Sáp nhập tỉnh, thành cần nhìn từ lợi ích quốc gia!

Việc sáp nhập tỉnh là đáp ứng nhu cầu thực tiễn và hiệu lực điều hành, định hướng phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của quốc gia.

PGS-TS Trần Đình Thiên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận định hướng nghiên cứu sáp nhập tỉnh mà Bộ Chính trị mới đưa ra là “tất yếu”. Dưới góc nhìn của một kinh tế gia, ông Trần Đình Thiên đặt vấn đề:

“Sáp nhập như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất? Nhu cầu phát triển hiện đang đòi hỏi phải có quy mô tỉnh thích hợp. Vậy quy mô bao nhiêu là đủ? Năng lực, điều kiện thực hiện thế nào? Kinh tế số, giao thông dễ dàng rồi, khác với ngày xưa đi họp huyện như ở Lai Châu là cán bộ phải đi cả tuần, mang theo gạo nồi nấu ăn dọc đường…”.

 PGS-TS Trần Đình Thiên

PGS-TS Trần Đình Thiên

Sáp nhập tỉnh là đáp ứng nhu cầu thực tiễn

. Phóng viên: Sau Kết luận 126 của Bộ Chính trị, những chuyên gia về khoa học tổ chức rất ủng hộ, dư luận cũng đồng tình. Thậm chí có những ý kiến gợi ý cụ thể như sáp nhập còn 38 tỉnh như trước đây, hoặc 33 tỉnh hoặc 10 tỉnh…

+ PGS-TS Trần Đình Thiên: Trước hết phải nói ngay rằng: Lợi ích của việc sáp nhập 63 tỉnh, TP nếu được tiến hành sẽ phải nhìn nhận lợi ích ở tầm quốc gia. 63 tỉnh, TP hiện nay đi cùng với nó là 63 bộ máy quyền lực, với các thủ tục hành chính đè lên doanh nghiệp (DN), người dân, cùng với cuộc đua thu hút đầu tư dẫn đến tình trạng “cạnh tranh xuống đáy”. Sáp nhập chắc chắn những chuyện này sẽ giảm đi.

Nhưng dù sao cũng lại phải xác định tương đối rõ ràng các vấn đề: Sáp nhập còn bao nhiêu tỉnh thì đủ với các căn cứ về diện tích, dân số, quy mô và cơ cấu kinh tế. Cần phải đưa ra các luận chứng để bảo đảm việc sáp nhập tỉnh là đáp ứng nhu cầu thực tiễn và hiệu lực điều hành, định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, kinh tế thị trường đã tốt hơn rất nhiều, tư duy cục bộ cũng bớt đi và đà cải cách đang khá thuận lợi. Chuyện sáp nhập các tỉnh có thể nói là đã được nhận diện, thành một xu hướng đúng và không còn những lập luận hình thức để bao biện nữa.

. Trong lần sáp nhập này, nếu được tiến hành liệu có giải quyết được tình trạng cục bộ, địa phương từng xảy ra không, thưa ông?

+ Sự phát triển của thời đại đi theo logic của nó, văn hóa, truyền thống cũng phải thay đổi theo và phát triển. Xu thế thời đại cùng với kinh tế thị trường hiện nay đã tạo điều kiện và trở thành yếu tố để ranh giới địa lý mờ đi. Về cơ bản, các cơ sở luận chứng về kinh tế, quản trị, nguyên lý cạnh tranh dựa trên quy mô, cơ cấu kinh tế đã rất rõ ràng.

Bởi vậy, những câu chuyện cục bộ địa phương trong các lần sáp nhập, chia tách tỉnh ngày trước có thể sẽ mờ đi vì tất cả đều xác định vì lợi ích chung, vì sự phát triển của quốc gia. Dĩ nhiên việc đón nhận xu hướng này để xác định tiến độ, quy mô và số lượng các tỉnh cũng là việc cần tính đến trong điều kiện cụ thể hiện nay. Vậy bao nhiêu tỉnh thì vừa? Có người bảo 20, 30, có người nói 38, 40, 33 tỉnh. Số lượng là bao nhiêu tỉnh, TP, tôi cho rằng phải có logic về một tương lai phát triển, một nền quản trị tốt.

