Lời hứa
Trong thâm tâm, Linh cảm phục dượng, người đàn ông đã giữ trọn lời hứa, chăm sóc vợ con của ân nhân đến tận cùng.

Chiều muộn Linh về đến Mỹ An. Nắng hoàng hôn phủ xuống thị trấn màu vàng đậm, loang lổ lên mái nhà, ngọn cây, chóp núi. Sương sớm mỏng tang, trong veo, bắt nắng vàng lấp lánh. Mắt Linh như bị mê hoặc bởi một thứ nắng vàng trong sương sóng sánh như đọi mật ong. Nắng muộn, sương sớm, cảnh vật hiện hữu như bức tranh kỳ ảo làm Linh bỗng thấy mình nhẹ nhõm, không còn căng thẳng lo lắng như từ lúc nhận được tin nhắn của dượng Đắc...
Mọi khi dượng Đắc nhắn: “Con có về được không, nếu được thì về ngay nhá. Nhà có việc!”. Việc! Linh biết thừa. Cô nhắn lại cho dượng: “Con bận lắm”. Dượng lại nhắn: “Đám này hay mà con!”, “Hay con cũng kiếu!”. Lần khác thì: “Không ưng cậu này ân hận cả đời đấy”. Linh vừa nhắn lại cho dượng vừa tủm tỉm cười: “Con đành ôm mối ân hận cả đời vậy”. Có lần dượng nhắn: “Nó đẹp trai, cao to, con nhà giàu, mới đi học ở nước ngoài về!”. Linh nhắn cho dượng: “Con cũng không duyệt!”. “Này kiêu căng vừa vừa thôi, kẻo rồi ê sắc ế đấy”. “Ế cũng được. Ế thì con ở vậy chăm sóc cho dượng cả đời”. Nhắn tin cho dượng xong, Linh đoán chắc dượng Đắc lại mủi lòng, thể nào nước mắt cũng làm mọng đỏ hai con mắt đã bắt đầu sụp xuống của dượng.
Nhưng lần này tin nhắn của dượng không phải “cậu này”, “chàng kia”, mà là: “Con về ngay, có việc hệ trọng”. Lúc đầu Linh còn cười, bởi cho là dượng dùng “chiêu mới” để bắt cô về “xem mặt” cho bằng được một anh chàng nào đó. Nhưng linh tính mách bảo cô một điều gì đó “hệ trọng”. Linh liền xin giám đốc trung tâm Anh ngữ, nơi cô đang làm giảng viên nghỉ một ngày. Từ ngày mẹ mất, Linh tốt nghiệp đại học, xin được dạy ở một trung tâm Anh ngữ lớn của thành phố, thu nhập cao, tuy nhiên ít có thời gian rảnh dỗi, thành ra cô cũng ít về nhà. Nghĩ cũng thấy thương cho dượng, già rồi mà vẫn lọ mọ một mình.
Năm Linh ba tuổi, dượng đưa mẹ con Linh về nhà dượng ở thị trấn Mỹ An. Dượng mở một ki ốt bán hàng điện tử, sắp xếp cho mẹ một gánh hàng khô, cả hai đều buôn bán ở chợ huyện. Lúc bập bẹ biết nói, mẹ bảo Linh gọi dượng là bố. Lớn lên, khi hiểu chút ít, dượng bảo: “Con cứ gọi dượng là dượng”. Linh nghe lời. Hiểu nhiều hơn, lại được mẹ bảo: “Vì hoàn cảnh mẹ con mình phải theo dượng Đắc về đây”. Mẹ thở dài, có những giọt nước mắt lăn trên má. Linh hỏi: “Thế bố con đâu?”. Mẹ không nói gì, lại thở dài và nước mắt chảy ra nhiều hơn. Trong thâm tâm Linh đinh ninh, bố đã mất.
Khi hiểu sâu hơn sự đời, rồi quan sát sinh hoạt của mẹ và dượng, Linh băn khoăn, thắc mắc rằng tại sao là vợ chồng nhưng hai người chẳng bao giờ ở chung buồng. Nhà dượng ba gian hai chái, buồng dượng một chái, buồng mẹ một chái. Tối đi ngủ bao giờ mẹ cũng cửa đóng then cài. Ăn thì chung mâm, hằng ngày vẫn giao lưu chuyện trò, thậm chí có những lúc vui vẻ họ còn buông đùa vài câu tếu táo.
Buổi sáng, dượng chở hàng ra chợ cho mẹ. Hàng khô trăm thứ, nào là măng miến, hành, tỏi, hạt tiêu, mộc nhĩ, nấm hương, mì chính, kẹo đắng... Dượng cẩn thận, chu đáo, bày biện cho mẹ xong đâu đấy mới đến ki ốt điện tử dọn hàng. Có lẽ dượng thương mẹ chân yếu tay mềm, lại nữa mẹ bị bệnh hen suyễn, lúc nào cũng khò khè và luôn bị khó thở. Linh được dượng chăm sóc như con ruột. Linh nghĩ, có lẽ vì trước khi lấy mẹ, dượng chưa lấy ai, dượng chưa bao giờ làm cha, nên dượng mới quý mến, yêu thương Linh.
