Lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số từ một dự án

Thực hiện Dự án 8

Thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Cao Phong, thời gian qua, Hội LHPN huyện Cao Phong đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Hội LHPN huyện Cao Phong tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới, lồng ghép giới.

Hội LHPN huyện Cao Phong tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới, lồng ghép giới.

Dự án hoạt động với 4 nội dung: Tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em (PN&TE); xây dựng, nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của PN&TE; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của PN&TE trong các hoạt động phát triển KT-XH của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Đồng chí Vi Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cao Phong cho biết: Triển khai Dự án 8, Hội LHPN huyện đã tập trung chỉ đạo điểm triển khai các mô hình tại 4 xã: Thạch Yên, Thung Nai, Hợp Phong, Bắc Phong và 30 thôn đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, văn bản của các ngành liên quan, Hội LHPN huyện xây dựng văn bản triển khai đến các cơ sở Hội và tổ chức các hoạt động đảm bảo theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Đến nay, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo thành lập và tổ chức ra mắt 23 tổ truyền thông cộng đồng với 209 thành viên nhằm tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, bài trừ những tập tục văn hóa có hại và giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết đối với PN&TE, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thành lập mới và củng cố 5 địa chỉ tin cậy với 49 thành viên tại các xã hỗ trợ bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình. Phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo thành lập mới 6 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi” với 180 thành viên tại các trường TH&THCS: Yên Thượng, Yên Lập, Đông Phong, Xuân Phong, Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Thung Nai và xóm Má 2, xã Bắc Phong. Tổ chức 1 lớp tập huấn nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ; 3 lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện cho cán bộ lồng ghép giới, cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng; 1 lớp tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức 6 cuộc đối thoại trực tiếp đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề KT-XH địa phương với các chủ đề: trồng trọt, chăn nuôi, việc làm, nước sạch, phòng chống bạo lực đối với PN&TE, phát triển kinh tế… Các mô hình ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động thay đổi định kiến giới, thúc đẩy xã hội thực hiện bình đẳng giới.

Qua việc triển khai tại các xã thuộc dự án, bước đầu nhận thức của xã hội về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ, trẻ em được nâng lên. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho PN&TE. KT-XH của địa phương phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho PN&TE. Phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Quyền bình đẳng trong gia đình, quyền học tập, quyền làm việc, quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, quyền được thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của PN&TE được bảo đảm.

Đỗ Hà

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/190549/loi-ich-thiet-thuc-cho-phu-nu,-tre-em-dan-toc-thieu-so-tu-mot-du-an.htm