Lợi dụng dịch bệnh, 'cát tặc' Trung Quốc ào ào tràn xuống phía Nam khiến Đài Loan lo sợ

Một số chuyên gia cho rằng, tàu khai thác cát có thể kết hợp với lực lượng dân quân hàng hải của TQ đại lục để thu thập thông tin tình báo của Đài Loan.

Vào ngày 28/7, cơ quan tuần tra hàng hải Đài Loan cho biết, từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, gần 3.000 lượt tàu khai thác và vận chuyển cát của Trung Quốc đã vượt qua eo biển Đài Loan, tiến hành khai thác tại vùng biển xung quanh quần đảo Bành Hồ dù chính quyền Đài Loan không cho phép.

Phía Đài Loan khẳng định, hành vi của các tàu khai thác cát của Đại lục là trộm cát, thu lợi nhuận khổng lồ, thậm chí gây tổn hại nghiệm trọng đến hệ sinh thái biển xung quanh.

Để hạn chế tình trạng này, cơ quan tuần tra hàng hải Đài Loan tuyên bố rằng, trong tương lai sẽ triển khai các tàu khu trục cỡ lớn, kết hợp với lực lượng trinh sát không quân, tăng cường tuần tra trong mọi điều kiện thời tiết ở các bãi biển Đài Loan. Cơ quan này cũng sẽ sử dụng cơ chế liên lạc qua eo biển để kêu gọi Trung Quốc phối hợp thực thi pháp luật.

Lợi dụng Covid-19, tàu trộm cát xuất hiện đông đảo

Theo thống kê của cơ quan tuần tra hàng hải Đài Loan, trong năm 2017, Đài Loan chỉ thu giữ 2 tàu và xua đổi 2 tàu khai thác cát ở khu vực Kim Môn và Mã Tổ. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc tuyên bố hạn chế khai thác cát ven biển, giá cát sỏi ngày càng tăng. Do nguồn cung cấp cát sông ở Trung Quốc không đủ, từ năm 2018, các tàu khai thác cát của Trung Quốc đã tràn xuống phía nam, khiến các bãi biển Đài Loan trở thành điểm nóng về khai thác cát biển.

Tàu trộm cát của Trung Quốc đại lục hoạt động gần Đài Loan. Ảnh: CNA

Tàu trộm cát của Trung Quốc đại lục hoạt động gần Đài Loan. Ảnh: CNA

Theo dữ liệu chính thức, số lượng tàu bị cơ quan tuần tra hàng hải Đài Loan thu giữ tăng nhẹ từ 2 chiếc năm 2018 lên 7 chiếc năm 2018 nhưng số lượng tàu bị xua đuổi tăng từ 71 chiếc năm 2018 lên 600 chiếc năm 2019.

Từ đầu năm nay, bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát, tàu khai thác cát Trung Quốc vẫn tiến thẳng vào vùng biển Đài Loan ở Bành Hồ, chỉ trong 7 tháng đầu năm, lực lượng tuần tra hàng hải Đài Loan đã xua đuổi 2.988 tàu.

Do tàu khai thác cát Trung Quốc có trọng tải lớn trong khi cầu cảng xung quang Đài Loan lại thiếu vị trí đỗ nghiêm trọng nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng truy bắt của cơ quan tuần tra hàng hải Đài Loan. Về vấn đề này, ông Trần Phú Vinh, đội phó đội tuần tra biển Bành Hồ nói rằng, xua đuổi chỉ là biện pháp tạm thời, Đài Loan sẽ tăng cường kiểm tra, bắt giữ các tàu khai thác cát nhằm chấm dứt hiện trạng đang diễn ra.

Tờ Liberty Times (Đài Loan) cho biết, hành vi của các tàu khai thác cát Trung Quốc hiện đang gây ảnh hưởng nặng nề tới hệ sinh thái biển xung quanh.

Một ngư dân ở Bành Hồ chia sẻ, mặc dù năm ngoái họ được mùa hải sản nhưng lại rất ro lắng việc tàu cát Trung Quốc khai thác cát, có thể ảnh hưởng đến tập quán sinh sản của nhiều sinh vật biển, phá hoại hệ sinh thái biển và cũng ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt ở khu vực này.

Nguy cơ tàu cát thu thập thông tin tình báo

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn lời giới chuyên gia quân sự cảnh báo, Đài Loan cần nâng cao cảnh giác, bởi ngoài khai thác cát, lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc đại lục có thể sẽ được triển khai gần khu vực có tàu hút cát để thu thập thông tin tình báo.

Ông Hoàng Ân Hạo, nghiên cứu viên trợ lý thuộc Viện Nghiên cứu an ninh quốc phòng Đài Loan nhận định, Bành Hồ có vị trí chiến lược quan trọng hơn Kim Môn và Mã Tổ - nơi rất gần với tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), và cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc bảo vệ an ninh eo biển Đài Loan. Ông này nói rằng, quân đội Trung Quốc gần đây đã mở rộng lực lượng Thủy quân lục chiến, tức Bắc Kinh lần nữa tăng cường chiến lược chiếm và đổ bộ các đảo xa Đài Loan, bao gồm cả Bành Hồ.

Tuy nhiên, ông tin rằng việc triển khai các lực lượng hải lục không quân của Đài Loan tại Bành Hồ có thể bảo đảm hiệu quả phòng ngự toàn bộ eo biển Đài Loan. Điều này sẽ khiến quân đội Trung Quốc PLA tốn chi phí hơn những lợi ích thu được nếu Bắc Kinh phát động chiến tranh.

Đồng thời, ông này cho rằng, Mỹ cũng coi Bành Hồ và Đài Loan là chỉnh thể phòng thủ nên nếu PLA tấn công vào Bành Hồ, Lầu Năm Góc chắc chắn sẽ hỗ trợ phòng thủ. Ngoài ra, Bành Hồ là cửa ngõ dẫn vào chuỗi đảo thứ nhất nên có hiệu quả trong ngăn cản hải quân Trung Quốc đột phá tuyến phòng thủ của chuỗi đảo thứ nhất. Đây cũng là khu vực Mỹ có thể phòng thủ PLA hiệu quả nhất.

An An

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/loi-dung-dich-benh-cat-tac-trung-quoc-ao-ao-tran-xuong-phia-nam-khien-dai-loan-lo-so-820201287738982.htm