Lợi nhuận giảm sâu, sầu riêng có hết hấp dẫn?

Lợi nhuận trái sầu riêng mang lại cho người nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sụt giảm nhanh. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của loại 'trái cây vua' này vẫn còn nguyên giá trị khi nhà vườn tiếp tục chuyển đất lúa sang sầu riêng.

Lợi nhuận trái sầu riêng mang lại cho nông dân giảm mạnh. Ảnh: Trung Chánh

Lợi nhuận trái sầu riêng mang lại cho nông dân giảm mạnh. Ảnh: Trung Chánh

Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình xuất khẩu sầu riêng liên tục khó khăn khi thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc “siết” quản lý chất lượng. Điều này, khiến việc mua bán gặp không ít khó khăn, chi phí tăng dẫn đến giá tại vườn cũng sụt giảm không phanh.

Lợi nhuận giảm nhanh

Trao đổi với KTSG Online, ông Phan Văn Cho, ngụ ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết sầu riêng giống RI6 tại vườn đang được thương lái thu mua với giá 30.000-40.000 đồng/kg và 50.000-55.000 đồng/kg đối với sầu riêng Monthong. “Giá bán sẽ chênh lệch giữa các vườn vì phụ thuộc vào tỷ lệ trái đẹp xấu khác nhau”, ông nói và cho biết, vườn có tỷ lệ trái hàng loại A nhiều sẽ có giá cao hơn (sầu riêng được lái thu mua xuất khẩu phân thành hàng loại A, B, C và D).

So với mức giá cao kỷ lục trái sầu riêng đạt được cách đây không lâu, hiện thương lái thu mua tại vườn chỉ bằng 1/4, tức sầu riêng RI6 tại vườn từng đạt mức giá 120.000-160.000 đồng/kg và giống Monthong là 200.000-220.000 đồng/kg.

Sầu riêng giảm giá mạnh khiến lợi nhuận thu được từ loại “trái cây vua” của nông dân ở ĐBSCL hiện chỉ bằng 1/5 thời điểm đỉnh cao. Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ có sự khác nhau giữa các nhà vườn do năng suất không đồng đều vì phụ thuộc vào tuổi cây (cây từ năm tuổi thứ 6 đến 12 thường cho năng suất cao nhất) và điều kiện thời tiết khi xử lý để trái.

Trường hợp của ông Cho, với diện tích 0,4 héc ta cho năng suất thu hoạch đạt 6 tấn trái (tương đương đạt 1,5 tấn/công (1.000m2). “Đợt rồi bán giá 40.000 đồng/kg, tổng thu được 240 triệu đồng”, ông Cho nói.

Với vườn đã xong giai đoạn kiến thiết ban đầu như của ông Cho, chi phí đầu tư từ sau vụ thu hoạch năm trước đến vụ thu hoạch hiện tại khoảng 25 triệu đồng/công, bao gồm phân, thuốc, nhân công, điện, nước... Điều này có nghĩa, tổng chi phí đầu tư cho diện tích 0,4 héc ta là 100 triệu đồng.

Như vậy, sau khi trừ đi chi phí đầu tư, vườn sầu riêng 0,4 héc ta vừa bán cho thương lái của ông Cho đạt mức lợi nhuận 140 triệu đồng, tương đương 35 triệu đồng/công. Nếu so với thời điểm giá đạt mức kỷ lục, lợi nhuận hiện tại chỉ bằng 1/5. Tuy nhiên, đối với những vườn năng suất thấp hơn do bị ảnh hưởng của thời tiết (mưa, nắng) thất thường, thì lợi nhuận sẽ thấp hơn, thậm chí có hộ cũng bị thua lỗ.

Trong đó, ông Nguyễn Thanh Nhã, ngụ xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, hộ nông dân có 1 héc ta diện tích trồng sầu riêng thu hoạch vụ đầu tiên, cho biết năng suất bình quân đạt 700 kg/công (7 tấn/héc ta), giá bán xô tại vườn 35.000 đồng/kg, thu được 245 triệu đồng.

Theo ông, hiện vườn sầu riêng vẫn chưa thu hồi được vốn đầu tư, bởi chi phí đầu tư từ giai đoạn kiến thiết ban đầu đến thu hoạch vụ đầu tiên rất lớn. Các khoản đầu tư gồm cây giống, chi phí lên liếp, điện, nước, nhân công và phân, thuốc chăm sóc trong 5 năm. “Vụ thu hoạch này chưa hoàn vốn”, ông Nhã nói.

Diện tích mở mới để trồng sầu riêng tiếp tục tăng. Ảnh: Trung Chánh

Diện tích mở mới để trồng sầu riêng tiếp tục tăng. Ảnh: Trung Chánh

Trồng mới vẫn bùng nổ

Lợi nhuận từ loại “trái cây vua” giảm mạnh, nhưng đây vẫn là cây trồng đầy hấp dẫn đối với nông dân vùng ĐBSCL nói riêng và nhiều khu vực khác trong cả nước nói chung.

Trao đổi với KTSG Online, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết Trung Quốc “siết” chất lượng chính là nguyên nhân khiến sầu riêng Việt Nam cũng như các quốc gia xuất khẩu khác đều gặp khó. “Trong nghị định thư Trung Quốc ký với các quốc gia sau Thái Lan và Việt Nam, họ bổ sung thêm điều khoản “không được sử dụng phụ gia không phải thực phẩm” cho trái sầu riêng”, ông dẫn chứng.

Chất Vàng O (Auramine O) và Cadimi hiện Trung Quốc áp dụng kiểm tra 100% lô hàng, trong khi các đơn vị được phép cấp giấy xác nhận phía Việt Nam khá ít, chưa kể một số phòng thí nghiệm bị Trung Quốc đình chỉ hoạt động. Điều này khiến việc cấp giấy chứng nhận mất rất nhiều thời gian. “Quy trình lấy mẫu, rồi kiểm tra đến khi ra kết quả thường mất thời gian 7-10 ngày”, ông Nguyên thông tin.

