Lợi ích kép từ cọng rơm

Có thể thấy trong nhiều năm trở lại đây, rơm được người nông dân tận dụng triệt để, ngoài việc sử dụng làm nấm, rơm còn dùng giữ ẩm cho các loại rau màu, cây ăn trái, dùng làm chất đốt hay cho trâu, bò ăn. Rơm dễ thu hoạch cũng như bảo quản hơn là nhờ vào chiếc máy cuốn rơm tạo thành những cuộn rơm tròn đẹp mắt…

Tới mùa thu hoạch lúa, trên khắp cánh đồng của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh, sau khi những chiếc máy gặt đập liên hợp thu hoạch xong phần lúa trên đồng thì tiếp đó là từng chiếc máy cuộn rơm hoạt động liên tục, cuốn từng cọng rơm do máy gặt đập “nhả ra” thu lại thành cuộn tròn. Phần rơm cuộn được chủ máy dễ dàng vận chuyển dọc các con đường quê tới nơi tiêu thụ hay dự trữ tại các hộ gia đình.

Cánh đồng sạch rơm cọng khi được máy cuốn rơm cuốn xong, rơm tạo thành cuộn tròn nhìn khá đẹp. Ảnh: Thúy Liễu

Cánh đồng sạch rơm cọng khi được máy cuốn rơm cuốn xong, rơm tạo thành cuộn tròn nhìn khá đẹp. Ảnh: Thúy Liễu

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng rộng lớn của hợp tác xã (HTX) đã thu hoạch lúa xong, từng cuộn rơm còn chất đầy dưới ruộng lúa, ông Trương Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, ấp An Hưng, xã Long Đức (Long Phú) chia sẻ: “Khoảng 3 năm trở lại đây, rơm sau thu hoạch lúa được bà con nông dân trong và ngoài HTX thu gom lại dùng trồng màu hay cho gia súc ăn, còn với một số hộ khác sẽ bán rơm luôn trên ruộng, người mua trả tiền chủ ruộng xong thì thuê máy cuộn rơm. Như vậy, mỗi công rơm, chủ ruộng bán giá dao động 40.000 đồng - 50.000 đồng, vào thời điểm hút hàng, 1 công rơm nông dân có thể bán giá 70.000 đồng, số tiền trên tuy không lớn nhưng với người có diện tích đất nhiều cũng thu về tiền triệu. Kèm theo đó, việc bán rơm cọng sẽ hạn chế tối đa việc đốt đồng, gây ảnh hưởng môi trường sống xung quanh. Nhận thấy tiềm năng từ cọng rơm đem lại khá tốt nên trong mùa vụ tới, HTX sẽ vận động thành viên đóng góp tiền mua máy cuộn rơm nhằm tăng thêm nguồn thu, góp phần giúp HTX hoạt động mạnh hơn với đa dạng các dịch vụ kinh doanh”.

Với 70 công đất lúa sản xuất 3 vụ/năm, ngoài lợi nhuận từ tiền bán lúa tươi thì việc bán rơm cọng 3 năm qua cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình, với mỗi công rơm bán từ 50.000 đồng - 60.000 đồng/công/vụ. “Thông qua việc bán rơm cọng, tôi thấy việc làm đất chuẩn bị cho vụ gieo sạ mới tốt hơn, nhất là trong các tháng mùa mưa, không thể thu gom rơm hết bằng tay được. Chiếc máy cuộn rơm sẽ giúp việc cuộn rơm nhanh chóng và sạch hơn nên việc cày xới đất rất thuận tiện, ruộng sạch rơm, không còn tốn công lao động đi nhặt nhạnh rơm cho sạch để xuống giống như trước kia và đặc biệt không còn cảnh đốt rơm vào mùa nắng nóng, làm tăng nguy cơ cháy lan sang các ruộng lân cận chưa thu hoạch lúa, thậm chí gây nguy hiểm cho các nhà dân ở gần ruộng lúa, kèm theo đó là khói bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường nước, không khí… ảnh hưởng sức khỏe người dân” - anh Nguyễn Văn Đậm, ở ấp Thành Tân, xã Kế Thành (Kế Sách) chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Quế, ở ấp Trà Côi A, xã Mỹ Hương (Mỹ Tú) cho biết: “Tận dụng nguồn rơm sẵn có trên ruộng lúa sau thu hoạch, bà con nông dân tại ấp thường dùng số rơm đó để làm nấm rơm và đậy các loại rau màu, hộ dân ít có bán rơm đi. Một số hộ khác cũng bán rơm tăng thêm thu nhập thay vì rơm đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường, nông dân bán 1 công rơm tầm 40.000 đồng - 50.000 đồng cũng có số tiền dùng cho các việc khác khi cần…”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thạnh Trị Nguyễn Văn Sô cho biết: “Có thể thấy cọng rơm đem lại lợi nhuận kép cho cả người bán lẫn người mua, người mua dùng cho việc sản xuất, chăn nuôi, người bán có số tiền nhất định. Muốn cọng rơm để dự trữ lâu cũng như thuận tiện trong việc bảo quản cần phải dùng đến máy cuộn cuộn thành cuộn, bình quân mỗi công đất cuộn tầm 25 cuộn - 30 cuộn, giá bán mỗi cuộn rơm 15.000 đồng - 20.000 đồng. Trên địa bàn huyện giá mua rơm cọng là 30.000 đồng - 40.000 đồng/công (mùa mưa); 40.000 đồng - 50.000 đồng/công (mùa nắng). Do nhu cầu sử dụng rơm cọng lớn nên tại huyện, nông dân đầu tư khoảng 20 chiếc máy cuốn rơm để làm dịch vụ. Đồng thời, theo tôi việc cuốn rơm hạn chế tối đa việc đốt đồng như trước đây, đặc biệt trong các tháng mùa mưa rơm được cuộn sạch, giúp lúa gieo sạ không bị ngộ độc phèn…”.

Thúy Liễu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/loi-ich-kep-tu-cong-rom-36543.html