Năm Linh học lớp 11, bệnh tình của mẹ bỗng trở nặng. Những ngày tháng ấy Linh chứng kiến sự chu đáo, tận tâm, tận lực của dượng với mẹ. Dượng đưa mẹ đi bệnh viện huyện, rồi viện tỉnh, sau đó lên viện tuyến trên. Ròng rã mấy tháng trời hết bệnh viện này đến bệnh viên kia, dượng theo mẹ, ăn nghỉ ngoài hành lang phòng bệnh, nên người dượng gầy rộc đi. Cũng may dượng có sức khỏe, nên vừa lo cho mẹ, vừa lo cho Linh. Một thời gian, bệnh viện bảo dượng đưa mẹ về nhà, nếu mẹ thích gì thì chiều mẹ thứ đó. Dượng hiểu ý của bệnh viện, dượng buồn chẳng thiết ăn uống, chuyện trò với ai.
“Có bệnh thì vái tứ phương”, dượng rong ruổi khắp nơi, cứ nghe ai mách rằng ở nơi này nơi kia có thầy thuốc, thầy lang giỏi, bất chấp nắng mưa, rét mướt hay nóng nực, dượng vẫn dắt xe đi. Có lần dượng lên Hòa Bình tìm đến một bản mường xa tít tắp mua thuốc của một bà lang. Lúc về trời mưa to, đường trơn trượt, dượng sa xuống một ổ trâu, cú ngã làm chân dượng sai khớp, sưng tấy lên, nhưng dượng nén đau, tiếp tục phóng xe mang thuốc về cho mẹ.
Bệnh tình của mẹ ngày một nặng, rồi mẹ không qua khỏi. Linh nhớ trước lúc mẹ ra đi, dượng nắm chặt bàn tay gầy guộc của mẹ, giọng dượng nghẹn ngào: “Chị yên tâm, tôi sẽ thực hiện đúng ước nguyện của chị...”.
Dù tang gia bối rối, song, Linh lại thêm nỗi băn khoăn, rằng tại sao dượng gọi mẹ là “chị”. Hồi ấy, Linh cho rằng, ước nguyện của mẹ là dượng sẽ thay mẹ chăm nom nuôi nấng dạy dỗ cho Linh nên người. Bởi sau đó, dượng tận tình chăm sóc Linh từng li từng tí. Linh nghĩ, mẹ mất sẽ không có người lo toan tiền bạc cho mình ăn học.
Một lần Linh nói với dượng: “Có lẽ con nghỉ học để đi làm”. Nghe Linh nói, dượng buồn hẳn đi, dượng nhìn Linh, nhẹ nhàng nói: “Chả nhẽ con cho rằng dượng bất tài vô dụng đến mức không nuôi nổi con ăn học!”. Linh cuống quýt: “Con không có ý đó...”. Dượng nghiêm khắc: “Từ giờ trở đi con không được nói với dượng những lời đó nữa. Việc của con là phải học, học giỏi, sau này vào đại học, sau này nữa xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái, khi dượng về già thì chăm sóc dượng”. Linh lí nhí: “Vâng ạ!”
Linh không phụ công dượng nuôi dưỡng mình, chịu khó học hành, vốn dĩ thông minh, có năng khiếu ngoại ngữ, trong kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh toàn tỉnh, Linh đoạt giải nhì. Hôm sở giáo dục trao giải, dượng đưa Linh lên thành phố, thấy dượng dẫn vào một cửa hàng quần áo hàng hiệu Linh ngạc nhiên: “Vào đây làm gì hả dượng?”. Dượng cười: “Dượng muốn trao giải trước cho con!”. Linh giãy nảy lên: “Không! Quần áo ở đây đắt lắm dượng ạ”. Dượng mắng: “Vậy con nghĩ dượng không có tiền à?”. Rồi dượng bảo: “Đắt mấy dượng cũng mua được tặng con”. Dượng nói vậy, Linh sao dám từ chối, trong lòng thầm biết ơn dượng.
Khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường Đại học Ngoại ngữ, Linh mừng một, dượng mừng mười. Dượng bảo: “Cả thị trấn này, con là người đầu tiên đỗ đại học đấy!”. Dượng tự hào, đi đâu, gặp ai dượng cũng hỉ hả: “Con Linh nhà tôi không phải dạng vừa đâu đấy!”. Dượng đặt chục mâm cỗ mời bạn bè của dượng, các thầy cô giáo và bạn bè của Linh đến chung vui với thành quả học tập của Linh. Dượng thắp hương, đứng trước ban thờ mẹ Linh, dượng lẩm nhẩm khấn vái. Mặc dù đã cố chú ý lắng nghe nhưng Linh cũng không biết dượng khấn gì, chỉ thấy nét mặt dượng nghiêm trang và kính cẩn.
