Lợi ích của tiêm chủng với sức khỏe trẻ em
Tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đầy đủ, đúng lịch, đúng phác đồ là biện pháp chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong suốt cuộc đời.
Cho đến nay, chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở nước ta đã đưa vào sử dụng các loại vắc xin phòng ngừa 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em, bao gồm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib, viêm não Nhật Bản, sởi, rubella, tả và thương hàn. Việc triển khai chương trình TCMR thời gian qua đã trực tiếp cứu sống cũng như bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi các bệnh tật nguy hiểm và các khuyết tật do di chứng bệnh tật gây ra.
Là một địa phương có số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đông, hoạt động tiêm chủng ở Phường 5, thành phố Đông Hà luôn được triển khai hết sức chặt chẽ. Các chỉ tiêu về tiêm chủng được giao luôn đạt và vượt kế hoạch, không xảy ra các tai biến nặng, chỉ ghi nhận tình trạng trẻ quấy khóc và sốt sau tiêm chủng. Ghi nhận trong 9 tháng đầu năm, công tác tiêm chủng ở Phường 5 đã đạt tiến độ đề ra với tỉ lệ 78% trẻ em được tiêm đúng lịch và đủ mũi. Trao đổi với chúng tôi, cử nhân Trần Thị Thủy, phụ trách công tác tiêm chủng của Trạm Y tế Phường 5 cho biết: Thời gian qua, công tác tiêm chủng ở địa bàn chúng tôi phụ trách luôn thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra. Trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, hằng năm đạt tỉ lệ khoảng 95%. Một thuận lợi cho chúng tôi khi triển khai hoạt động là nhận thức đúng đắn của người dân trong vấn đề tiêm chủng. Qua công tác truyền thông, tư vấn, người dân có con nhỏ trên địa bàn nắm rất rõ các lợi ích mà việc tiêm chủng đem lại cho sức khỏe con em, do đó hằng tháng cứ đến lịch đều chủ động đưa con em đến trạm. Trẻ trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn hầu hết đều được tiêm đúng lịch và đầy đủ. Chỉ trừ những trẻ bị ốm đúng ngày tiêm hoặc những thời điểm thiếu, đổi vắc xin thì phải hoãn lại, song các cháu sau đó đều được hẹn tiêm bổ sung đầy đủ”.
Nhận thức về lợi ích do tiêm chủng đối với sức khỏe trẻ nhỏ của cộng đồng được đánh giá là yếu tố mấu chốt đem lại kết quả cao trong công tác tiêm chủng trên địa bàn Quảng Trị. Không chỉ ở khu vực y tế công, khu vực tiêm vắc xin dịch vụ tại địa chỉ 9A Lý Thường Kiệt, thành phố Đông Hà của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị (KSBT) cũng là địa chỉ tìm đến của đông đảo người dân. Theo ghi nhận, lượng vắc xin ngoài danh mục TCMR nhập về hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân cần sử dụng. Tại đây, trong lúc ngồi chờ gọi tên, chị Phạm Ánh Ngọc ở Khe Sanh, Hướng Hóa cho biết: Rút kinh nghiệm từ việc nuôi đứa con đầu, cứ trở trời là cháu hay bị các bệnh về hô hấp nên khi nghe ở địa phương có tiêm vắc xin phế cầu, tôi đã đăng kí cho cháu sau đi tiêm để tăng sức đề kháng. Đối với một người làm mẹ, việc trẻ ít ốm đau giúp bản thân tôi giảm nhiều công sức, thời gian và chi phí chăm sóc, nên tôi không ngần ngại trong việc cho cháu tiêm thêm các loại vắc xin ngoài chương trình TCMR”.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, trẻ dưới 5 tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để bảo vệ sức khỏe trọn đời. Vì ở độ tuổi này sức đề kháng của trẻ còn rất yếu trong khi điều kiện môi trường, thời tiết, khí hậu luôn diễn biến bất thường, tạo điều kiện cho nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm phát triển tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Lợi ích của việc tiêm chủng chính là giúp cơ thể trẻ tạo ra kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Kháng thể được hình thành có nhiệm vụ tiêu diệt vi rút, vi khuẩn và tồn tại trong máu để bảo vệ cơ thể chống các tác nhân gây bệnh ở những lần xâm nhập sau.
Tuy nhiên theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm KSBT tỉnh, khi đưa trẻ đi tiêm phòng, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số điểm sau: Trẻ cần được khám sàng lọc trước khi tiêm chủng. Lúc này, cha mẹ cần cho cán bộ y tế biết tình trạng sức khỏe trước đây của trẻ như trẻ có bị bệnh gì không, có bị dị ứng không, có đang phải uống thuốc kháng sinh không… để được chỉ định phác đồ phù hợp. Cha mẹ cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng để theo dõi lịch tiêm của con mình, tránh tình trạng tiêm trễ lịch và bỏ sót mũi. Tuân thủ nguyên tắc trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm. Sau khi về nhà, nếu thấy các phản ứng sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc… kéo dài trên 1 ngày, cha mẹ nên cho trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, nôn, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái… cần ngay lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Khi trẻ sốt cao (trên 38,5 độ C), cha mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế. Không bôi, đắp bất cứ thứ gì theo kinh nghiệm dân gian lên vị trí tiêm của trẻ, hiện tượng sưng đỏ, đau ở vết tiêm là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi. Cha mẹ nên chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng, cho trẻ tắm rửa, ăn uống như thường lệ, song đừng quên theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143881