Lợi nhuận Nhiệt điện Phả Lại 'bốc hơi' 77% nửa đầu năm 2025

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II/2025 của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) tiếp tục suy giảm mạnh so với cùng kỳ, do sản lượng điện thương phẩm thấp, chi phí bảo dưỡng tăng vọt và không còn nguồn thu từ cổ tức đầu tư tài chính.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của PPC giảm đến 93% trong quý II/2025

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của PPC giảm đến 93% trong quý II/2025

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2025 của PPC cho thấy doanh thu thuần chỉ đạt 1.900 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (LNST sau lợi ích CĐTS) giảm đến 93% còn vỏn vẹn 6 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong một quý của PPC kể từ đầu 2020 đến nay.

Tổng kết 6 tháng đầu năm, doanh thu PPC đạt 3.500 tỷ đồng ( giảm 22% so với cùng kỳ), trong khi lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 58 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ. Phần lớn lợi nhuận trong kỳ đến từ hoạt động phát điện, với mức đóng góp tương ứng 58 tỷ đồng (giảm 58% so với cùng kỳ).

Ba nguyên nhân chính kéo giảm lợi nhuận, gồm: Sản lượng bán điện trong quý II/2025 giảm 13% YoY, kéo theo tổng sản lượng 6 tháng đầu năm giảm 18%, nguyên nhân chủ yếu do huy động từ nguồn nhiệt điện than yếu. Trong khi sản lượng điện toàn quốc 6 tháng 2025 tăng 2,7% nhờ đóng góp lớn từ thủy điện, thì mảng nhiệt điện than, trong đó có PPC lại giảm 2%;

Chi phí bảo dưỡng tăng cao, PPC đang triển khai kế hoạch đại tu lớn trong năm 2025 với tổng ngân sách dự kiến 832 tỷ đồng, bao gồm đại tu các tổ máy tại Phả Lại 1 và cải tiến hiệu suất tổ S5, S6 tại Phả Lại 2, do đó, chi phí bảo dưỡng và chi phí khác trong quý II tăng 52% YoY và lũy kế 6T tăng 12%.

Không ghi nhận thu nhập từ cổ tức đầu tư tài chính, trong quý II/2024, PPC từng ghi nhận 18 tỷ đồng từ cổ tức chủ yếu từ các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Tuy nhiên, trong quý II năm nay, mục thu nhập này hoàn toàn không xuất hiện, kéo lùi lợi nhuận ròng. Trên bình diện 6 tháng, khoản thu từ cổ tức cũng giảm mạnh về 0, so với mức 113 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Dù PPC ghi nhận một số điểm tích cực như chênh lệch giá đầu ra tăng 4% so với cùng kỳ nhờ chi phí nguyên liệu đầu vào giảm 11%, nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng và các khoản chi phí tăng thêm. Ngoài ra, giá bán điện bình quân (ASP) của PPC cũng giảm 9%, do mặt bằng giá thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) giảm sâu 28% xuống 1.045 đồng/kWh

Mặc dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm có phần kém khả quan, nhưng theo đánh giá sơ bộ, một phần lợi nhuận của PPC được kỳ vọng sẽ ghi nhận trong nửa cuối năm, khi nguồn thu từ cổ tức trở lại, chi phí bảo dưỡng giảm sau giai đoạn cao điểm sửa chữa đầu năm.

Mặt khác, diễn biến thủy văn và cơ cấu huy động nguồn điện từ hệ thống EVN sẽ là yếu tố quyết định triển vọng hoạt động của PPC trong quý III và IV. Nếu thủy điện tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu huy động, PPC có thể gặp áp lực duy trì sản lượng và hiệu quả kinh doanh như trong quý II.

Góc nhìn nhà đầu tư: PPC đang “nghỉ giữa hiệp”?

Kết quả lợi nhuận ảm đạm và sản lượng sụt giảm không bất ngờ với những nhà đầu tư đã theo sát tình hình ngành điện và PPC trong năm 2025. Việc chưa ghi nhận cổ tức tài chính và chi phí bảo dưỡng tăng mạnh đều đã nằm trong tính toán. Do đó, giới phân tích vẫn chưa có động thái điều chỉnh giảm dự báo cả năm, chờ đợi tín hiệu từ quý III trở đi.

Tuy vậy, mức lợi nhuận thấp lịch sử và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROE) chỉ còn chưa đến 2% trong quý II có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong ngắn hạn. PPC hiện vẫn duy trì cổ tức tiền mặt đều đặn và có vị thế tài chính lành mạnh, nhưng hiệu quả hoạt động cốt lõi từ mảng phát điện cần được cải thiện nếu muốn duy trì sức hấp dẫn với nhà đầu tư dài hạn.

Diệu

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/loi-nhuan-nhiet-dien-pha-lai-boc-hoi-77-nua-dau-nam-2025-730165.html