Không phải không có lý khi mà trước đây nhiều người nói chỉ cần 10 tỉnh, hay sáu đơn vị hành chính theo cấp vùng hiện nay. Hội đồng điều phối vùng tuy đã được thành lập nhưng hiệu quả của nó cũng cần được nhìn nhận một cách khách quan khi hội đồng này không phải là một cơ chế quyền lực. Những điều này phải cân nhắc để sau cuộc cách mạng sáp nhập lần này thì hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị đạt ở mức cao nhất.

 Việc liên kết hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương. Ảnh: HUỲNH DU

Việc liên kết hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương. Ảnh: HUỲNH DU

. Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng những quốc gia bên cạnh như Trung Quốc, Nhật Bản… đều rất ít tỉnh.

+ Những thực tiễn này cũng cần phải nghiên cứu và mạnh dạn dùng làm luận chứng để áp dụng. Trung Quốc, các tỉnh của họ rất lớn nhưng họ điều hành rất tốt. Yêu cầu đặt ra sau khi sáp nhập tỉnh chính là phải khắc phục tính manh mún. Tôi cho rằng nếu sáp nhập từ 63 tỉnh thành 45 tỉnh thì vẫn là manh mún. Sáp nhập như vậy không tạo ra sức mạnh cộng hưởng, quy mô không được mở rộng đúng tầm trong khi các điều kiện liên kết đã mở ra rất tốt rồi.

Điều quan trọng nữa chính là phải rút kinh nghiệm các lần sáp nhập, chia tách hành chính trước đây là tránh được xung đột lợi ích. Thực tiễn việc điều chuyển, luân chuyển cán bộ gần đây ít nhiều đã khắc phục được tính cục bộ và bắt đầu theo xu hướng chọn người tài với các tiêu chí cụ thể về kết quả công tác, sản phẩm công việc cụ thể, đã bớt nhiều các tiêu chí kiểu không có vi phạm, không có khuyết điểm, không vi phạm đạo đức. Điều này nếu được áp dụng sẽ là một tác nhân tốt nâng hiệu quả của việc sáp nhập tỉnh lên.

Phân quyền mạnh mẽ cho địa phương là xu thế

. Điều ông vừa nói liên quan đến nguyên tắc phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Phần nào đó, những định hướng này được thể hiện trong sửa các luật về tổ chức nhà nước, chính quyền địa phương vừa qua.

+ Phân quyền triệt để cho địa phương là xu thế và cũng phù hợp với nguyên lý là quyền lực được trao đến đâu thì phải tương xứng với thực lực và quy mô. Khi phân quyền cho địa phương tự quyết những việc bảo đảm được lợi ích địa phương trong mối liên hệ với lợi ích quốc gia thì cũng chính là việc chúng ta mở rộng quy mô, thay đổi hệ thống quản trị, khắc phục được việc “xin-cho” giữa địa phương và Trung ương.

Nhưng thành thực mà nói, việc sửa các luật vừa rồi thì phân quyền chưa thể hiện mạnh mẽ. Có lẽ việc phân quyền cũng mới dừng ở thí điểm, luật nới ra một chút chứ chưa hẳn đã theo tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, của Tổng Bí thư, Thủ tướng… là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Nhiều năm nay, nhiều người đã nói tới việc phải thiết kế lại hệ thống phân bổ nguồn lực đối với ngân sách, đối với đất đai, các tài sản quốc gia như DN nhà nước, tài sản của Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Định hướng chung của việc thiết kế lại hệ thống phân bổ này là phải dứt được “xin-cho”. Mà để dứt được “xin-cho” thì chỉ có phân quyền triệt để cho địa phương thôi.

Tính chủ động của chính quyền tỉnh sau khi sáp nhập cần được đề cao

. Xu hướng luật pháp quy định những nhiệm vụ đều gắn với tiêu chí, có sản phẩm rõ ràng đang được bên lập pháp và hành pháp áp dụng quyết liệt hơn. Ông nhận định thế nào về xu hướng này?

+ Có những ví dụ rất rõ, chẳng hạn Nghị quyết 25 về khoán tăng trưởng cho các địa phương. Những định hướng của Trung ương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các tiêu chí như rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm… cũng được từng bước thể chế hóa, như trong các định hướng sửa Luật Quản lý tài sản nhà nước tại DN (Luật 69).

Tất nhiên yêu cầu đặt ra vẫn là phải có một hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể, công khai, minh bạch như hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài mà Thủ tướng vừa ban hành. Tiêu chuẩn, tiêu chí phải luận chứng được, phải linh hoạt để bảo đảm một không gian sáng tạo, đi liền với cam kết. Và khi thực hiện cam kết thì luật pháp phải cho phép một không gian giải trình.

