Lợi ích kinh tế 'khổng lồ' của Greenland khiến ông Trump đòi mua
Không chỉ sở hữu vị trí địa chính trị chiến lược, Greenland còn hấp dẫn hơn về mặt kinh tế nhờ băng tan, làm lộ ra các mỏ tài nguyên khoáng sản quan trọng và tiềm năng hàng hải.
Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Donald Trump từng khiến dư luận bất ngờ khi tuyên bố muốn mua đảo Greenland từ Đan Mạch. Ý tưởng táo bạo này nay lại được ông lặp lại sau khi tái đắc cử, đồng thời hé lộ tham vọng lớn hơn trong tương lai, bao gồm sáp nhập Canada, giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, và thậm chí đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ.
Tổng thống đắc cử Mỹ cho rằng việc sở hữu Greenland có ý nghĩa quan trọng với an ninh Mỹ. Song theo Klaus Dodds, Giáo sư địa chính trị tại Royal Holloway, Đại học London, tiềm năng kinh tế "khổng lồ" của hòn đảo này, đặc biệt là các mỏ tài nguyên thiên nhiên phong phú là điều hấp dẫn ông Trump hơn cả.
Kho tài nguyên khổng lồ đằng sau lớp băng
Biến đổi khí hậu đã làm tăng thêm giá trị kinh tế của hòn đảo. Các sông băng và tảng băng khổng lồ đang tan chảy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt, đồng, niken và đất hiếm - những nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất xe điện, năng lượng tái tạo và sản xuất thiết bị quân sự.
Một khảo sát năm 2023 cho thấy Greenland sở hữu 25 trong số 34 khoáng sản được Liên minh châu Âu coi là "nguyên liệu thô quan trọng". Năm ngoái, chính phủ Đan Mạch cũng công bố báo cáo khẳng định Greenland có điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ quặng giàu khoáng sản thô.
Song, phần lớn những nguồn tài nguyên này vẫn chưa được khám phá. Trong 3 thập kỷ qua, khoảng 11.00 dặm vuông (28.500 km2) các tảng băng và sông băng của hòn đảo này đã biến mất, tương đương gần bằng diện tích bang Masachusetts (Mỹ).
Đáng chú ý, Trung Quốc hiện thống trị sản xuất đất hiếm trên toàn cầu và đe dọa sẽ hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng cũng như công nghệ liên quan trước khi ông Trump quay lại Nhà Trắng.
"Trump và các cố vấn rất lo ngại về thế kìm kẹp từ Trung Quốc", ông Dodds nói, đồng thời nhấn mạnh Greenland cung cấp tiềm năng khoáng sản phong phú quan trọng.
Cũng có ý kiến cho rằng băng tan giúp tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên dễ dàng hơn. Song Phillip Steinberg, Giáo sư địa lý tại Đại học Durham, phủ nhận điều này, ông nhấn mạnh biến đổi khí hậu khiến tài nguyên tại Greenland trở nên quý giá hơn, thay vì dễ tiếp cận hơn.
Chiến lược hàng hải
Greenland còn mang giá trị kinh tế lớn trong lĩnh vực hàng hải, khi tuyến vận tải biển Northwest Passage chạy dọc bờ biển đảo này, nằm trong khu vực chiến lược Greenland - Iceland - Anh.
Băng tan càng làm tuyến đường ngắn và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, tuyến biển Bắc Cực từ Tây Âu đến Đông Á rút ngắn khoảng 40% quãng đường so với đi qua kênh đào Suez. Hội đồng Bắc Cực cho biết vận tải qua khu vực này tăng 37% trong thập kỷ qua, một phần nhờ hiện tượng băng tan.
Theo ông Klaus Dodds, điều kiện di chuyển quanh Greenland vẫn đầy nguy hiểm, song ông Trump vẫn nắm bắt cơ hội tiềm ẩn. Tháng 11/2024, Trung Quốc thể hiện sự quan tâm lớn đến các tuyến hàng hải mới qua Bắc Cực và quyết định hợp tác với Nga để phát triển khu vực này.
"Greenland là một xa lộ từ Bắc Cực đến Bắc Mỹ và Mỹ. Bắc Cực sẽ trở thành chiến trường chiến lược khi khí hậu ấm lên, giúp giảm sự phụ thuộc vào kênh đào Panama", O’Brien chia sẻ với Fox News.
Kế hoạch "khó nhai"
Dù sở hữu tiềm năng lớn, Greenland vẫn đang "ngủ yên". Hòn đảo cấm khai thác dầu khí vì lý do môi trường, trong khi ngành khai khoáng bị cản trở bởi các thủ tục hành chính và sự phản đối từ người dân bản địa.
Kinh tế Greenland hiện phụ thuộc vào ngành đánh bắt cá, chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu, và dựa vào khoản trợ cấp chưa đến 1 tỷ USD hàng năm từ chính phủ Đan Mạch.
Viễn cảnh Greenland có mối liên kết đặc biệt với Mỹ - tương tự thỏa thuận giữa Washington với Quần đảo Marshall - đang được một số chính trị gia Greenland cân nhắc. Nếu điều này xảy ra, Greenland vẫn sẽ giữ chủ quyền, nhưng đồng thời cũng được Mỹ hỗ trợ tài chính để đổi lấy các thỏa thuận liên quan đến lợi ích chiến lược cho Washington.
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Greenland, Kleist-Johannesen, tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của ý tưởng này. Đồng thời, nhiều lãnh đạo của Đan Mạch và Greenland cũng phản đối mạnh mẽ ý tưởng mua bán hòn đảo Bắc Cực này của ông Trump.
"Chúng tôi không phải để bán và sẽ không bao giờ để bán", lãnh đạo Greenland Múte Egede viết hồi tháng 12/2024.
Hiện chưa rõ liệu ông Trump có quyết tâm theo đuổi tham vọng Greenland hay không khi nhậm chức. "Đó có thể là lời khoe khoang, một đòn bẩy đàm phán, hoặc là ý định thực sự", Ulrik Pram Gad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch nhận định.
Dù vậy, tham vọng này đã làm rõ một điều rằng Bắc Cực đang trở thành chiến trường chiến lược mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh quyền lực toàn cầu.