Lợi ích của mô hình chính quyền ba cấp trên thế giới

Mô hình chính quyền ba cấp phân chia quyền lực hợp lý, tăng cường hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển khu vực. Bằng cách thích ứng quản lý theo bối cảnh địa phương, mô hình này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị và gắn kết xã hội, đặc biệt phù hợp ở các quốc gia có văn hóa đa dạng, dân số đông, hoặc địa lý phức tạp.

Mô hình chính quyền ba cấp, bao gồm chính quyền trung ương (quốc gia), chính quyền tỉnh (khu vực) và chính quyền địa phương (cơ sở), được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Cấu trúc này phân bổ quyền lực và trách nhiệm giữa các cấp quản lý khác nhau, mang lại nhiều lợi ích, bao gồm: hiệu quả cao và phản ứng linh hoạt, trách nhiệm và dân chủ được tăng cường; phát triển khu vực một cách cân bằng; bảo tồn văn hóa-xã hội hiệu quả; tự chủ kinh tế được nâng cao.

Chính quyền Nhật Bản được chia thành chính quyền trung ương (chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia, đối ngoại và quản lý kinh tế vĩ mô); chính quyền tỉnh (quản lý cơ sở hạ tầng khu vực, giáo dục và y tế công cộng); chính quyền địa phương (thành phố, thị trấn, làng xã - quản lý dịch vụ công cộng địa phương như quản lý rác thải và phát triển cộng đồng).

Với mô hình chính quyền ba cấp này, chính quyền địa phương có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đặc thù của cộng đồng, như ứng phó thảm họa ở các khu vực thường xuyên xảy ra động đất, phát huy các lễ hội truyền thống, di sản văn hóa đa dạng… Trong khi đó, 47 tỉnh cạnh tranh thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.

Ở Đức, chính quyền liên bang quản lý đối ngoại, quốc phòng và chính sách tài khóa; chính quyền bang chịu trách nhiệm về giáo dục, an ninh trật tự và các vấn đề văn hóa; chính quyền địa phương (đô thị) quản lý quy hoạch đô thị, giao thông công cộng và tiện ích công cộng.

Mô hình này đem lại sự phân quyền và tự chủ, dân chủ cơ sở ở mức cao, trong khi cân bằng kinh tế. Các bang (16 bang) có quyền lập pháp riêng, cho phép xây dựng chính sách phù hợp với đặc thù khu vực. Người dân trực tiếp tham gia các quyết định địa phương, tăng cường sự gắn kết chính trị, trong khi việc tái phân phối tài chính liên bang giúp giảm chênh lệch kinh tế giữa các bang giàu và nghèo hơn.

Học sinh tham quan bên trong tòa nhà Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: Kanpai Japan

Học sinh tham quan bên trong tòa nhà Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: Kanpai Japan

Tại Úc, chính quyền liên bang phụ trách quốc phòng, đối ngoại và thương mại; chính quyền bang/vùng lãnh thổ (6 bang, 2 vùng lãnh thổ) quản lý giáo dục, y tế và thực thi pháp luật. Chính quyền địa phương (hội đồng) chịu trách nhiệm về dịch vụ cộng đồng, đường sá địa phương và không gian công cộng.

Mô hình này có lợi ích, hiệu quả rõ ràng, như chủ động phát triển cơ sở hạ tầng địa phương, linh hoạt quản lý thảm họa… Cụ thể, chính quyền địa phương ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng phù hợp với nhu cầu cộng đồng. Chính quyền bang ứng phó hiệu quả với thiên tai như cháy rừng, lũ lụt… nhờ các biện pháp phù hợp với đặc thù địa phương.

Tương tự, mô hình chính quyền ba cấp ở Nam Phi thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, thúc đẩy công bằng và hòa nhập, cung cấp dịch vụ linh hoạt. Chính quyền quốc gia đề ra chính sách và luật pháp quốc gia; chính quyền tỉnh (9 tỉnh) quản lý giáo dục, y tế và nhà ở công cộng; chính quyền địa phương (đô thị) cung cấp nước, vệ sinh môi trường, và phát triển kinh tế địa phương.