Yêu cầu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong cả hệ thống đã được đặt ra từ rất lâu. Đi cùng với đó là yêu cầu về nâng cao tính phản biện khoa học trong thiết kế chính sách. Nếu thực hiện tốt được hai yêu cầu này thì vai trò của các nhà khoa học, các chuyên gia như được đề cập trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) mới tăng lên được.

 Việc sáp nhập tỉnh cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn và hiệu lực điều hành, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: Trung tâm thông tin triển lãm TP.HCM.

Việc sáp nhập tỉnh cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn và hiệu lực điều hành, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: Trung tâm thông tin triển lãm TP.HCM.

. Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là những yêu cầu tất yếu của một thể chế văn minh, vì dân. Theo ông, nền tảng của nó là gì?

+ Muốn công khai, minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình thì phải có tự do cạnh tranh lành mạnh. Chuyện sáp nhập tỉnh nếu được thực hiện thì đơn vị hành chính tỉnh sẽ tăng quy mô, bộ máy sẽ tăng trách nhiệm. Và vì vậy, yêu cầu về một mô hình tổ chức bộ máy mới, với các cơ chế khác, năng lực mới, quyền tự chủ cao hơn của địa phương sẽ được đặt ra. Mà tất cả điều này chỉ có thể được bảo đảm bằng phản biện xã hội công khai, minh bạch, thông qua một hệ thống đánh giá và hệ thống khuyến khích tường minh.

Tính chủ động của chính quyền tỉnh sau khi sáp nhập cần được đề cao. Chẳng hạn, một địa phương nếu có nhiều rừng, ưu tiên tăng trưởng xanh thì có thể thành lập Sở Lâm nghiệp và ngân sách cho sở này có thể được tăng lên với các luận chứng được chứng minh một cách khoa học. Các tỉnh khác không nhất thiết phải có sở này. Tương tự như vừa rồi, sau khi sáp nhập sở, ngành thì TP.HCM vẫn thành lập Sở Giao thông công chánh.

Điều này tuân thủ nguyên lý là tổ chức bộ máy phải gắn với chức năng, từ chức năng đó sẽ có thang bảng cụ thể về nhân sự đáp ứng nhu cầu. Ý tôi là phân quyền triệt để cho địa phương thì một trong những biểu hiện quan trọng nhất là để cho địa phương tự sắp xếp bộ máy. Nguyên lý này rất đơn giản. Nguyên lý càng đơn giản thì mọi thứ càng minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng từ đó mà được nâng lên.

. Như ông biết, cho đến nay thì quy hoạch của 63 tỉnh đã được lập và công bố. Vậy nếu sáp nhập tỉnh thì các quy hoạch này được tính toán thế nào, có phải lập quy hoạch tỉnh mới không?

+ Không, chỉ cần điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch. Hãy coi 63 quy hoạch hiện nay là quy hoạch cơ sở, kết nối các quy hoạch này lại để hình thành quy hoạch của tỉnh mới. Bởi chúng ta vẫn còn hai quy hoạch cao hơn là quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.

Và hãy coi các vấn đề này như một “chi phí chuyển đổi”. Chúng ta không mong ước mọi cái đều trọn vẹn, cần có cái giá phải trả. Nhưng cái giá phải trả này là để có lợi ích quốc gia lâu dài. Thì phải làm.

. Một trong những yêu cầu mà Trung ương, Quốc hội và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn đặt ra trong cả quá trình sáp nhập bộ, ngành và sáp nhập tỉnh tới đây là phải giảm được thủ tục hành chính. Ông khuyến nghị gì về yêu cầu này?

+ Đây cũng nên coi là một dạng chi phí, đó là chi phí liên quan đến chuyển đổi và thực hiện các thủ tục. Vấn đề được đặt ra: Khi sáp nhập tỉnh thì giá trị văn bản hành chính của chính quyền tỉnh cũ thế nào? Sẽ được chuyển đổi ra sao? Hiệu lực được duy trì thế nào? Những chuyện này phải được chuẩn bị lập quy một cách tích cực, công khai, minh bạch để tạo thuận lợi cho DN, người dân và cho chính bộ máy mới.

