Lợi ích Triều Tiên nhận được khi điều binh sỹ và vũ khí tham chiến cùng Nga
Các chuyên gia cho rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Triều Tiên đã cung cấp cho Bình Nhưỡng cơ hội phát triển và cải thiện kỹ năng chiến đấu của quân đội, nâng cấp vũ khí trong cuộc chiến hiện đại.
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Triều Tiên được cho là đang thử nghiệm sức mạnh quân đội và vũ khí của nước này trong xung đột, tận dụng cuộc chiến Nga - Ukraine để tăng cường và cải thiện năng lực quân sự, giành được những lợi ích đáng kể từ việc hợp tác chặt chẽ với Moscow.
![Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng năm 2024. Nguồn: Getty Images](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_65_51462201/2f937d2b4d65a43bfd74.jpg)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng năm 2024. Nguồn: Getty Images
Theo The Diplomat, Triều Tiên đang chuẩn bị điều thêm lực lượng đến hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, bất chấp những tổn thất mà quân đội nước này phải chịu.
Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều chưa chính thức xác nhận thông tin quân đội Triều Tiên đang chiến đấu cùng với quân đội Nga. Nhưng tình báo Hàn Quốc đã đưa tin về sự hiện diện của của lực lượng Triều Tiên tại Nga kể từ tháng 10/2024. Họ cho rằng, khoảng 1.500 lính đặc nhiệm Triều Tiên đã đến thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga để huấn luyện. Sau đó, lực lượng này có thêm khoảng 10.000 binh sỹ. Họ đã di chuyển gần 7.000 km qua Nga để đến khu vực chiến đấu. Ngoài việc triển khai quân đội tham chiến trực tiếp, Triều Tiên được cho là một trong những nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy nhất của Nga, chuyển giao các loại tên lửa và hàng triệu viên đạn giúp Moscow tiếp tục chiến đấu chống lại Ukraine.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 77 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên ngày 8/2/2025, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết: “Trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược với Nga, quân đội và nhân dân của chúng tôi sẽ luôn ủng hộ quân đội và nhân dân Nga để bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của họ". Truyền thông Nhật Bản NHK dẫn các nguồn tin từ Nga cho biết, Triều Tiên sẽ lần đầu tiên tham gia lễ diễu binh Ngày Chiến thắng của Nga vào tháng 5/2025.
Cơ hội phát triển vũ khí của Triều Tiên
Triều Tiên đã nhanh chóng phát triển chương trình vũ khí của nước này trong những năm gần đây, nhưng việc đưa chúng vào thực chiến chỉ mới được thực hiện trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Một số báo cáo cho biết, kể từ cuối năm 2023, Nga đã bắn khoảng 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-23, K-23A và K-24 của Triều Tiên vào Ukraine.
Reuters dẫn hai nguồn tin cấp cao cho biết, có sự cải thiện về độ chính xác của những tên lửa đạn đạo Triều Tiên mà Nga sử dụng để tấn công Ukraine. Theo đó, tên lửa Triều Tiên trở nên chính xác hơn nhiều, với độ sai lệch so với mục tiêu đã được rút ngắn đáng kể, từ phạm vi 1 đến 3km xuống còn 50 đến 100 mét. Nguồn tin trên cho rằng Bình Nhưỡng đã thành công trong việc tận dụng chiến trường để thử nghiệm công nghệ tên lửa của họ.
Yang Uk, một chuyên gia về vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan của Seoul, nhận định, những tiến bộ như vậy có thể giúp Triều Tiên tăng cường khả năng răn Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí là Mỹ, đồng thời cũng mở ra cơ hội lớn hơn để Bình Nhưỡng bán vũ khí nâng cấp cho các quốc gia hoặc những nhóm vũ trang đối đầu với phương Tây.
"Điều đó có thể tác động lớn đến sự ổn định trong khu vực và thế giới", ông Yang Uk lo ngại.
“Sự phụ thuộc của Nga vào Triều Tiên đang ngày càng rõ ràng, đặc biệt là khi nước này thiếu hụt pháo hạng nặng”, Andrii Kovalenko, người đứng đầu Trung tâm Chống thông tin sai lệch (CCD) thuộc Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine đánh giá.
