Lời giải nào cho bài toán thiếu trường THPT ở Hà Nội?
Trong bối cảnh thiếu trường lớp học, giáo dục Hà Nội đang phải loay hoay giữa cùng lúc làm thế nào để đủ trường, lớp học vừa tiến tới mục tiêu 'chuẩn quốc gia'. Muốn giải bài toán này, Hà Nội cần các biện pháp cả trước mắt lẫn lâu dài.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội 2020-2025 đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045 có nêu “Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia: 80-85%”.
Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT về kiểm định chất lượng, công nhận đạt chuẩn quốc gia với trường THCS, THPT quy định:
+ Trường chuẩn quốc gia mức độ 1, yêu cầu phải đủ có đủ các lớp của cấp học;
+ Trường chuẩn quốc gia mức độ 2: Trường có không quá 45 (bốn mươi lăm) lớp. Sỹ số học sinh trong lớp theo quy định.
+ Trường chuẩn quốc gia mức độ 3: Trường có không quá 45 (bốn mươi lăm) lớp. Mỗi lớp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có không quá 40 (bốn mươi) học sinh, lớp tiểu học không quá 35 (ba mươi lăm) học sinh (nếu có). Số học sinh trong lớp của trường chuyên biệt theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên biệt.
Với tiêu chí về lớp học nêu trên, các trường muốn phấn đấu “chuẩn quốc gia” không thể tuyển quá chỉ tiêu. Trong bối cảnh thiếu trường lớp học, giáo dục Hà Nội đang phải loay hoay giữa cùng lúc làm thế nào để đủ trường, lớp học vừa tiến tới mục tiêu "chuẩn quốc gia". Muốn giải bài toán này, Hà Nội cần các biện pháp cả trước mắt lẫn lâu dài.
Từ những giải pháp trước mắt
Ngày 10/7 vừa qua, sau sự kiện nhiều phụ huynh khu vực nội thành Hà Nội xếp hàng xuyên đêm để kiếm một xuất học THPT dân lập, bán công cho con, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo đầy đủ, chính xác về công tác tuyển sinh gây bất bình và bức xúc trong dư luận xã hội.
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng 33.000 thí sinh không đỗ công lập thực sự tạo áp lực với ngành giáo dục Thủ đô. Nhưng việc phụ huynh đổ xô xếp hàng vào một số trường từ 1 - 2h sáng là chuyện "rất không bình thường".
“Để không còn hình ảnh xảy ra gây bức xúc dư luận, việc trước tiên, ngành giáo dục Thủ đô cần tăng cường Công nghệ thông tin, thực hiện đồng bộ việc tuyển sinh trực tuyến, đưa tất cả nội dung tuyển sinh, các bước đăng ký, hoàn thiện hồ sơ lên hệ thống tuyển sinh của các nhà trường. Để làm được điều này, từng trường phải chuẩn bị về cơ sở hạ tầng và coi đây như giải pháp tạo sự công bằng, giảm những bức xúc của phụ huynh và dư luận”, ông Nghĩa đưa ra một giải pháp tức thời.
Giải pháp tức thời về công nghệ thông tin cũng được bà Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng trường THPT công lập tự chủ Hoàng Cầu, một trong những trường xảy ra tình trạng phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm nộp hồ sơ cho con nhắc đến như một nhiệm vụ bắt buộc cho mùa tuyển sinh năm sau.
Mặc dù đang theo đuổi mục tiêu 80-85% trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2045, nhưng trước tình hình Chính phủ, Bộ GD-ĐT yêu cầu giải trình, ngành giáo dục Thủ đô đã “xin” được áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành từ năm học 2023-2024. Trong đó có đề cập đến giải pháp về cơ chế đặc thù trong tuyển sinh vào lớp 10 công lập.
Những giải pháp của Hà Nội đã nêu có 3 nội dung liên quan đến tăng sĩ số học sinh/lớp; tăng lớp/ trường. Cụ thể:
- Thứ nhất Hà Nội đề xuất cho phép địa phương tăng 10% số lớp học ở mỗi trường THPT. Quy định hiện nay là mỗi trường chỉ có 45 lớp, nay đề xuất tăng lên 50 lớp, vượt 5 lớp/ trường.
- Thứ hai là đề xuất cho phép tăng 10% học sinh/ lớp. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hiện nay ở bậc THPT sĩ số học sinh ở mỗi lớp là 45 em, nay tăng lên 50 học sinh/ lớp, vượt 5 em.
- Thứ ba là cho phép địa phương áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh để áp dụng phù hợp điều kiện thực tiễn tại Thủ đô.
Mới đây, trong Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 18/8, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng nêu thực trạng thiếu trường lớp ở Thủ đô và kiến nghị cho phép Hà Nội xây dựng trường học được áp dụng tiêu chí "diện tích sử dụng/học sinh", thay thế cho chỉ tiêu "diện tích đất/học sinh".
