Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: Hịch non sông đất nước
Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời hịch của non sông đất nước cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.
Dưới thời đại Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một áng hùng văn kiệt xuất. Tiếp đó, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cũng là áng hùng văn mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kéo dài chín năm kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ.
Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời hịch của non sông đất nước cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.
Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ 3 tuần sau, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta.
Tuy vậy, Chính phủ ta vẫn tiếp tục chủ trương hòa bình, ký Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), nhận Việt Nam là nước tự do (chưa phải độc lập), nhượng bộ cho quân Pháp ra đóng ở miền Bắc (sẽ rút dần trong 5 năm).
Ta lại ký Tạm ước 14/9/1946 mong duy trì đàm phán hòa bình. Song ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Thực dân Pháp không chịu ngừng bắn ở miền Nam (từ 0 giờ 30 ngày 30/10/1946) theo quy định trong Tạm ước mà chúng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, đổ thêm quân vào Đà Nẵng, tăng cường khiêu khích ngay ở Thủ đô.
Ngày 18 và 19/12/1946, đại diện Pháp liên tiếp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta. Thực tế cho thấy khả năng hòa hoãn không còn. Địch đã công khai tuyên bố chúng sẽ hành động sáng 20/12/1946 nếu Chính phủ ta khước từ những điều nêu trong tối hậu thư của chúng.
Tình hình đã đến lúc cực kỳ căng thẳng, bởi vì từ sau Hiệp định sơ bộ 6/3, hơn 6.500 quân Pháp đã vào đóng xen kẽ với ta ở 45 điểm trong thành phố Hà Nội. Để quân Pháp nổ súng đánh trước thì ta sẽ lâm vào bị động và thế trận dễ bị chia cắt.
Từ những ngày cuối tháng 11/1946, để tránh những hành động uy hiếp của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển ra ngoại thành Hà Nội, và từ tối 3/12/1946, Người về ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây.
Để có thể kéo dài hơn những giờ phút hòa bình quý giá và thể hiện thiện chí của ta, sáng 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi cho Xanhtơny, ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền Bắc Đông Dương: yêu cầu cùng ông Hoàng Minh Giám “tìm giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại”.
Khi Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám yêu cầu gặp, Xanhtơny đã khước từ, nói là sẽ tiếp vào hôm sau. Nhưng hôm sau là 20/12 - ngày mà quân đội Pháp đã đơn phương quyết định “Tự mình đảm nhiệm việc duy trì an ninh trong thành phố”.
Thấy trước được khả năng tất yếu sẽ phải xảy ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã tích cực và chủ động chuẩn bị cho ngày toàn quốc kháng chiến. Đến lúc này, việc di chuyển các cơ sở sản xuất, đặc biệt là máy móc cơ khí, các trạm quân y, các cơ quan không có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu đã cơ bản hoàn thành. Hàng vạn tấn muối cũng đã được đồng chí Nguyễn Lương Bằng tổ chức chuyển lên chiến khu.
Thế trận đã bố trí sẵn sàng, toàn dân, toàn quân tuy trang bị vũ khí chưa đầy đủ, còn rất thiếu thốn do hoàn cảnh của ta khi ấy, nhưng về tinh thần đều đã đồng lòng trên dưới chung một lời thề ”Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh!”
Để động viên hơn nữa khí thế của toàn dân, để biểu lộ ý chí kiên quyết chiến đấu hy sinh cho độc lập tự do của toàn thể dân tộc, trong những ngày ở Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ chuẩn bị lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Lời kêu gọi của Người viết rất súc tích, ngắn gọn, chỉ có hơn 200 chữ nhưng đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, trình bày lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta, biểu lộ rõ càng thiết tha với hòa bình, càng kiên quyết đập tan mọi âm mưu quỷ kế của bọn phá hoại hòa bình.
Trong Lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày quan điểm “chiến tranh toàn dân” một cách vô cùng giản dị và hào hùng. Có thể nói, nét độc đáo, đặc sắc nhất trong đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở hai chữ “toàn dân”.
Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời hịch của non sông đất nước cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.
Chỉ thị này được coi như một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự về khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn dân là lực lượng vũ trang ba thứ quân. Tiếp theo Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là văn kiện thứ hai mang tính cương lĩnh quân sự về kháng chiến toàn dân. “Toàn dân” theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn dân tộc.
