Lời nhắn nhủ giàu triết lý nhân sinh
Bài thơ 'Bàn giao' của nhà thơ Vũ Quần Phương mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc. Đó không chỉ là lời căn dặn thông thường mà lời nhắn nhủ, kỳ vọng với thế hệ tương lai.
Bàn giao
Rồi ông sẽ bàn giao cho cháu
Bàn giao gió heo may
Bàn giao góc phố
Có mùi ngô nướng bay.
Ông sẽ chẳng bàn giao những tháng ngày vất vả
Sương muối đêm bay lạnh mặt người
Đất rung chuyển, xóm làng loạn lạc
Ngọn đèn mờ, mưa bụi rơi.
Ông bàn giao tháng giêng hương bưởi
Cỏ mùa xuân xanh dưới chân giày
Bàn giao những mặt người đẫm nắng
Đẫm yêu thương trên trái đất này.
Ông chỉ bàn giao một chút buồn
Ngậm ngùi một chút, chút cô đơn
Câu thơ vững gót làm người ấy
Ông cũng bàn giao cho cháu luôn.
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Bài thơ "Bàn giao" của nhà thơ Vũ Quần Phương là lời trò chuyện tâm tình giữa ông và cháu, hai thế hệ khác nhau. Ẩn sâu trong đó là cả một triết lý sống, một quá trình chuyển giao ký ức, niềm tin và giá trị con người từ quá khứ sang tương lai.
Mở đầu bài thơ là một câu nói giản đơn nhưng đầy sức nặng. Không phải một lời chia tay, cũng chẳng phải lời răn dạy nghiêm khắc. Đó là một lời hứa “sẽ bàn giao”, nghĩa là chưa phải bây giờ, nhưng chắc chắn ông sẽ làm. Đó là lúc thế hệ đi trước, những người đã trải qua chiến tranh, gian khổ, đã giữ gìn từng tấc đất quê hương trao lại "ngọn đuốc" niềm tin cho thế hệ mai sau.
Bàn giao ở đây không mang nghĩa hành chính, cũng không đơn thuần là sự chuyển tiếp vật chất mà là sự tiếp nối ký ức, tinh thần, bản sắc dân tộc. Thế hệ ông đã đi qua những năm tháng mà từng ngọn gió cũng mang theo cả vận mệnh đất nước. Vì thế, điều ông trao lại không chỉ là kỷ niệm mà là cả một hành trình sinh tồn, gìn giữ vẹn nguyên lãnh thổ quê hương, đất nước cho các cháu.
“Bàn giao gió heo may
Bàn giao góc phố
Có mùi ngô nướng bay”
Ba hình ảnh liền nhau, gió heo may, góc phố, ngô nướng đã vẽ nên một không gian đầy chất thơ của một buổi chiều thu. Heo may là tín hiệu của sự đổi mùa, mùa cũ chưa qua hẳn, mùa mới chưa đến trọn vẹn. Đó cũng là khoảnh khắc giao thời, thời gian đẹp nhất trong một năm. Bởi thế, cái ông “bàn giao” đầu tiên không phải là điều vĩ đại mà là những thứ nhỏ bé, thân thuộc nơi mỗi thế hệ đều tìm thấy mình.
Góc phố có mùi ngô nướng, không chỉ là mùi vị mà còn là ký ức. Ký ức ấy không chỉ gợi nỗi nhớ mà còn nhắc ta về sự bình yên, về những giá trị giản dị của cuộc sống.