Khâu chuẩn bị ở đây như vậy là rất quan trọng. Nếu chuẩn bị tốt thì có thể hình thành một quy trình hành chính - pháp lý tương thích với bộ máy mới theo hướng đơn giản, tiện lợi, nghiêm minh và kịp thời. Chuyện này rất hệ trọng vì sáp nhập tỉnh liên quan chặt chẽ đến từng cá nhân, từng gia đình, từng cơ quan, tổ chức và cả hệ thống DN.

. Xin cảm ơn ông.

Giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

. Phóng viên: Không thể phủ nhận, khi sáp nhập bộ, ngành thì một lực lượng lao động mới đã được bổ sung cho xã hội. Sáp nhập tỉnh, một lực lượng lao động khác cũng sẽ được bổ sung cho nền kinh tế. Vậy ta phải chuẩn bị thế nào?

+ PGS-TS Trần Đình Thiên: Một mặt, chi phí bỏ ra trong quá trình tinh gọn, sáp nhập bộ, ngành, sáp nhập tỉnh cho những người nghỉ hưu, không làm việc trong hệ thống cũng có thể coi là một khoản đầu tư. Sự hy sinh (nếu có thể nói như vậy) của những người làm trong hệ thống cần được ghi nhận, coi đó là sự cống hiến cho cuộc cách mạng về bộ máy. Ở một mặt khác, rõ ràng việc tinh gọn bộ máy cũng có thể giảm được nhiều phiền hà cho người dân, DN và tránh được xung đột lợi ích giữa biên chế ngày càng phình ra và chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước ngày càng được tinh gọn theo hướng những gì xã hội, DN làm được thì Nhà nước không làm.

Tất nhiên thực tiễn thì không phải ai từ bộ máy ra cũng có công ăn việc làm ngay. Vậy đòi hỏi chính đáng từ thực tiễn là phải tạo ra các cơ hội mới. Để giải quyết vấn đề này thì quá trình cải cách phải tiếp tục nhằm thúc đẩy DN tư nhân phát triển như định hướng của Trung ương đã được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định. Chúng ta có hy vọng về điều đó vì Chủ tịch Quốc hội đã nói “then chốt của tăng trưởng 8% là thúc đẩy kinh tế tư nhân”. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp về tăng trưởng 8% năm 2025 cũng khẳng định tới đây Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết về chủ trương này.

*****

PGS-TS NGUYỄN CHU HỒI, đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng:

Cần chú trọng “cách tiếp cận dựa vào mục tiêu”

Nguyên tắc chung, xuyên suốt trong triển khai cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị lần này là bỏ khâu trung gian, bảo đảm năng lực, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống công quyền. Nguyên tắc này được triển khai thực hiện nhất quán, đồng bộ theo cả cấu trúc dọc (từ Trung ương xuống địa phương) và cấu trúc ngang (theo đơn vị lãnh thổ và trong cùng địa bàn), từ đó tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hệ thống hành chính của nước ta hiện đang là bốn cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã). Tương tự cấp tổng cục, cấp huyện cũng đang rất “lơ lửng”. Một số lãnh đạo cấp huyện khi tôi tìm hiểu cũng nói với tôi huyện là cấp trung gian và rất ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước vì lợi ích và tương lai chung của đất nước.

Dĩ nhiên khi đụng vào cấp huyện thì phải xem xét tiếp, đồng bộ một loạt khâu trung gian khác có liên quan như hệ thống thanh tra, tòa án, VKS, công an (đang gương mẫu đi đầu thực hiện), quân đội…, thậm chí cả cấp xã nữa. Bỏ cấp huyện thì quy mô và năng lực cấp xã phải thay đổi, cấp tỉnh cũng phải xem lại. Vì thế, phải sáp nhập tiếp cấp tỉnh, cấp xã cùng với bỏ cấp huyện để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh một “Thế giới phẳng” nhờ chuyển đổi số và sự can thiệp của trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh đó, khả năng kết nối điều hành và điều kiện liên kết vùng hiện cũng khác xa và thuận lợi hơn nhiều so với những lần sáp nhập trước đây. Đây là tính thực tế và cũng là tinh thần chỉ đạo của Kết luận 126-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 14-2-2025 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi

Việc thực hiện tiếp tục cuộc cách mạng tổ chức, tinh gọn bộ máy năm 2025 này phải được triển khai một cách triệt để và có hiệu quả cụ thể, đích thực như “đợt I” hai tháng vừa qua. Ngoài chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, cần chú trọng “cách tiếp cận dựa vào mục tiêu” (Target-based approach) và bám sát các nguyên tắc chỉ đạo rất đúng, rất trúng của Trung ương thời gian qua để tìm giải pháp thích hợp, khả thi.

