Lợi ích của vắc xin COVID-19 đối với các bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Toronto, Canada, ngày 28/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

* Phổi có thể tiếp tục bị tổn thương rất lâu sau khi mắc COVID-19

Theo một kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Thận học Mỹ công bố ngày 30/3, việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có thể giúp bảo vệ những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo trước nguy cơ mắc COVID-19 và bệnh tiến triển nặng.

Tiến sĩ Matthews Oliver của Đại học Toronto ở Canada cùng các cộng sự đã phân tích bệnh án của 13.759 bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong khoảng thời gian từ ngày 21/12/2020 đến ngày 30/6/2021. Trong số những người này, 17% chưa tiêm chủng ngừa COVID-19 và 83% đã tiêm ít nhất một liều vắc xin mRNA ngừa COVID-19.

Nghiên cứu được tiến hành đối với toàn bộ các bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở bang Ontario của Canada, trong đó có một nhóm người đến từ nhiều cộng đồng và những người điều trị tại nhà. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số này có 663 người mắc COVID-19, 323 người phải nhập viện và 94 người tử vong do COVID-19 trong giai đoạn nghiên cứu này.

So sánh với nhóm những bệnh nhân chạy thận nhân tạo chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19, những bệnh nhân chạy thận đã tiêm 1 liều vắc xin mRNA ngừa COVID-19 giảm được tới 41% nguy cơ mắc COVID-19 và nguy cơ tiến triển thành bệnh nặng cần phải nhập viện hoặc gây tử vong giảm 46%.

Ngoài ra, những người chạy thận nhân tạo đã tiêm 2 liều vắc xin ngừa COVID-19 giảm được tới 69% nguy cơ mắc bệnh và 83% nguy cơ bệnh trở nặng nếu họ bị nhiễm.

Trong nhóm những người chạy thận chưa tiêm chủng, nguy cơ nhập viện của những người nhiễm bệnh là 52%, tỉ lệ tử vong là 16% trong khi nguy cơ nhập viện ở nhóm bệnh nhân đã tiêm 2 liều vắc xin là 30% với tỉ lệ tử vong là 10%. Ngoài ra, không có sự khác biệt đáng kể về hiệu quả của vắc xin theo các nhóm tuổi, cách chạy thận hay loại vắc xin ngừa COVID-19.

Trong một tuyên bố, tiến sĩ Oliver nêu rõ: "Các chính phủ và các trung tâm y tế ở nhiều nước, trong đó có Mỹ và Canada, đã ưu tiên tiêm chủng ngừa COVID-19 sớm cho các bệnh nhân chạy thận. Chiến lược này là đúng đắn và quan trọng vì kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc tiêm hai liều vắc xin mRNA ngừa COVID-19 giúp bảo vệ đáng kể các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, ngăn chặn nhiều ca phải nhập viện và tử vong, qua đó giảm gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình họ và hệ thống y tế". Ông nhấn mạnh mặc dù hiệu quả bảo vệ của vắc xin ngừa COVID-19 đối với những người chạy thận nhân tạo không cao như với nhóm dân số nói chung, nhưng vẫn là "lá chắn" hữu hiệu.

* Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Radiology, một số người đã bình phục sau khi bị viêm phổi do mắc COVID-19 đã có kết quả chụp cộng hưởng từ (CT) cho thấy các tổn thương ở phổi vẫn còn kéo dài cả 1 năm sau khi có các triệu chứng viêm.

Dịch COVID-19 đã làm gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu nhiễm. Các tác động ngắn hạn của COVID-19 trên phổi như viêm phổi, hiện đã rõ nhưng chúng ta chưa biết nhiều về các tác động lâu dài của COVID-19 đến bộ phận tối quan trọng của hệ hô hấp này.

Trong nghiên cứu tại Áo về diễn biến của bệnh phổi ở các bệnh nhân từng mắc COVID-19, các nhà nghiên cứu đã xem xét các cơ sở và tỉ lệ tăng bất thường ở phổi qua hình ảnh CT ở các bệnh nhân 1 năm sau khi mắc viêm phổi do COVID-19.

Kết quả cho thấy những bất thường về phổi vẫn tồn tại ở 49 trong số 91 bệnh nhân được nghiên cứu (tức 54%). Trong số bệnh nhân này, 2 người (4%) được điều trị ngoại trú, 25 người (51%) được điều trị trong viện và 22 người (45%) phải điều trị tích cực.

Đồng tác giả nghiên cứu, bà Anna Luger, Khoa Phóng xạ học tại Đại học Y Innsbruck (Áo), cho biết: “Các bất thường về phổi được quan sát trong hình ảnh CT đã cho thấy tế bào phổi bị tổn thương. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu các tổn thương này có để lại sẹo vĩnh viễn hay không và liệu chúng có giảm dần theo thời gian, hay sẽ dẫn tới xơ hóa phổi”.

Trong nghiên cứu, các bất thường ở phổi thể hiện trên CT giảm trong thời gian đầu sau bình phục, 63% bệnh nhân không tăng các bất thường về phổi sau 6 tháng. Nhưng với những người trên 60 tuổi, mắc COVID-19 nặng và là nam giới, các bất thường ở phổi kéo dài suốt 1 năm.

Đồng tác giả nghiên cứu, ông Leonhard Gruber, Khoa Phóng xạ học tại Đại học Y Innsbruck, cho biết bằng chứng từ đợt bùng phát dịch SARS-CoV-1 năm 2002-2004 cho thấy vẫn có thể phát hiện những bất thường ở phổi sau nhiều thập kỷ, nhưng chúng không phát triển. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây thì nguy cơ các tổn thương ở phổi tiếp tục tiến triển.

Một đồng tác giả khác, ông Christoph Schwabl, cũng ở Đại học Y Innsbruck, cho biết: “Trong một nghiên cứu lâm sàng công bố gần đây của nhóm làm việc liên khoa CovILD, chúng tôi đã phát hiện mức độ mắc COVID-19 nặng, tình trạng viêm kéo dài và sự xuất hiện của các bất thường CT ngực hậu COVID-19 có liên quan mật thiết đến việc suy giảm chức năng phổi kéo dài và các triệu chứng lâm sàng”.

Nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò của cộng hưởng từ trong việc giúp xác định các bệnh nhân có nguy cơ trải qua các hậu quả của COVID-19 và hỗ trợ kịp thời.

Tác giả chính của nghiên cứu trên, ông Gerlig Widmann, trưởng khoa cộng hưởng từ lồng ngực tại Đại học Y Innsbruck, cho biết: “Việc theo dõi lâu dài, cả về mặt lâm sàng và qua chụp CT, là cần thiết để có được thông tin về diễn biến của các tổn thương ở phổi hậu COVID-19”.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/272647/loi-ich-cua-vac-xin-covid-19-doi-voi-cac-benh-nhan-chay-than-nhan-tao.html