"Với các quận nội thành, quỹ đất không còn để đáp ứng lượng học sinh tăng rất nhanh. Cho phép Hà Nội nâng tầng đối với các khối nhà xây dựng và cho phép xây dựng tầng hầm tại các trường học nội thành", bà Vũ Thu Hà kiến nghị.
Đây là những giải pháp trước mắt và tạm thời, tuy nhiên không thể coi đó là những giải pháp lâu dài. Vì ngoài việc cần tuân thủ các quy chuẩn xây dựng đảm bảo an toàn, việc tăng sĩ số học sinh/lớp làm phá vỡ tiêu chí đạt chuẩn của nhiều trường THPT chỉ nên coi như giải pháp tình thế và thực hiện trong một thời gian ngắn. Bởi như PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, sĩ số học sinh dù ở cấp học nào cũng liên quan đến chất lượng đào tạo, an toàn cho học sinh và thầy cô, cần được thực hiện nghiêm túc.
Đến những giải pháp mang tính chiến lược
Sau những áp lực về tỷ lệ đỗ trượt vào THPT, đã có 2 trường THPT công lập khu vực ngoại thành Hà Nội được phép mở rộng cửa đón những thí sinh thi trượt có điểm cao vào học. Tuy nhiên, chất lượng chênh lệch giữa các trường nội/ngoại thành là rào cản khiến biện pháp này dường như không hiệu quả. Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, nâng đồng đều chất lượng dạy học giữa các nhà trường phải được tính đến như một biện pháp lâu dài.
Mới đây, khi phóng viên VOV2 đặt câu hỏi về vấn đề thiếu trường lớp học của thủ đô, Sở GD-ĐT Hà Nội đã trả lời bằng công văn số 2941 (ngày 11/8) thừa nhận tình trạng “thừa thiếu cục bộ tại một số nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh như: quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, quận Hà Đông, quận Đống Đa do dân số cơ học tăng cao, nhiều khu đô thị, khu đông dân cư đã gây áp lực cho hệ thống các trường học công lập trên địa bàn các quận trên”.
Quy hoạch nhưng không tính được đến tốc độ tăng dân số cơ học đã được chúng tôi phân tích trong bài trước là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu trường lớp học. Trước thực trạng này, ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, Thành viên Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng đã có những quận nội thành sớm phát hiện và đã có những hành động sửa sai trong công tác quy hoạch trường lớp.
Vẫn lấy ví dụ về quận Cầu Giấy, với vai trò Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, từ năm 2008, khi Hà Nội mở rộng, ông Trần Huy Ánh đã cùng nhiều KTS nghiên cứu và chỉ ra nguyên nhân bất cập trong quy hoạch làm cơ sở để quận Cầu Giấy chủ động trong chiến lược phát triển mạng lưới trường học, dù áp lực dân số vẫn tiếp tục tăng lên.
Các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… chậm hơn nên gặp khó về quỹ đất trống để dành cho xây trường. Đặc biệt là quận Hoàng Mai, các chủ đầu tư chỉ tập trung xây nhà thương mại mà bỏ quên hẳn hạng mục trường học. Tình trạng thiếu lớp, thiếu trường khủng khiếp, đỉnh điểm ở tình trạng từ bậc mầm non, phụ huynh đã phải xếp hàng, giành giật một chỗ ngồi học cho con em. Lên những bậc tiếp theo, đã từng xảy ra tình trạng 60-70 em/lớp.
Từ ví dụ quận Cầu Giấy, theo KTS Trần Huy Ánh, khu vực nội thành vẫn có cơ hội sửa sai nếu biết tận dụng những công trình xây dựng đã và sẽ được di dời.
“Chúng ta biết rằng trong nội đô, có nhiều các cơ sở sản xuất với không gian lớn đã chuyển ra khỏi nội đô. Thí dụ như các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất độc hại cũng như khu công nghiệp được chuyển ra khỏi thành phố. Khoảng không gian đó có thể dành cho đào tạo giáo dục”, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ giải pháp từ góc độ quy hoạch kiến trúc đô thị.
Rất nhiều các diện tích chuyển đổi các cơ quan không còn sử dụng nữa. Đã có những quận đã sử dụng hiệu quả vốn đất này như trường hợp quận Hai Bà Trưng chuyển diện tích nhà máy Đông Xuân sang xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở. Quận Hoàn Kiếm còn một số địa điểm như cửa hàng gạo, kho gạo hay những cơ sở từng thuộc các công ty phân phối theo mô hình tập trung bao cấp có thể chuyển đổi thành trường học rất phù hợp.
