Lợi ích của liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản
ĐBP - Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nông thôn mới, thời gian qua tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp. Kết quả bước đầu cho thấy đây là bước đi phù hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Ngươìdân mua hàng tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩman toàn Hoa Ban.
Ảnh: Lan Phương
Ðiển hình là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại như: Tư vấn và hỗ trợ chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân; tư vấn, kết nối 3 Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) tham gia vào 3 chuỗi cung ứng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp nông nghiệp; phát triển quy trình công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); quy trình công nghệ sản xuất cây trồng an toàn theo VietGAP... Chính quyền một số địa phương đã quan tâm tạo điều kiện cho các HTXNN tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bằng nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
HTX rau an toàn thôn A1, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) là một trong những HTX triển khai thực hiện tốt việc sản xuất theo chuỗi liên kết với các sản phẩm: Bắp cải, cà chua, dưa leo, đỗ... Tham gia sản xuất theo chuỗi, ngay từ khâu chuẩn bị sản xuất đã có doanh nghiệp đặt hàng và bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Sơn Bái, Giám đốc HTX rau an toàn thôn A1, xã Noong Luống cho biết: Ðể trồng rau theo hướng VietGAP, đảm bảo chất lượng sản phẩm, HTX được hỗ trợ gần 300 triệu đồng đầu tư 1.500m2 cơ sở vật chất gồm nhà lưới và các công trình phụ trợ. Trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân với quy mô nhỏ lẻ, không tập trung thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”; sản phẩm chủ yếu thông qua đầu mối bán lẻ, tiêu thụ nội bộ, lợi nhuận chủ yếu tiểu thương hưởng còn người nông dân không có lãi. Ðây là nguyên nhân làm cho nông dân không thiết tha và ngại đầu tư cho nông nghiệp. Từ khi trồng rau theo hướng VietGAP đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân như: Tiết kiệm chi phí sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón từ 20 - 30% so với sản xuất truyền thống; lợi nhuận cao hơn từ 15 - 20%; quan trọng nhất là toàn bộ sản phẩm đều được ký hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp hoặc cửa hàng cung ứng rau an toàn với giá cao hơn giá thị trường từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Từ hiệu quả đó, người dân đã có sự thay đổi tư duy sản xuất, tuân thủ nghiêm quy trình, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc rau; không còn tình trạng tự ý canh tác, mạnh ai nấy làm, muốn bán cho ai thì bán như trước kia nữa.
Theo ông Quản Bá Tới, Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm an toàn Hoa Ban, thì việc liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp, tùy từng loại sản phẩm có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15%/ha và giá trị sản lượng tăng 20 - 25%. Liên kết sản xuất mang lại lợi ích cho cả hai bên: Người sản xuất được bao tiêu sản phẩm, các doanh nghiệp có vùng cung cấp ổn định với chất lượng bảo đảm.