Việc phân quyền giúp giải quyết bất bình đẳng lịch sử bằng cách trao quyền cho cộng đồng địa phương; lãnh đạo địa phương được bầu cử trực tiếp, người dân tham gia lập kế hoạch ngân sách và phát triển địa phương.

Mô hình chính quyền của Mỹ tuân theo nguyên tắc liên bang, trong đó quyền lực được phân chia giữa chính quyền trung ương (liên bang) và chính quyền bang (địa phương). Hiến pháp quy định các quyền hạn của chính quyền liên bang, trong khi tất cả các quyền khác được dành cho các bang. Điều này tạo ra hệ thống chủ quyền chung, đảm bảo sự cân bằng quyền lực; cơ chế kiểm soát và đối trọng giúp duy trì sự cân bằng này, ngăn chặn bất kỳ nhánh hoặc cấp chính quyền nào trở nên quá mạnh.

Mô hình 4 cấp của Trung Quốc

Trung Quốc áp dụng mô hình chính quyền 4 cấp, bao gồm: chính quyền trung ương (cấp quốc gia); chính quyền cấp tỉnh (34 đơn vị, gồm 23 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc trung ương và 2 đặc khu hành chính); chính quyền cấp địa khu/thành phố (địa khu và thành phố trực thuộc tỉnh); và chính quyền cấp huyện/quận và thị trấn (huyện, quận và thị trấn). Mô hình này đặc trưng bởi tập trung quyền lực chính trị nhưng phân cấp mạnh về kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải cách và phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền kiểm soát chính trị tập trung, đảm bảo sự thống nhất về ý thức hệ và chiến lược phát triển. Tất cả các cấp chính quyền địa phương đều chịu sự quản lý chính trị của trung ương, tuân thủ các chính sách và sự lãnh đạo thống nhất. Chính quyền địa phương chịu sự quản lý đồng thời từ cấp trên trực tiếp và từ trung ương (điều này đảm bảo trách nhiệm giải trình địa phương trong khi vẫn duy trì sự thống nhất chính trị).

Tuy nhiên, chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố và huyện) có quyền tự chủ lớn trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Họ có thể xây dựng chính sách kinh tế địa phương, thu hút đầu tư nước ngoài và quản lý tài chính công, bao gồm ngân sách và nguồn thu địa phương.

Nhờ mô hình 4 cấp phổ biến trên thế giới, nhưng có nét riêng của Trung Quốc, nước này đã đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ. Chính quyền địa phương cạnh tranh thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng. Các tỉnh phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với thế mạnh địa phương, ví dụ Quảng Đông phát triển điện tử, Chiết Giang phát triển doanh nghiệp tư nhân…

Chính quyền địa phương thực hiện các chính sách kinh tế thí điểm, như đặc khu kinh tế (ví dụ: Thâm Quyến), trước khi mở rộng ra phạm vi toàn quốc, giảm thiểu rủi ro thất bại quy mô lớn. Trong khi đó, chính quyền địa phương tự quản lý nguồn thu địa phương, phân bổ hiệu quả cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế.

Dù vậy, khu vực ven biển phát triển mạnh hơn nhiều so với khu vực nội địa, dẫn đến bất bình đẳng thu nhập. Trong khi đó, công nghiệp hóa nhanh chóng gây ô nhiễm môi trường; nợ công địa phương ở mức cao do đầu tư hạ tầng và mô hình cấp vốn bằng đất đai. Vấn đề phối hợp và giám sát cũng có vấn đề vì sự song trùng trực thuộc đôi khi gây xung đột giữa chỉ đạo trung ương và lợi ích địa phương.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/loi-ich-cua-mo-hinh-chinh-quyen-ba-cap-tren-the-gioi-post1719830.tpo