Ngoài ra, trước tình trạng bỏ lỡ quy hoạch, đất dành cho trường học bị dùng sai mục đích sử dụng, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh đều có kế hoạch để mở thêm trường, vậy làm sao bảo đảm quy hoạch ấy không bị chậm, không bị lệch.
“Làm sao giữ những thửa đất đã quy hoạch xây trường không bị đẩy sang chỗ khác, phải giữ đất cho trường học không kém gì giữ đất rừng, đất lúa”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Một giải pháp nữa, đó là đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các trưởng tư thục cũng được nhiều chuyên gia nhắc đến. Từ kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực giáo dục nhiều năm, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Trung tâm Quỹ hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông khi nhắc tới câu chuyện thiếu trường THPT cho rằng, nên phát triển hệ thống giáo dục dân lập, tư thục nhằm hỗ trợ cho việc giảm tải.
Mức học phí cao hiện đang được xem như rào cản cho học sinh tiếp cận giáo dục dân lập với phụ huynh có mức thu nhập vừa phải. Phát triển hệ thống trường dân lập theo ông Ân có thể xem như một giải pháp cho cùng lúc nhiều vấn đề.
Trước hết, học phí phụ huynh phải trả cho trường dân lập sẽ giảm nếu số học sinh tăng lên, bù đắp các khoản chi phí của các nhà trường. Tiếp theo giải quyết vấn đề tăng thu nhập cho giáo viên ở cả hai hệ thống dân lập và công lập. Còn nếu cứ để bộ máy trường công phình ra, trong khi quỹ lương vẫn không đổi sẽ khiến lương giáo viên công lập thấp so với mặt bằng cuộc sống.
Để phát triển trường dân lập như một giải pháp san sẻ cho trường công lập, theo TS Đặng Tự Ân cần có chính sách hỗ trợ như cho mượn đất công hoặc cho thuê với mức giá thấp và được hưởng những cơ chế đặc thù cho giáo dục.
“Còn nếu vẫn cho các trường dân lập thuê hoặc bán với giá của đất xây siêu thị, chung cư sẽ không thể yêu cầu trường dân lập giảm học phí”, ông Ân nhấn mạnh.
PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa đồng thuận quan điểm nên có cơ chế hỗ trợ hệ thống trường dân lập, tư thục góp phần giảm tải cho khu vực nội thành của Thủ đô. Trường công lập thuộc hệ thống đơn vị sự nghiệp được nhà nước đầu tư cả về đất đai, xây dựng, đội ngũ giáo viên... Trong khi đó, trường tư thục thuộc về tư nhân, toàn bộ các chi phí vận hành đều phải tự chi dẫn đến học phí cao và đẩy lên vai phụ huynh gánh vác. Tạo một không gian phát triển bình đẳng hơn sẽ dần xóa đi khoảng cách giữa hai hệ thống trong nền giáo dục chung và quan trọng sẽ gánh đỡ số lượng học sinh tăng không ngừng ở các thành phố như Hà Nội.
Việc phân luồng học sinh chuyển sang học nghề cũng từng được chỉ ra như một nguyên nhân khiến tỉ lệ học sinh đỗ công lập bị ép về con số hơn 60%, tạo sức ép lớn cho kì thi vào 10. Hà Nội thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, việc phân luồng này cũng cần được phụ huynh và học sinh thực hiện theo cách “tự nguyện” trên cơ sở phù hợp năng lực và nguyện vọng thay vì “cưỡng ép” và lựa chọn theo kiểu “bước đường cùng” như hiện nay.
Để phân luồng tốt, theo ông Nghĩa, hệ thống trường nghề phải vươn lên, xứng với thời gian, công sức của học sinh bỏ ra thay vì đào tạo nghề chỉ để lấp vào khoảng thời gian các cháu không được học chương trình phổ thông. Lấy TP.HCM, một địa phương tương đối tương đồng với Thủ đô về đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục, ông Nghĩa cho rằng, yếu tố tâm lý xã hội, tâm lý phụ huynh trong câu chuyện để con em lựa chọn việc học lên cũng có rất nhiều điều đáng lưu tâm.
Làm sao để phụ huynh không quá nặng nề tâm lý trường công thì tốt, trường tư dành cho học sinh thi trượt. Thậm chí học sinh chuyển sang học nghề cũng không khiến phụ huynh quá căng thẳng, áp lực. Việc con em lựa chọn và theo đuổi đúng sở trường, năng lực cá nhân quan trọng hơn bằng cấp.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là mục tiêu phân luồng “cứng” sau THCS có cần xem xét lại khi mà chính trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu “đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Hà Nội sẽ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch… trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Hà Nội”.
Để thực hiện mục tiêu “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao”, Hà Nội sẽ phải thực nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng đầu tiên phải chấm dứt tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở bậc học phổ thông như hiện nay.