Đây là một lời cảnh tỉnh cho chúng ta”, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Josh Gottheimer cho biết, đồng thời kêu gọi đảng của ông cần "hành động" để thông qua gói nâng cấp cơ sở hạ tầng và chương trình nghị sự về kinh tế.
Cùng chung quan điểm trên, Thượng nghị sĩ Ben Ray Luján nhấn mạnh rằng, việc thiếu đi tính hành động có thể khiến các cử tri thất vọng. Vì vậy, việc thông qua chương trình nghị sự kinh tế và luật về quyền bầu cử của Tổng thống Biden sẽ "cho người dân Mỹ thấy rằng chúng ta là ai và chúng ta đại diện cho ai". "Đây là những cam kết mà chúng ta đã hứa với các cử tri khi họ giao phó đa số ghế cho chúng ta trong Hạ viện, Thượng viện và ủng hộ cuộc bầu cử tổng thống. Vì vậy, chúng ta phải vì họ mà thực hiện những cam kết này", ông Luján nêu rõ.