Lợi ích kép khi sản xuất theo hướng 'thuận thiên'
Thời gian qua, tại nhiều địa phương của Hà Nội xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng 'thuận thiên' - thuận theo điều kiện tự nhiên mang lại lợi ích kép: vừa gia tăng giá trị canh tác, vừa góp phần bảo vệ môi trường ...
Đa dạng mô hình
Đến thăm thửa ruộng rộng 10 mẫu của ông Phan Công Hải (ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên) với mô hình "lúa + cá" mới thấy hiệu quả rõ rệt của mô hình này. Đầu vụ sản xuất, ông Hải rút nước trên ruộng phơi 15 ngày cho đất khô nứt nẻ để diệt ốc bươu vàng, sinh vật hại, sau đó mới bắt đầu làm đất, tổ chức sản xuất. Khi lúa tốt, ông tháo nước vào, thả cá, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Khi thu hoạch lúa thì cắt bằng tay để tạo lúa chét làm thức ăn nuôi cá và thả 1.000 con vịt vào ruộng, làm sạch ruộng đồng. Nhờ vòng tròn sinh thái khép kín như thế, ông Hải giảm tối đa chi phí, mỗi năm thu trên 10 tấn cá, 12 tấn lúa, mấy nghìn con vịt thịt, thu lãi vài trăm triệu đồng...
Tương tự, tại HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), phương pháp sản xuất "thuận thiên" tạo vòng tròn khép kín bước đầu khẳng định thương hiệu nông sản chất lượng cao. Trên diện tích 60 ha, HTX đã tổ chức sản xuất đa dạng chủng loại sản phẩm như rau, quả, lúa, cá... Các phế phẩm từ rau, củ, quả trong quá trình thu hoạch được tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi và cá. Ngược lại, phế phụ phẩm từ chăn nuôi sau khi được xử lý vi sinh lại trở thành phân bón tốt cho cây trồng. Nhờ đó, nông dân không chỉ có thu nhập tốt từ sản xuất hữu cơ, mà còn sống khỏe mạnh.
Một mô hình khác cũng sản xuất thuận theo tự nhiên cho hiệu quả kinh tế cao của hộ ông Nguyễn Đình Viện (ở xã Thư Phú, huyện Thường Tín) được đánh giá cao. Tại trang trại 11 ha của ông Viện, toàn bộ phân từ chăn nuôi được thu gom, ủ hoai mục, sau đó bón cho cây ăn quả ngay trong trang trại, không sử dụng bất kỳ một loại phân bón hóa học nào. Nhờ mô hình tương hỗ khép kín, trang trại tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, chất lượng cây trồng mà không xả thải ra môi trường.
Cải thiện sinh kế
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Mạnh Phương, Hà Nội xác định, để nông nghiệp phát triển bền vững, một trong những nền tảng là tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Theo cách đó, trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản, cần theo trình tự tìm giải pháp khoa học kỹ thuật sản xuất và hệ thống canh tác thích nghi điều kiện đất đai, khí hậu, không chấp nhận hy sinh một số yếu tố môi trường sinh thái... để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
Qua đánh giá bước đầu, các giải pháp này hoàn toàn phù hợp điều kiện tự nhiên và các biến động thời tiết, cải thiện sinh kế, thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Một số mô hình canh tác tận dụng và xử lý 100% chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt để tái sử dụng hiệu quả đã góp phần to lớn vào bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Các mô hình chuyển đổi canh tác "thuận thiên" theo hướng bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và ứng phó hiệu quả trước biến động khí hậu là xu thế tất yếu, đã và đang được các địa phương và ngành nông nghiệp Hà Nội khuyến khích nhân rộng.