Hàng trăm ngàn người ký vào kiến nghị của Đan Mạch về việc mua bang California của Mỹ
Bản kiến nghị mang màu sắc châm biến, nhằm đả kích ý định của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc mua lại đảo Greenland, đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người Đan Mạch.
![Nhiều đời tổng thống Mỹ đã đề nghị mua Greenland từ Đan Mạch, nhưng đều bị từ chối. (Nguồn: CNN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_293_51464217/a8ba68c1588fb1d1e89e.jpg)
Nhiều đời tổng thống Mỹ đã đề nghị mua Greenland từ Đan Mạch, nhưng đều bị từ chối. (Nguồn: CNN)
Một bản kiến nghị mang màu sắc châm biếm, được lập ra với "mục tiêu" huy động 1.000 tỷ USD từ cộng đồng, nhằm giúp Đan Mạch mua lại tiểu bang California của Mỹ, đã nhận được hơn 200.000 chữ ký.
"Đã bao giờ bạn nhìn vào bản đồ và tự hỏi rằng mình có biết Đan Mạch đang cần gì không? Có lẽ là thêm chút ánh nắng, những cây cọ và giày trượt patin chẳng hạn. Vâng, chúng ta có một cơ hội duy nhất trong đời để biến giấc mơ đó thành hiện thực", bản kiến nghị viết.
"Hãy mua tiểu bang California từ Tổng thống Mỹ Donald Trump! Vâng, bạn nghe đúng rồi đấy. California có thể là của chúng ta, và chúng tôi cần sự giúp đỡ của bạn để biến điều đó thành hiện thực".
Bản kiến nghị được lập ra sau khi ông Trump bày tỏ ý định mua lại Greenland, một vùng lãnh thổ bán tự trị của Đan Mạch. Kiến nghị nêu ra một số lý do tại sao Đan Mạch sẽ được hưởng lợi từ việc mua lại California, bao gồm thời tiết được cải thiện, nguồn cung cấp bơ an toàn và nền tảng công nghệ mạnh.
Bản kiến nghị viết thêm rằng nhờ việc mua California, Đan Mạch có thể tham gia "bảo vệ thế giới tự do" và đổi tên Disneyland thành "Hans Christian Andersenland". Nhưng để đạt được mục tiêu này, người Đan Mạch phải gây được một quỹ cộng đồng trị giá 1.000 tỷ USD. Bản kiến nghị đề xuất Đan Mạch cử đi "những nhà đàm phán giỏi nhất của chúng ta - các giám đốc điều hành công ty Lego và dàn diễn viên của loạt phim truyền hình chính kịch Borgen".
"California sẽ trở thành New Denmark. Los Angeles? Có lẽ cái tên Løs Ångeles nghe hợp hơn,” bản kiến nghị tiếp tục. “Chúng ta sẽ mang hygge (phong cách sống tập trung vào cảm giác thoải mái, ấm cúng và tận hưởng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống hàng ngày) đến Hollywood. Chúng ta sẽ tạo làn đường dành cho xe đạp đến Beverly Hills và đưa bánh mỳ lúa mạch đen smørrebrød đến mọi góc phố."
Trump, người nhậm chức vào ngày 20/1 năm nay, đã gọi việc giành quyền kiểm soát Greenland là “điều hoàn toàn cần thiết”. Giới chức ở cả Greenland và Đan Mạch đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ mong muốn sở hữu hòn đảo của Trump.
Nhiều quan chức Đan Mạch chia sẻ với CNN về cảm giác ngại khi thấy ông Trump đã thể hiện sự nghiêm túc hơn với ý tưởng mua Greenland, so với ý định đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên. Cần biết rằng vào năm 2019, Trump đã từng đề xuất mua Greenland từ Đan Mạch, nhưng ý tưởng nhanh chóng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.
Trump muốn sở hữu Greenland vì tầm quan trọng địa chính trị của hòn đảo trong khu vực Bắc Cực, nơi Mỹ, Nga và Trung Quốc đều có lợi ích chiến lược. Ngoài ra, Greenland còn có trữ lượng lớn khoáng sản quý hiếm như uranium, dầu mỏ và đất hiếm. Đồng thời việc sở hữu hòn đảo này có thể giúp Mỹ mở rộng ảnh hưởng và củng cố sức mạnh kinh tế.
Chính quyền Trump đã bí mật thảo luận về việc mua Greenland và đề xuất trả một khoản tiền lớn cho Đan Mạch, nhưng khi thông tin bị rò rỉ vào tháng 8/2019, chính phủ Đan Mạch và Greenland lập tức bác bỏ. Thủ tướng Đan Mạch, Mette Frederiksen, gọi ý tưởng này là "vô lý" và khẳng định Greenland không phải để bán.
Trước phản ứng đó, ông Trump đã hủy chuyến thăm Đan Mạch dự kiến tổ chức vào tháng 9/2019, đồng thời chỉ trích thái độ của Đan Mạch là "thô lỗ". Mặc dù đề xuất không thành công, sự kiện này cho thấy Mỹ đặc biệt quan tâm đến Greenland. Sau thời gian căng thẳng, Mỹ đã tiếp tục động thái gia tăng ảnh hưởng ở Greenland, bằng cách mở lại lãnh sự quán ở Nuuk và hỗ trợ tài chính cho hòn đảo.
Dù không thực hiện được thương vụ, ý tưởng mua Greenland phần nào phản ánh cách tiếp cận chính trị quốc tế của Trump theo phong cách kinh doanh, trong đó ông tìm cách mở rộng ảnh hưởng của Mỹ thông qua các thương vụ lớn.
Và Trump cũng không phải tổng thống Mỹ đầu tiên muốn mua lại Greenland. Nhìn lại thì ý tưởng mua Greenland đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử Mỹ, với nhiều đời tổng thống quan tâm đến hòn đảo này do vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tế của nó.
Năm 1867, dưới thời Tổng thống Andrew Johnson, Ngoại trưởng Mỹ William H. Seward—người từng đàm phán mua Alaska từ Nga—cũng bày tỏ mong muốn mua Greenland và Iceland từ Đan Mạch. Nhưng khi đó kế hoạch không thành công, do Đan Mạch từ chối bán, và Mỹ cũng không coi việc mua hòn đảo là ưu tiên hàng đầu.
Năm 1946, sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Tổng thống Harry Truman một lần nữa đề xuất mua Greenland với giá 100 triệu USD, bằng vàng. Ông muốn dùng hòn đảo để tăng cường phòng thủ khu vực Bắc Mỹ trước Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Mặc dù Đan Mạch tiếp tục từ chối bán, hai nước đã đạt được thỏa thuận cho phép Mỹ xây dựng Căn cứ quân sự Thule, một cơ sở quan trọng vẫn hoạt động đến tận ngày hôm nay./.