Mục tiêu đã được đặt ra, lộ trình kế hoạch đã rõ ràng, người dân tin tưởng và mong đợi thì cách làm phải thực tế, thực dụng, bằng mọi cách để cán mốc hoặc linh hoạt điều chỉnh để bảo đảm tính khả thi, thậm chí “vừa chạy vừa xếp hàng”. Vậy phải căn cứ vào từng mục tiêu được Trung ương xác định để tìm ra, định ra các giải pháp thực hiện phù hợp với từng bước của lộ trình kế hoạch để hy vọng không thành “thất vọng”.

Cả nước, cả hệ thống chính trị đồng lòng, đồng thuận, đồng hành cùng đi tới một tương lai tươi sáng, vươn mình sánh vai với các cường quốc năm châu, như mong muốn của Bác Hồ.

Ngoài ra, luật pháp, cơ chế, chính sách cũng phải kịp thời thay đổi để thể chế hóa, “bù đắp lại” những “khoảng trống phát sinh” trong quá trình triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã đặt ra hoặc nảy sinh mới để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho tổ chức, cá nhân, duy trì các hoạt động bình thường và tốt dần. Mục tiêu chính trị của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là rất tốt và cần tạo ra sự thay đổi có tính đột phá, bứt phá.

Cùng với bảy vấn đề cốt lõi cần giải quyết tốt để hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra thì việc thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh giản bộ máy lần này trở thành yếu tố mang tính then chốt, góp phần từng bước xây dựng một “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn”, một quốc gia hành động với bộ máy điều hành hiệu năng, hiệu quả; hướng về cơ sở, mở ra dư địa và không gian phát triển mới cho toàn xã hội, có khả năng hội nhập sâu rộng với thế giới.

...............................

PGS VÕ TRÍ HẢO, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC):

Sáp nhập tỉnh sẽ phát huy lợi thế quy mô

Định hướng sáp nhập tỉnh mà Bộ Chính trị mới đây ban hành qua Kết luận 126 là phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Trước đây, việc chia tách các đơn vị hành chính cũng xuất phát từ yêu cầu phát triển trong bối cảnh quản trị xã hội, khoa học công nghệ và năng lực của hệ thống còn nhiều hạn chế.

Hiện nay, các yếu tố giúp cho quản trị xã hội như khoa học, công nghệ số, hạ tầng giao thông đã rất thuận tiện. Đi từ tỉnh này sang tỉnh khác không còn quá khó khăn như thời bao cấp. Hệ thống hành chính vì vậy cũng cần tận dụng những tác động tích cực của sự phát triển này mang lại.

PGS VÕ TRÍ HẢO

Đặc biệt, cho đến nay quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số… đã thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ công khá tốt. Đề án 06, trong đó có nhánh nhỏ là dữ liệu dân cư đã phát huy tác dụng, thể hiện qua việc không còn hộ khẩu giấy, tích hợp các giấy tờ của công dân vào VNeID. Dịch vụ công với độ liên thông ngày càng được cải thiện, giảm bớt khó khăn cho công dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Cũng vì vậy, hệ quả tất yếu là địa giới hành chính như hiện nay có thể không còn phù hợp.

Mặt khác, khi sáp nhập tỉnh theo định hướng của Bộ Chính trị thì các địa phương có thể tận dụng được yếu tố quy mô, một yếu tố tăng tính cạnh tranh trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chẳng hạn, nếu Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập với nhau thì tỉnh mới hoàn toàn có thể phát triển kinh tế - đô thị dọc hai bờ sông Lam. Nếu vẫn để Nghệ An và Hà Tĩnh riêng như hiện nay thì sông Lam không được tỉnh nào coi là vùng lõi để phát triển. Vì vậy, tôi cho rằng việc Bộ Chính trị giao tiếp tục nghiên cứu sáp nhập tỉnh là phù hợp với xu thế quản trị xã hội hiện đại, trình độ quản lý của đất nước hiện nay và sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ.

ĐẠI THANH ghi

CHÂN LUẬN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/sap-nhap-tinh-thanh-can-nhin-tu-loi-ich-quoc-gia-post835924.html