Các báo cáo của Ukraine và phương Tây chỉ ra rằng, ở một số khu vực, hơn 50% hoặc hơn 70% số lượng đạn dược mà lực lượng Nga sử dụng có nguồn gốc từ Triều Tiên. Bất chấp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt, hơn 200 doanh nghiệp quân sự của Triều Tiên vẫn đang phát triển mạnh mẽ, cung cấp cho Nga mọi thứ từ quân tư trang cho đến đạn pháo.
NHK trích dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, năm 2025, Triều Tiên sẽ kết hợp với Nga sản xuất hàng loạt máy bay không người lái mới. “Nhiều khả năng, đây là thỏa thuận để đổi lấy việc Triều Tiên triển khai binh lính đến hỗ trợ Nga", NHK lưu ý.
Nga và Triều Tiên đã ký một thỏa thuận đối tác chiến lược vào tháng 6 năm 2024, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên. Trong khuôn khổ thỏa thuận này, Triều Tiên đã gửi binh sỹ đến khu vực Kursk của Nga, trực tiếp tham gia đối phó với lực lượng Ukraine và tích lũy kinh nghiệm chiến đấu hiện đại.
Quân đội Triều Tiên thử lửa sức mạnh trên chiến trường
Triều Tiên là một trong những quốc gia có lực lượng quân đội lớn nhất thế giới, với khoảng 1,3 triệu quân nhân đang tại ngũ. Khác với Nga, quân đội Triều Tiên ít tham gia vào các cuộc xung đột hiện đại và đang nỗ lực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường.
Kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng hiệp ước đình chiến, Bình Nhưỡng đã đặt ưu tiên cao cho việc duy trì một lực lượng quân đội thường trực lớn và được trang bị vũ khí hạng nặng. Sau khi huấn luyện, binh lính Triều Tiên chủ yếu được điều động để tuần tra Khu phi quân sự, nơi đánh dấu biên giới của nước này với Hàn Quốc. Việc tham gia vào cuộc xung đột Nga-Ukraine mang đến cho quân đội Triều Tiên kinh nghiệm chiến đấu hiện đại đầu tiên sau hơn 70 năm, Jennifer Mathers - nhà nghiên cứu chính trị quốc tế tại Đại học Aberystwyth nhấn mạnh.
Các binh sỹ Ukraine cho biết, binh sỹ Triều Tiên là những chiến binh dũng cảm và đầy quyết tâm, rất kỷ luật, nhưng thiếu kinh nghiệm chiến đấu trong một cuộc xung đột hiện đại. Họ cũng dường như bối rối trước sự xuất hiện của máy bay không người lái cảm tử trên chiến trường và chưa thành thạo kỹ năng ứng phó với chúng.
Điều này, cùng với chiến thuật tiến quân theo nhóm lớn mà lực lượng Triều Tiên sử dụng để thu hút hỏa lực của quân đội Ukraine và dọn đường cho quân đội Nga tiến lên, là những lý do khiến Triều Tiên chịu tổn thất lớn.
"Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, quân đội Triều Tiên đang có được kinh nghiệm thực chiến trong cuộc xung đột hiện đại", ông Andrii Yusov, người phát ngôn của cơ quan tình báo quân sự Ukraine bình luận.
"Triều Tiên được hưởng lợi đáng kể từ việc tiếp nhận thiết bị quân sự, công nghệ của Nga và trau dồi kinh nghiệm thực tế, giúp nước này có khả năng ứng phó với các nước láng giềng tốt hơn. Bình Nhưỡng có thể háo hức tận dụng những cải tiến này để thúc đẩy hoạt động bán vũ khí và hợp đồng huấn luyện quân sự trên toàn cầu", Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Dorothy Camille Shea nhận định
“Sự tham gia của quân đội Triều Tiên cho thấy bước leo thang nguy hiểm trong cuộc chiến lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II, với những tác động tiềm tàng đáng báo động đối với an ninh toàn cầu”, Hội đồng Đại Tây Dương cảnh báo. Ngoài ra, sự hiện diện của quân đội Triều Tiên trong cuộc chiến cũng là mối lo lớn đối với Ukraine và các đối tác phương Tây.