Phúc Trạch không chỉ có giống bưởi ngon nức tiếng xa gần mà còn được mệnh danh là thủ phủ của gió trầm. Nhiều năm nay, loại cây này mang lại nguồn thu nhập “khủng” cho người dân trong vùng. Nhắc đến hương trầm của Phúc Trạch không ai không biết đó là loại hương có mùi thơm dịu nhẹ, không hắc nồng vì thành phần chính của hương trầm nơi đây là trầm hương của cây dó bầu.
Để tạo ra những búp hương có mùi thơm đặc trưng cần rất nhiều nguyên liệu như cây rễ hương, cỏ ngọt, quế, hồi… Nguyên liệu sau khi nhập về sẽ được phơi khô và cho vào máy xay thành bột hương. Anh Nguyễn Chí Thành, chủ cơ sở sản xuất hương trầm Đinh Gia, cho biết, anh làm nghề chế tác trầm hương từ năm 2016. Ngoài các cây gỗ trầm lớn được tạo hình để bán, anh Thành tận dụng những miếng gỗ nhỏ để làm hương trầm sạch, hương que, hương vòng, hương cuốn thủ công và trầm nụ.
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, các cơ sở sản xuất hương tiến hành phơi nắng, hoặc sấy khô để hoàn thiện sản phẩm. Để làm nên một sản phẩm hương trầm hoàn thiện, người làm hương phải cầu kỳ trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu làm bột hương, chân hương đến công đoạn quấn hương. Hương thẻ, hương cuốn chủ yếu được làm từ phần thân gỗ của cây dó trầm tạo nên mùi hương dịu ngọt, khác biệt hơn so với các loại hương khác trên thị trường.
Thông thường sau khi hương được đóng gói, các thương lái đặt hàng từ trước sẽ đến tận nhà thu mua rồi sau đó đem đi tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ hương không chỉ gói gọn trong xã, huyện mà mở rộng ra toàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Nhiều cơ sở sản xuất hương trầm ở Phúc Trạch được công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, sản xuất hương trầm sử dụng nguyên liệu tự nhiên. “Dịp Tết là thời điểm tiêu thụ hương trầm nhiều nhất. Gia đình tôi phải thuê thêm 10 lao động để kịp sản xuất nguồn hàng cung ứng. Vụ Tết, cơ sở của tôi xuất ra thị trường khoảng hơn 50.000 thẻ hương tương đương 3 tấn bột; hơn 1.000 hộp hương nụ với giá từ 300 – 400 ngàn đồng… Tính doanh thu mỗi mùa Tết gia đình tôi đạt được từ 500 – 600 triệu đồng”, anh Thành nhẩm tính.
Ngoài việc sử dụng các phương pháp sản xuất truyền thống, các cơ sở sản xuất hương trầm Phúc Trạch còn kết hợp với máy móc hiện đại. Nhiều năm trở lại đây, hương sản xuất ra không chỉ dồi dào về số lượng mà chất lượng cũng bảo đảm hơn. Với sự kiên trì, công phu và kỹ thuật điêu luyện, từ cây gió trầm người dân Phúc Trạch chế tạo ra nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị.
Tại xã Phúc Trạch hầu như nhà nào cũng trồng dó trầm, đây được coi là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu của địa phương. Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy móc, nhân lực để chế tác các sản phẩm từ cây dó trầm, nhờ vậy giá trị kinh tế của loại cây này càng được nâng cao.
Từ cây dó, có thể làm được rất nhiều sản phẩm như hương trầm, nụ trầm, vòng trầm, các đồ thủ công mỹ nghệ từ trầm... Những chuỗi hạt làm từ trầm hương mang yếu tố phong thủy được nhiều người ưa thích với niềm tin mang lại may mắn.
Vừa nâng niu từng sản phẩm từ trầm hương, chị Võ Thị Nga chủ cơ sở chế tác dó trầm Thọ Nga phấn khởi chia sẻ: “Gần Tết, có ngày cơ sở bán được cả trăm triệu đồng. Còn cây trầm cảnh được chế tác từ dó trầm rẻ nhất cũng 10 triệu đồng, cây cao lớn, thế đẹp, nhiều dó có giá 50 - 100 triệu đồng, trong khi cây "gia bảo" có giá nửa tỷ đồng".
Không chỉ dừng lại ở sản phẩm hương trầm, người dân Hương Khê đã mạnh dạn sáng tạo và ứng dụng nhiều công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm từ cây dó trầm. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao và nhận được sự ưa chuộng từ thị trường.
Ông Võ Văn Việt, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Phúc Trạch cho hay: “Hiện tại gần 2.000 hộ dân trong xã đều trồng cây dó trầm, với diện tích trên 300ha. Cây dó trầm là một trong những loại cây kinh tế chính của địa phương, nghề làm hương trầm xuất hiện thời gian sau này, nhưng nhiều cơ sở sản xuất hương đã tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước, đem lại thu nhập cao cho người dân trong dịp Tết”.
Nhiều gốc trầm qua bàn tay điêu luyện, tỷ mỉ của thợ lành nghề đã tạo ra những sản phẩm đẹp mắt và có giá trị. Trong không khí tấp nập, rộn ràng nơi làng nghề trầm hương "triệu phú" xã Phúc Trạch, những người thợ vẫn miệt mài để chế tác ra những sản phẩm tuyệt mỹ từ cây dó trầm. Và đặc biệt, làm ra những búp hương trầm hương thơm dịu nhẹ, thanh khiết với mong ước đưa đến cho mọi gia đình một cái Tết đầm ấm, vui tươi.
Mời quý độc giả xem video chị Lưu Thị Hường, chủ vườn quất Điệp Hường (làng Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ về thú chơi quất Quảng Bá của người Hà Nội:
Thanh Hà