Lợi ích kép từ nguồn phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, với nguồn phế, phụ phẩm (PPP) thải ra môi trường lớn, người dân các địa phương đã tận dụng, xử lý để làm thức ăn chăn nuôi, chất độn chuồng, làm phân bón, nhiên liệu... Bên cạnh lợi ích giảm chi phí đầu vào, hạn chế sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, cách làm trên còn góp phần giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Người dân xã Thành Minh (Thạch Thành) ngâm ủ các loại phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ.

Người dân xã Thành Minh (Thạch Thành) ngâm ủ các loại phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ.

Trước thực trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tận dụng thân cây ngô, rơm, rau màu... thái nhỏ, phơi khô, ủ lên men để làm thức ăn đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm với chi phí thấp. Bên cạnh đó, việc tận dụng PPP phơi khô làm thức ăn cho gia súc là cách giúp người dân dự trữ trong thời gian dài, nhất là chủ động được nguồn thức ăn cho trâu bò vào mùa mưa lạnh. Chị Lê Thị Trâm, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa), cho biết: “Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, tôi và người dân trong xã vẫn có thói quen đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng. Sau khi tham gia nhiều lớp tập huấn, tôi mới biết điều này đã phá vỡ hệ vi sinh vật có lợi, chất dinh dưỡng, làm đất đai ngày càng thoái hóa, mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Gần đây, để chủ động tạo nguồn thức ăn cho đàn bò của gia đình, ngoài trồng cỏ chăn nuôi, tôi đã giữ lại lượng rơm để làm thức ăn chăn nuôi. Ngô cùng rơm sau khi được ủ sẽ tăng giá trị dinh dưỡng, hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hóa, giúp bò ăn được nhiều hơn và cho năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, phương pháp ủ cũng dễ dàng thực hiện, tận dụng các điều kiện sẵn có ở nơi chăn nuôi như bể xây, ô chuồng trống, thùng nhựa... sử dụng một số nguyên liệu trộn cùng rơm, sau đó nén chặt, hạn chế không khí lọt vào”.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, người dân đã hình thành thói quen làm phân bón hữu cơ từ rơm rạ. Ông Ngô Văn Ngọc, xã Thiệu Ngọc (Thiệu Hóa), cho biết: “Sau khi thu hoạch lúa, lượng rơm thu được sẽ được phơi khô, trộn với chế phẩm sinh học. Sau một thời gian, sẽ tạo ra phân hữu cơ để bón cho đất trước khi gieo trồng cây ăn quả, rau màu... Từ đó, nâng cao độ phì nhiêu của đất, làm cho đất tơi, xốp... Nhất là, chúng tôi đã tiết kiệm được nhiều chi phí mua phân bón hóa học, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản”.

Đối với đàn gia cầm, chị Trịnh Thị Thúy, xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy) đã đến các hộ trồng ngô trong xã để xin lá, thân, hạt ngô không bảo đảm chất lượng rồi xay nhỏ làm thức ăn cho đàn gà. Thực tế, mỗi kilogam thân ngô chứa từ 600 đến 700 gam protein và khoảng 320 gam chất xơ, có thể cho gà ăn trực tiếp hoặc ủ chua để bảo quản lâu dài, còn hạt ngô có thể nghiền nhỏ, trộn với cám gạo để cho gà ăn”. Tuy nuôi gà theo phương pháp này đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn nhưng được nhiều lợi ích hơn so với phương pháp nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp. Theo đó, gà lớn nhanh, da vàng, thịt săn chắc, thơm ngon hơn. Mặt khác, chất thải khi gà ăn thức ăn nguồn gốc tự nhiên này, hạn chế mùi hôi thối, ít gây ô nhiễm môi trường hơn cho ăn thức ăn công nghiệp.

Trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng hầm biogas để chăn nuôi an toàn sinh học. Theo đó, tại các trang trại, chuồng nuôi khép kín được thiết kế thành 2 phần, trong đó 1/2 diện tích nền chuồng phía sau thấp hơn 1/2 diện tích nền phía trước; phía cuối chuồng nuôi được đặt ống thoát chất thải nối với hầm biogas để xử lý loại bỏ mùi, giảm các chất gây ô nhiễm môi trường. Chất thải chăn nuôi sau khi được xử lý sẽ được đưa vào hầm khí biogas để làm khí đốt hoặc nước thải dùng để tưới cho cây trồng. Từ đó, không những xử lý môi trường trong chăn nuôi mà còn tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình.

Từ các mô hình có thể thấy, nếu biết tận dụng và xử lý đúng cách, PPP nông nghiệp sẽ là nguồn nguyên liệu mang lại lợi ích kép đối với sản xuất, bởi không những góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giảm chi phí đầu tư, giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi tận dụng nguồn PPP nông nghiệp, người dân cũng cần chú ý kỹ thuật xử lý như phơi, sấy, nghiền... để mang lại hiệu quả cao cho gia súc, gia cầm hay phương pháp ủ men chua để bảo quản lâu mà không mất chất dinh dưỡng; xác định được nhu cầu sử dụng, tỷ lệ dinh dưỡng với từng loại vật nuôi ở các giai đoạn khác nhau... Bên cạnh đó, người chăn nuôi nên đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật vào thu gom, đảo trộn, ủ phân... nhằm có được nguồn phân bón hữu cơ đảm bảo chất lượng.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/loi-ich-kep-tu-nguon-phe-pham-phu-pham-nong-nghiep-245530.htm