Lợi nhuận doanh nghiệp quý đầu năm: Bất động sản có thể là điểm sáng

Trong lĩnh vực bất động sản, lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ việc dòng vốn FDI trở lại mạnh còn bất động sản nhà ở hồi phục nhờ vào tiến độ bàn giao các dự án được đẩy nhanh.

Khi mà mùa công bố kết quả lợi nhuận doanh nghiệp quý 1 chuẩn bị bắt đầu và ngày công bố quyết định liên quan nâng hạng thị trường chứng khoán của tổ chức FTSE trở nên gần hơn, một số chuyên gia đã đưa ra quan điểm của mình.

 Dòng vốn FDI đang tăng trở lại trong đầu năm 2025 với FDI đăng ký và giải ngân tăng trưởng lần lượt 35,5% và 5,4% so với cùng kỳ sẽ hỗ trợ cho bất động sản - Ảnh: Chính Phủ

Dòng vốn FDI đang tăng trở lại trong đầu năm 2025 với FDI đăng ký và giải ngân tăng trưởng lần lượt 35,5% và 5,4% so với cùng kỳ sẽ hỗ trợ cho bất động sản - Ảnh: Chính Phủ

Cần thận trọng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới

Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), việc nhà đầu tư kỳ vọng FTSE Russell ( tổ chức chuyên về các dịch vụ chỉ số tài chính toàn cầu) đưa vào danh sách nâng hạng thị trường chứng khoán ngay từ 8-4 tới đây có thể sẽ hơi sớm. Thị trường có lẽ vẫn nên chờ việc vận hành hệ thống giao dịch mới (KRX).

Nhà đầu tư nước ngoài có thể chờ việc vận hành hệ thống giao dịch mới, nếu ổn thỏa thì tháng 9 sẽ là thời điểm phù hợp hơn để Việt Nam vào danh sách nâng hạng và tháng 3 năm sau có khả năng chính thức được nâng hạng.

"Tuy nhiên, dòng tiền lúc này thực sự đã tích cực. Câu chuyện nâng hạng chỉ là sớm hay muộn, 6 tháng không phải thời gian quá dài nếu so với câu chuyện chờ nâng hạng 20 năm của thị trường chứng khoán Việt", Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank khẳng định.

Theo ông Đức, diễn biến dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức gần đây cũng có những điểm đáng chú ý, trong một tháng vừa qua, tỷ trọng tiền mặt của các quỹ đầu tư đang tăng lên, điều này cho thấy sự phòng ngừa rủi ro của thị trường.

Chuyên gia VPBankS chỉ ra câu chuyện được quan tâm nhất lúc này vẫn là ẩn số căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump. Khi câu chyện này rõ ràng hơn thì mọi thứ sẽ đơn giản.

Thị trường chứng khoán không thích các yếu tố không chắc chắn. Khi thông tin được đưa ra thì nhà đầu tư nước ngoài có khả năng dừng bán, các quỹ đầu tư trong nước cũng mua vào mạnh hơn.

Nhận định về triển vọng thị trường sau khi nâng hạng, đại diện bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán KIS phân tích nếu thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 theo FTSE Russell, phản ứng đầu tiên chắc chắn sẽ rất tích cực trên nhiều khía cạnh.

Trước hết, hàng loạt quỹ đầu tư thụ động (ETF) sẽ phải mua cổ phiếu Việt Nam để cơ cấu danh mục. Chứng khoán KIS ước tính sơ bộ dòng vốn này có thể từ 500 triệu đến 1 tỉ USD (chưa tính các quỹ đầu tư chủ động) đổ vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư cũng sẽ trở nên tích cực hơn khi thị trường được nâng hạng. Cụ thể, Chứng khoán KIS nhận thấy các thị trường từng nâng hạng thường xuất hiện xu hướng tăng giá mạnh trước và ngay sau khi nâng hạng. Trước đây, thị trường Dubai và Qatar đã tăng lần lượt khoảng 90% và 40% từ khi MSCI thông báo nâng hạng đến khi chính thức đưa vào rổ chỉ số.

Một ví dụ khác là Pakistan, thị trường cũng tăng gần 50% sau nâng hạng năm 2017. Vì thế, KIS không loại trừ khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trải qua một đợt tăng giá tương tự khi được nâng hạng trong giai đoạn tới.

Lợi nhuận doanh nghiệp quý đầu năm ra sao?

