Lối đi nào giúp các nhà bán lẻ nội địa chống chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt từ khối ngoại?
Từ câu chuyện các nhà đầu tư ngoại tranh mua 20% cổ phần của Bách Hóa Xanh để thấy, thị trường bán lẻ ở Việt Nam vẫn là 'miếng bánh béo bở' mà khối ngoại thèm muốn. Trong khi đó, một trong những khó khăn lớn của các nhà bán lẻ nội địa hiện nay là mức độ cạnh tranh khốc liệt và lép vế so với nhà bán lẻ ngoại, đang đòi hỏi cần phải chọn lối đi tích cực, linh hoạt trong chiến lược bán hàng của mình để tăng sức chống chịu và củng cố vị thế trước đối thủ.
Nhìn vào việc quỹ đầu tư GIC (Singapore) và các nhà đầu tư Thái Lan đang cạnh tranh để mua tới 20% cổ phần Bách Hóa Xanh (thuộc CTCP Đầu tư Thế giới Di Động - MWG), với định giá chuỗi này có thể tới 1,7 tỷ USD, nhiều ý kiến cho rằng điều này càng cho thấy lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam vẫn còn đầy tiềm năng dù cho có những thách thức ngắn hạn về sức mua.
“Miếng bánh” béo bở khiến nhiều “cá mập” ngoại thèm muốn
Như với CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), theo báo cáo cập nhật mới nhất trong hạ tuần tháng 9/2023 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BVSC, tình hình của chuỗi bán lẻ này sẽ khả quan hơn vào cuối năm. Không những vậy, MWG được kỳ vọng năm 2024 sẽ phục hồi gấp 5,5 lần so với năm 2022 và tăng trưởng 23,1% trong năm 2025.
Riêng với Bách Hóa Xanh (BHX), theo ước tính của một số tổ chức tài chính, chuỗi bán lẻ này được kỳ vọng nếu duy trì đà tăng trưởng tích cực như hiện nay thì có thể sẽ đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 trước khi ghi nhận lợi nhuận dương trong năm 2024.
Doanh thu hồi tháng 8/2023 của BHX tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm, đạt gần 2,9 nghìn tỷ (tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước). Điều này được dẫn dắt bởi lượng khách vào cửa hàng (traffic) tăng, tạo dư địa cải thiện giá trị mỗi lần mua hàng (ticket size), báo hiệu triển vọng tăng trưởng doanh thu bền vững khi kinh tế phục hồi.
Sức phục hồi của thị trường bán lẻ ở Việt Nam cũng có thể được nhìn thấy trong số liệu mới đưa ra từ Tổng cục Thống kê với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2023 ước đạt 524,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này tuy còn khiêm tốn nhưng là một tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ khi bước vào giai đoạn hồi phục trong mùa mua sắm cuối năm trong 3 tháng tới.
Nhìn từ việc cạnh tranh mua 20% cổ phần của BHX, giới chuyên gia cho rằng các DN bán lẻ hàng đầu của khối ngoại được ví như “cá mập” vẫn thèm muốn chiếm lĩnh thị phần bán lẻ Việt vốn được ví như “miếng bánh” béo bở và họ ưa chuộng hình thức M&A (mua bán sáp nhập) trong ngành này. Điều đó giúp cho khối bán lẻ ngoại tiếp cận với thị trường Việt Nam một cách nhanh chóng, dễ dàng, an toàn, cầm trịch cuộc đua sòng phẳng hơn trên sân khách, chiếm thị trường tiêu thụ và mở rộng sản xuất.
Nhất là khi xúc tiến thương vụ M&A, mua lại cổ phần hoặc toàn phần một DN bán lẻ tại Việt Nam, các “cá mập” bán lẻ của khối ngoại nhận được nhiều sự hỗ trợ đồng bộ hơn là tự dò dẫm, tìm hiểu từng bước ở một thị trường mới. Đây được xem như bước đi thần tốc giúp khối ngoại dịch chuyển sang thị trường Việt với thời gian ngắn nhất.
