Lời giải cho bài toán giảm phát thải carbon từ quá trình chuyển đổi số
Việt Nam đã đưa ra những cam kết tham vọng tại COP26 để giảm phát thải carbon về 0 vào năm 2050. Trong quá trình đó, chuyển đổi số góp phần tìm lời giải cho vấn đề giảm phát thải carbon, hiện thực hóa cam kết này.
Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, Thông minh hơn, Xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp phát triển bền vững, VCCI cho biết, theo đánh giá của EU, việc áp dụng các công nghệ số sẽ giúp làm giảm lượng phát thải carbon tới 20% vào những năm 2030.
Một ví dụ là về in hóa đơn. Ước tính năm 2019, Mỹ sử dụng khoảng 550 tỷ hóa đơn, chỉ 1/10 số này là hóa đơn điện tử. Tới năm 2030, con số này sẽ tăng gấp 4 lần. Trong khi lượng hóa đơn này chủ yếu từ nguồn gỗ trồng. Sử dụng hóa đơn điện tử chính là áp dụng công nghệ số, hỗ trợ cắt giảm tối đa chi phí vận chuyển và các chi phí liên quan, góp phần giảm thải carbon.
Do đó, các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng chuyển đổi số và tích hợp chuyển đổi xanh là việc cần thiết hiện nay, nhất là khi các tiêu chuẩn ESG ngày càng phổ biến và người tiêu dùng cần những sản phẩm sạch, có trách nhiệm hơn.
Vậy nên, doanh nghiệp cần phải bắt tay hoạch định chính sách chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm mục đích phát triển một mô hình kinh doanh bền vững, mang lại giá trị cho nền kinh tế.
“Các doanh nghiệp lớn đã có những chiến lược chiến lược dài hạn, xây dựng một nền tảng khá vững vàng ứng dụng chuyển đổi số vào mô hình kinh doanh của mình, bên cạnh các sản phẩm sạch và thân thiện. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không bị bỏ lại phía sau. Nhóm doanh nghiệp này rất năng động, một khi nắm bắt xu thế thì sẽ phát triển rất nhanh. Họ đã tiếp nhận những công nghệ mới nhất từ AI, robot hóa trong sản xuất rất hiệu quả”, ông Huy cho biết.
Tuy nhiên, trong quá trình này, không thể thiếu sự phát triển đồng bộ của toàn bộ hệ sinh thái.
“Chúng ta có lợi thế của người đi sau, được tiếp nhận những công nghệ đã được kiểm chứng, đó chính là lợi thế. Tuy nhiên, do hạn chế về quy mô còn nhỏ, để đưa công nghệ số và công nghệ xanh vào hoạt động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần một hệ sinh thái để phát triển, ví dụ có sự sự dẫn dắt của cơ quan chức năng hay sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn”, ông Huy cho biết thêm.
Chia sẻ thêm về chuyển đổi số cho tăng trưởng bền vững, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chuyển đổi số là con đường hỗ trợ đổi mới sáng tạo và xa hơn là giúp đạt các mục tiêu giảm phát thải.
“Ví dụ đơn giản như ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp giúp tiết kiệm nước, nâng cao năng suất. Hay áp dụng các giải pháp 5G vào chuyển đổi các nhà máy xanh hơn, thông minh hơn, giảm phát thải”, ông Thịnh cho biết.
Ngay từ khi thành lập NIC đã quán triệt tinh thần hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp qua nhiều phương thức.
“Chúng tôi sẽ làm việc với doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu của họ trong quá trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Sau đó, NIC làm việc với đơn vị cung cấp giải pháp, cung cấp công nghệ để kết nối 2 bên. Đây là phương thức rất hiệu quả. Ví dụ, trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là rất lớn, do đó, chúng tôi đã trao đổi với một số tập đoàn công nghệ như Google để triển khai một số chương trình mà NIC không phải bỏ ra kinh phí. Google sẽ tổ chức các khóa đào tạo hay hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó chúng tôi hợp tác với Siemens, Hitachi... để triển khai các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại các nhà máy. Các doanh nghiệp công nghệ luôn sẵn sàng đưa ra các giải pháp và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Cách làm của NIC là kết nối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ đó đem lại hiệu quả lớn”, ông Thịnh cho biết.
Chia sẻ thêm kinh nghiệm từ Thụy Điển, ông David Linden, Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển (Business Sweden) cho biết, các doanh nghiệp Thụy Điển cũng hợp tác chuyển đổi số nhằm đơn giản hóa công việc hành chính. Thụy Điển, cùng với các thành viên EU khác, đã công nhận tính hợp pháp của chữ ký điện tử từ năm 2000 theo Đạo luật Chữ ký điện tử. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc ký kết, lưu trữ và truy tìm các tài liệu quan trọng như hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ. Chỉ một hành động này đã giúp giảm lượng khí thải phát sinh từ việc di chuyển vật lý, sử dụng giấy và năng lượng được sử dụng để duy trì các địa điểm lưu trữ.