Dĩ nhiên, tình trạng nêu trên đã dẫn đến câu chuyện chi phí chạy container lạnh trong thời gian nằm chờ giấy xét nghiệm tăng, khiến giá thu mua từ nhà vườn sụt giảm mạnh như thực tế đang diễn ra. Hiện nay, sầu riêng ứ đọng ngoài cửa khẩu khá nhiều.

Trong khi đó, số liệu báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho thấy tại bốn cửa khẩu đường bộ, gồm Hữu Nghị, Chi Ma, Na Hình, Nà Nưa và hai lối thông quan Tân Thanh - Pò Chài và Cốc Nam - Lũng Nghịu tại thời điểm 20 giờ ngày 5-5 có 658 xe đang nằm chờ xuất khẩu, trong đó, trái cây chiếm 580 xe.

Câu hỏi được đặt ra, đó là sầu riêng còn hấp dẫn hay không?

Trả lời câu hỏi nêu trên, ông Nguyên của Vinafruit, nhấn mạnh Trung Quốc rất muốn ăn và xu hướng tiêu dùng thời gian tới họ vẫn rất cần sầu riêng. “Sầu riêng bây giờ qua Trung Quốc không phải chỉ ăn tươi, mà còn chế biến thành bánh kẹo nên nhu cầu rất cao”, ông Nguyên nhấn mạnh và cho rằng, vấn đề quan trọng là phải giải quyết được chất lượng.

Ở góc độ sản xuất, ghi nhận thực tế của KTSG Online ở khu vực Đồng Tháp Mười, tức ở các huyện tiếp giáp giữa ba tỉnh của Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp diện tích trồng mới sầu riêng vẫn tiếp tục tăng.

Ông Nguyễn Văn Hồng, nông dân ở xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, xác nhận vừa chuyển đổi 0,7 héc ta đất lúa sang trồng sầu riêng. “Hiện tại giá giảm nhưng tôi tin khi xuất khẩu thông mọi chuyện sẽ khác”, ông nói.

Trong khi đó, ông Cho, xác nhận ngoài 0,4 héc ta diện tích trồng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang ông cùng người con gái tiếp tục mở mới 0,85 héc ta sầu riêng tại xã Thạnh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. “Bây giờ người ta vẫn trồng nhiều lắm, coi vậy chứ sầu riêng còn hấp dẫn”, ông nói.

Khi quan sát thực tế từ góc nhìn trên cao xuống, diện tích lúa ở nhiều địa phương ĐBSCL, nhất là khu vực Đồng Tháp Mười đang bị thu hẹp dần để thay thế cho các loại cây ăn trái, trong đó, sầu riêng đang chiếm ưu thế. Điều này cho thấy, sầu riêng vẫn là loại cây trồng vô cùng hấp dẫn đối với người nông dân, nhất là khi lợi nhuận từ cây lúa quá thấp càng khiến nông dân chuyển dịch mạnh hơn.

Con số thống kê được ông Nguyên thông tin, cho thấy diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam hiện đạt khoảng 170.000 héc ta, trong khi ở thời điểm năm 2021 diện tích chỉ khoảng 60.000 héc ta, tức diện tích đã tăng hơn 2,8 lần. Dĩ nhiên, đây là con số thống kê chưa đầy đủ vì diện tích đang tiếp tục được nông dân mở rộng rất nhanh.

Để ngành hàng sầu riêng khai thác tốt trong bối cảnh thị trường “siết” chất lượng, rõ ràng vấn đề cần quan tâm là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ yêu cầu khách hàng đặt ra.

Sầu riêng sang Trung Quốc giảm mạnh

Số liệu thống kê của hải quan, cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam bốn tháng đầu năm 2025 đạt xấp xỉ 1,61 tỉ đô la Mỹ, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, quí đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 27.000 tấn, trị giá gần 99 triệu đô la Mỹ, giảm 52,7% về lượng và 61,1% về giá trị so với cùng kỳ.Quí đầu năm, xuất khẩu sầu riêng tươi đạt gần 18.200 tấn, trị giá 66,12 triệu đô la Mỹ, giảm 64,7% về lượng và 71,3% về giá trị so với cùng kỳ; sản phẩm đông lạnh đạt hơn 8.700 tấn, trị giá 31,12 triệu đô la Mỹ, tăng 62,7% về lượng và 50,3% về giá trị so với cùng kỳ.

Về thị trường, quí đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường mua sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch đạt trên 49,5 triệu đô la Mỹ, giảm 78,3% so với cùng kỳ, tỷ trọng xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 50,46% trong khi quí đầu năm 2024 chiếm 90,31%.

Thái Lan là quốc gia mua sầu riêng lớn thứ hai của Việt Nam trong quí đầu năm nay, đạt kim ngạch 25,8 triệu đô la Mỹ, tăng 42,7% so với cùng kỳ, tỷ trọng chiếm 26,34% trong khi cùng kỳ năm ngoái chiếm tỷ trọng chỉ 7,17%.

Các thị trường, gồm Hong Kong; Đài Loan và Mỹ là những thi trường nhập khẩu sầu riêng lớn tiếp theo của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu trong quí đầu năm nay lần lượt đạt 10,7 triệu đô la Mỹ; 4,3 và 2,6 triệu đô la Mỹ. Đài Loan là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam lớn nhất trong quí đầu năm 2025, đạt con số hơn 2.906% so với cùng kỳ.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/loi-nhuan-giam-sau-sau-rieng-co-het-hap-dan/