Người cũng đã vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc kháng chiến sẽ nhất định đi đến thắng lợi vẻ vang.
Hai buổi chiều liên tiếp 18 và 19/12, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng đã được triệu tập ở làng Vạn Phúc. Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng đã nhận xét việc quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn hồi tháng 11, việc khiêu khích ở Thủ đô chứng tỏ Pháp đã cắt mọi con đường đàm phán và cố tình gây ra chiến tranh xâm lược.
Hội nghị cũng thấy rằng ta đã hết sức nhân nhượng, nhưng hiện nay không còn con đường nào khác là phải đứng lên tiến hành kháng chiến trên quy mô cả nước.
Hội nghị đã nghiên cứu và thông qua văn kiện “Toàn dân kháng chiến” do Tổng Bí thư Trường Chinh dự thảo. Đây là bản chỉ thị nêu rõ đường lối, chính sách và cách tiến hành cũng như lực lượng của cuộc kháng chiến.
Chỉ thị của Đảng cũng đã khẳng định cuộc kháng chiến tuy lâu dài, gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang. Đặc biệt, Hội nghị Thường vụ Trung ương đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị góp ý kiến cho lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Người soạn thảo. Các đồng chí đã thảo luận và được Người đồng ý cho sửa thêm một số chữ vào lời kêu gọi. Đây là một cách làm việc dân chủ và là nền nếp thường xuyên của Người.
Trưa 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các khu và các tỉnh: “Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước vũ khí khí giới của Quân đội, Tự vệ, Công an ta. Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy, như vậy chỉ trong 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Tất cả hãy sẵn sàng!”
Quyết giành chủ động trong chiến tranh, phá tan ngay từ đầu âm mưu đánh úp của thực dân Pháp, theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang đã quyết định mở cuộc tiến công lớn trên quy mô toàn quốc. Cuộc tiến công đó sẽ bắt đầu vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946.
Tại Hà Nội, đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, anh em công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ phá máy; 20 giờ 3 phút, đèn điện trong thành phố vụt tắt, ít phút sau, pháo binh ta từ pháo đài Láng bắn dồn dập vào Thành.
Sáng 20/12, Đài Tiếng nói Việt Nam phát Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Cứu quốc và các báo Hà Nội như Đồng Xuân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Cảm Tử, Tiền phong, Chiến thắng đều đăng trang trọng Lời kêu gọi của Bác Hồ.
Lời kêu gọi cứu nước của Bác đã thúc giục triệu người nhất quyết xông tới với lời thề quyết tử: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, lực lượng vũ trang Nam Định đã bao vây giam giữ 800 quân Pháp trong nhà máy sợi gần ba tháng; ta đã đánh phá giao thông quyết liệt ở đường số 5; ở thị xã Vinh ngay từ đêm nổ súng quân Pháp đã phải hàng quân ta; ở Huế, sau 50 ngày vây đánh, ta đã diệt gần 200 tên Pháp; ở Đà Nẵng, mặc dù quân Pháp gần 1 vạn tên nhưng ta cũng đã hoàn thành nhiệm vụ bao vây.
Ở Hà Nội, trong hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khó khăn và chênh lệch về vũ khí, trung đoàn Thủ đô mãi đêm 17/2/1947 mới rút ra khỏi nội thành, sau 60 ngày đêm chiến đấu ngoan cường trong lòng thành phố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây, tiêu diệt địch, tạo thời gian cần thiết để di chuyển các cơ quan, công xưởng lên vùng chiến khu, vượt trước thời gian so với lời hứa của Bộ trưởng Quốc phòng với Bác Hồ gần một tháng.
Hơn nửa thế kỷ đi qua, ngày 19/12/1946 mãi mãi ghi vào lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta như một mốc son chói lọi. Toàn dân tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Bằng cuộc tiến công tối 19/12/1946, mở đầu theo lệnh từ Hà Nội, tư tưởng Hồ Chí Minh đã thực hiện nguyên tắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam: Không để cho kẻ địch đánh theo cách đánh của chúng, mà buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta. Nguyên tắc đó đã chỉ đạo quân dân ta suốt 30 năm chiến tranh giải phóng.