Theo Ts. Gregory Bournet, Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp PwC Việt Nam, những ngành then chốt như hàng tiêu dùng và bán lẻ sẽ tiếp tục có những hoạt động M&A sôi động nhất nhờ triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ.
“Với dân số đông, trẻ và đang gia tăng cùng thu nhập của các gia đình và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, Việt Nam sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng cao cho các nhà đầu tư ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ trong những năm tới”, ông Bournet nhận định.
Linh hoạt củng cố vị thế
Còn theo nhận định của Vietnam Report, nhìn về tương lai thì thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức hấp dẫn lớn với nhiều tiềm năng phát triển. Dư địa phát triển của ngành bán lẻ về dài hạn sẽ ngày càng rộng lớn. Quy mô thị trường hiện lên tới 142 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới.
Với sức hấp dẫn như vậy, mức độ cạnh tranh giữa khối ngoại với khối nội trên thị trường bán lẻ Việt sẽ ngày càng gay gắt hơn nữa. Và ở một số lĩnh vực của bán lẻ thì dấu ấn của khối ngoại hiện vẫn rất rõ nét.
Đơn cử như khi nhìn kết quả khảo sát DN bán lẻ trong tháng 9/2023 của Vietnam Report sẽ thấy, đứng đầu trong Top 10 công ty bán lẻ uy tín năm 2023 ở nhóm siêu thị, tổng hợp thì đại gia bán lẻ Thái Lan Central Retail tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng uy tín với chỉ số tài chính tốt nhất. Còn 3 đại gia bán lẻ khác của khối ngoại là Mega Market (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc) lần lượt đứng ở vị trí thứ 4, 5 và 7.
Có thể thấy, thời gian qua một trong những khó khăn lớn của các DN bán lẻ là cạnh tranh khốc liệt giữa các DN cùng ngành. Nhất là nguồn lực của các DN bán lẻ nội địa vẫn còn lép vế so với nhà bán lẻ ngoại. Trong cuộc cạnh tranh này, do tiềm lực và nguồn lực có hạn, các nhà bán lẻ trong nước khó có thể huy động dòng tiền để cạnh tranh trực tiếp với các đại gia bán lẻ ngoại vốn có nguồn tài chính dồi dào.
Và để gia tăng sức cạnh tranh, trong Top 6 chiến lược trọng tâm mà các nhà bán lẻ nội địa đang hướng tới, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, đứng đầu là “đẩy mạnh bán hàng đa kênh” (có 65,4% DN lựa chọn), tiếp đến là “triển khai chương trình kích cầu tiêu dùng” (63,9% lựa chọn), đứng thứ 3 là “tăng cường số hóa các hoạt động vận hành của DN và nâng cao trải nghiệm thực tế của khách hàng bằng công nghệ” (có 57,1% lựa chọn).
Trong chiến lược “đẩy mạnh bán hàng đa kênh” của các nhà bán lẻ nội địa, Ts. Alrence S. Halibas (Đại học RMIT) có lưu ý các nhà bán lẻ cần thể hiện tính linh hoạt và nắm bắt các công nghệ mới nổi để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.
Theo Ts. Halibas, các nhà bán lẻ nội địa nên xem xét triển khai chiến lược đa kênh dài hạn để duy trì sự ưa chuộng của người tiêu dùng và không bị tụt hậu so với đối thủ ngoại. Chiến lược đa kênh nên tính đến việc lấy người tiêu dùng làm trung tâm, đồng thời trang bị mạng lưới logistics và chuỗi cung ứng mạnh mẽ cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các kênh.
Nói chung, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với khối ngoại, để củng cố vị thế của mình thì các nhà bán lẻ nội địa nên đáp ứng nhu cầu mua sắm linh hoạt của người tiêu dùng. Khi việc thu hút và giữ chân khách hàng trở nên khó khăn trước tình trạng chi tiêu hạn hẹp, họ cũng cần tận dụng điểm mạnh và lợi thế của tất cả các hình thức bán lẻ. Việc tái tạo các kênh phân phối có thể sẽ tạo ra những thay đổi tích cực cho các nhà bán lẻ nội địa trong cuộc đua dài hơi với khối ngoại.