“Ông sẽ chẳng bàn giao những tháng ngày vất vả
Sương muối đêm bay lạnh mặt người
Đất rung chuyển, xóm làng loạn lạc
Ngọn đèn mờ, mưa bụi rơi”
Bốn câu thơ tiếp theo là một ghi nhớ ngắn gọn mà ám ảnh về những năm tháng khó khăn. Không cần kể lể dài dòng, chỉ bằng những hình ảnh đơn sơ như sương muối lạnh mặt, đất rung chuyển, đèn mờ, mưa bụi nhà thơ đã khắc họa một thời kỳ khốc liệt mà người ông đã trải qua. Ông không bàn giao những điều ấy cho cháu không phải vì muốn phủ nhận quá khứ mà bởi đó là phần ông đã sống trọn, chịu đựng và vượt qua. Ông không muốn thế hệ sau phải nhận đau thương mà ông muốn trao lại những gì bình yên, tử tế.
“Ông bàn giao tháng giêng hương bưởi
Cỏ mùa xuân xanh dưới chân giày
Bàn giao những mặt người đẫm nắng
Đẫm yêu thương trên trái đất này”.
Nếu đoạn trên là hồi ức về gian khổ, thì đoạn này là khúc ca về sự sống, về mùa xuân và về con người. Hương bưởi tháng giêng là một biểu tượng thơm ngát của mùa xuân, của sức sống. “Cỏ mùa xuân xanh dưới chân giày” là hình ảnh đầy chất điện ảnh, vừa trần thế, vừa bay bổng. Dưới chân là đất, là cỏ, là sự sinh sôi, trên đầu là trời xanh hy vọng.
Điều đặc biệt ở đây là ông không chỉ bàn giao thiên nhiên mà ông còn trao “những mặt người đẫm nắng”. Đây là những khuôn mặt từng đổ mồ hôi, từng đi qua nhọc nhằn, nay vẫn rạng rỡ vì ánh nắng, vì yêu thương. Người ông tin rằng, chính con người, với tình yêu và lòng nhân hậu mới là thứ tài sản quý giá nhất mà thế hệ trước có thể trao lại cho thế hệ sau.
“Ông chỉ bàn giao một chút buồn
Ngậm ngùi một chút, chút cô đơn
Câu thơ vững gót làm người ấy
Ông cũng bàn giao cho cháu luôn”.
Đây có lẽ là đoạn thơ khiến người đọc cảm nhận được nhiều cảm xúc nhất. Bởi nó chạm đến phần sâu nhất trong trái tim con người nơi ta cất giấu nỗi buồn. Ông không giấu đi hết nỗi buồn. Ngược lại, ông “bàn giao một chút”, đủ để cháu hiểu rằng, đời người không chỉ có niềm vui mà còn có những giây phút lặng lẽ, ngậm ngùi, cô đơn.
“Câu thơ vững gót làm người” là một chân lý sống. Câu thơ ấy không chỉ để đọc, mà để soi đường. Là ánh sáng nhỏ bé nhưng đủ ấm lòng trong những lúc cuộc sống khó khăn. Ông bàn giao câu thơ ấy nghĩa là ông đặt vào tay cháu cả một tấm bản đồ nhân sinh với mong ước cháu mình sẽ sống tử tế, đi vững vàng trên con đường làm người.
“Bàn giao” không có cao trào, không có kịch tính. Từng dòng thơ đều nhỏ nhẹ, chậm rãi như một lời tâm sự. Nhưng chính cái chậm rãi đó lại khiến bài thơ trở nên sâu sắc. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã viết bằng trải nghiệm của cuộc đời mình.
Nhà thơ hiểu rõ điều quý giá nhất mà một thế hệ có thể trao lại không phải là tiền bạc mà là niềm tin vào con người, vào cuộc đời, vào những điều tử tế. Ông đã trao lại điều đó bằng cách dung dị nhất qua một bài thơ.
Khép lại “Bàn giao”, người đọc không khỏi thấy lòng mình ấm lại. Bài thơ này là một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng mà thấm thía sống sao cho sau này, khi nhìn lại, ta cũng có thể bàn giao cho con cháu mình những điều đẹp đẽ nhất, chân thành nhất của cuộc đời.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/loi-nhan-nhu-giau-triet-ly-nhan-sinh-412050.html