Theo Chứng khoán MBS, lợi nhuận toàn thị trường có thể ghi nhận mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ trong quý 1 trên mức nền đang cao dần hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp và sản xuất tiêu dùng tiếp tục phục hồi.

Lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 15% so với cùng kỳ nhờ tín dụng đã bắt đầu tăng tốc ngay từ đầu năm. Các ngành đạt mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1 nổi bật gồm bất động sản tăng 719%, khu công nghiệp tăng 61%, năng lượng tăng 41%.

Một số ngành ước tính tăng trưởng lợi nhuận giảm như hàng không giảm 46% so với cùng kỳ do cùng kỳ năm ngoái có lợi nhuận đột biến hay dầu khí giảm 27% do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.

Ngành bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi từ dòng vốn FDI trở lại. Sau khi tăng trưởng chậm vào cuối 2024, dòng vốn FDI đang tăng trở lại trong đầu năm 2025 với FDI đăng ký và giải ngân tăng trưởng lần lượt 35,5% và 5,4% so với cùng kỳ. Kỳ vọng dòng vốn FDI trong năm 2025 tiếp tục là điểm sáng nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất theo chiến lược “Trung Quốc+1” khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang.

Ngành bất động sản nhà ở tiếp tục duy trì đà bàn giao và ghi nhận ở các dự án, lợi nhuận tăng mạnh từ nền thấp năm ngoái. Tại TP. HCM, quỹ đất trở nên hạn chế ở các khu đô thị đã phát triển, kéo theo giá bán đất trung bình của các sản phẩm bất động sản liền thổ tăng vọt, đồng thời dẫn đến chuyển dịch xu hướng nguồn cung sang các khu vực xa hơn, điển hình như nguồn cung dồi dào hơn tại khu vực phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức.

Tại Hà Nội, dự kiến nguồn cung đất liền thổ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, tập trung tại khu vực ngoại thành như Đông Anh và Gia Lâm, đi kèm với đó là giá cả vẫn tăng nhờ hạ tầng phát triển. Trong quý đầu năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản dự kiến đều có sự cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động bàn giao sản phẩm tốt hơn.

Theo phân tích của SSI Reseach đối với kết quả lợi nhuận quý 1 vừa qua, 31 doanh nghiệp được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận dương so với cùng kỳ năm trước, 2 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận đi ngang, trong khi 6 doanh nghiệp còn lại dự kiến suy giảm lợi nhuận.

Tăng trưởng lợi nhuận của quý 1 nổi bật nhất có thể kể đến KBC, các chuyên gia SSI dự báo KBC sẽ bàn giao 30 héc ta đất công nghiệp tại tại khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh trong quý đầu năm, điều này sẽ giúp cho KBC có được tăng trưởng lợi nhuận mạnh, trái ngược với tình hình u ám của quý đầu năm 2025.

FPT được dự báo ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.000 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, nhờ sự đóng góp mạnh mẽ từ mảng công nghệ, đặc biệt là thị trường Nhật Bản.

Với ngành bán lẻ, Thế giới di động (MWG) dự kiến đạt lợi nhuận ròng 1.050 tỷ đồng, tăng 16%, nhờ biên lợi nhuận của chuỗi Bách Hóa Xanh tiếp tục được cải thiện. Digiworld (DGW) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng 7%, đạt 100 tỷ đồng, trong bối cảnh nhu cầu đối với điện thoại di động và máy tính phục hồi chậm.

Đối với FRT, SSI cho rằng doanh nghiệp này có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng ở mức 130 tỉ đồng, nhờ biên lợi nhuận của chuỗi Long Châu cải thiện và chuỗi FPT Shop có lãi thay vì thua lỗ cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận bao gồm KBC, NLG, NT2, POW, FPT, KDH, FRT, DPR, SZC, STB, CTG, VPB, HDB, GVR, MWG, BID, MBB, PVT, ACB, MSB, PNJ, TPB, DGW, SAB, TCB, CTR, HPG, VCB, DRC, VNM và GAS. Trong khi đó, ACV và VIB được dự báo có lợi nhuận đi ngang, còn nhóm doanh nghiệp có mức lợi nhuận suy giảm gồm OCB, GMD, HDG, BSR, PLX và HSG.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/loi-nhuan-doanh-nghiep-quy-dau-nam-bat-dong-san-co-the-la-diem-sang-post841780.html