*
Buổi tối, cơm nước xong dượng nói:
- Linh à, bố ruột của con vẫn còn sống... Ngày ấy dượng còn trẻ, theo bố con đi buôn bè. Tức là đi buôn luồng, nứa... từ miền ngược về xuôi. Cả đoàn buôn bè chừng gần chục người. Bố con nhiều tuổi hơn, lại đã có vợ con, hơn nữa bố con to khỏe, có võ, nên mọi người gọi là anh cả. Bè trôi dọc sông và cơ man nào là rủi ro. Ở những đoạn sông vắng, bọn cướp bè hành sự trắng trợn. Chúng đi thuyền nan áp sát, đe dọa rồi ngang nhiên chặt đứt cả mảng luồng nứa. Bè của bố con cũng bị cướp mấy lần. Sau này để cảnh giác mỗi lần đi qua những đoạn sông đó, bố con cởi trần, để lộ ra từng múi thịt cuồn cuộn. Tay bố con cầm dao phạt vát một cây nứa thành một cái đòn sóc nhọn hoắt, sắc lẻm, đứng hiên ngang đầu bè, sẵn sàng nghênh chiến với bọn cướp. Còn rủi ro và nguy hiểm nữa là những hôm thời tiết xấu, gặp phải sóng to gió dữ, lũ cuốn, lũ quét bất chợt tràn về.
Một lần bè bị lũ cuốn bất ngờ, vì sơ ý dượng trượt chân rơi xuống dòng nước đang chảy xiết. Dòng nước hung dữ phăng phăng cuốn dượng đi. Tuy biết bơi, nhưng thực tình dượng cũng không giỏi sông nước như bố con. Dượng vùng vẫy, ngụp xuống trồi lên một hồi và bắt đầu đuối sức. Dượng đã đinh ninh mình sẽ chết đuối. Nhưng thật may, bố con đã tung mình xuống, ông ấy chồm lên ngọn sóng, nhằm hướng dượng đang vật vờ lao đến. Đánh vật với sóng, lũ, cuối cùng bố con cũng đưa được dượng vào bờ. Bố con là ân nhân cứu mạng của dượng.
Năm con ba tuổi, tai ương xảy ra. Lần ấy bọn cướp bè rất đông và hung dữ. Áp sát bè mảng, chúng hùng hổ nhảy lên, vung kiếm, dao, mã tấu dọa nạt để cướp. Bố con không chịu được cảnh đó, ông ấy đã cầm cái đòn sóc mũi nhọn đánh trả quyết liệt. Trong một cú vung tay, chẳng may ngọn sóc đâm trúng ngực tên đầu sỏ. Hắn rơi xuống sông, máu chảy ra loang lổ một vạt nước. Tuy tên cướp đó không chết vì được vớt lên đưa đi cấp cứu, nhưng bố con vẫn bị khép tội “giết người”, ông ấy lĩnh án nhiều năm tù. Trước khi đi tù bố con nhờ dượng trông nom chăm sóc hai mẹ con con. Dượng nắm chặt tay bố con và hứa sẽ lo cho hai mẹ con con. Dượng bỏ buôn bè đưa hai mẹ con về thị trấn Mỹ An quê dượng, mở hàng buôn bán đồ điện tử. Để che mắt mọi người, dượng bảo với họ hàng anh em, hàng phố, con và mẹ con là vợ con của dượng.
*
Nghe dượng kể, người Linh run lên cầm cập. Hàm răng trên bặm chặt vành môi dưới môi, có vị mằn mặn, thì ra môi Linh ứa máu. Trời ơi, nhẽ nào Linh lại có một người cha ruột như thế, nhẽ nào hoàn cảnh gia đình Linh lại éo le như vậy... Linh ngắm nhìn dượng Đắc. Thì ra nhiều năm qua dượng với mẹ chỉ là một đôi vợ chồng h ờ, thảo nào mỗi người ngủ một chái nhà. Trong thâm tâm, Linh cảm phục dượng, người đàn ông đã giữ trọn lời hứa, chăm sóc vợ con của ân nhân đến tận cùng. Im lặng một lúc khá lâu dượng khẽ khàng bảo Linh: “Hôm qua, dượng nhận được tin từ một người bạn buôn bè xưa, rằng bố con đã ra tù được hơn một năm, hiện ông đang ở nhờ nhà người bạn ấy. Bố con không được khỏe nữa. Ông ấy có nguyện vọng được gặp con và đấy cũng là ước mong của mẹ con lúc lâm chung. Vì vậy, dượng gọi con về gấp để muốn biết ý con thế nào?”.
Hàm răng trên của Linh, bặm vào vành môi dưới chặt hơn. Linh cố kìm mình không cho những dòng nước mắt ứa ra. Bất giác Linh ngước lên ngắm di ảnh của mẹ trên ban thờ. Người đàn bà phúc hậu nhìn Linh bằng đôi mắt hiền từ. Hình như mẹ đang muốn nói với Linh một điều gì!
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/loi-hua-405565.html