Lợi nhuận rực rỡ, giá điện tăng nhưng cổ phiếu vẫn 'lặng thinh'

Giá điện tăng chưa đủ tạo 'sóng' cho cổ phiếu ngành điện, nhưng theo đánh giá lại là đòn bẩy mạnh mẽ cho lợi nhuận nhiều doanh nghiệp trong năm 2025...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ra thông báo chính thức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, tăng 4,8% từ mức 2.103,11 đồng/kWh lên 2.204,06 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tức tăng thêm 100,94 đồng/kWh. Đây là lần điều chỉnh tăng giá điện thứ tư kể từ năm 2023.

Việc Chính phủ cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện được xem là tín hiệu chính sách đầu tiên tạo nền cho sự hồi phục lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp điện.Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh trong quý 1/2025 lại cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là giữa thủy điện và nhiệt điện.

CUỘC ĐUA LỢI NHUẬN NGÀNH ĐIỆN

Trong số các doanh nghiệp ngành điện, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán: REE) đạt kết quả kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ với doanh thu thuần tăng 13% lên gần 2.070 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 611 tỷ đồng, tăng tới 27% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, nguồn lợi nhuận lớn của REE đến từ các công ty thành viên như Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) và Thủy điện Miền Trung (CHP). Bên cạnh đó, mảng hạ tầng điện cũng mang về 413 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 73%.

Với kế hoạch năm 2025 đề ra mục tiêu doanh thu 10.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.427 tỷ đồng, REE đã hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu và 25% kế hoạch lợi nhuận chỉ sau quý đầu tiên.

Không riêng REE, Thủy điện Miền Trung (mã chứng khoán: CHP) cũng có một quý rực rỡ với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên đến 286%, đạt gần 120 tỷ đồng, trong khi doanh thu tăng 69%. Theo lý giải từ phía doanh nghiệp, sản lượng điện phát tăng mạnh là yếu tố chính, trong khi chi phí thuế tài nguyên và phí môi trường tăng nhẹ nhưng không ảnh hưởng nhiều nhờ chi phí lãi vay giảm mạnh.

Trái ngược với nhóm thủy điện đang lên , các doanh nghiệp nhiệt điện khí như NT2 – Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 có hành trình trở lại đầy nỗ lực sau cú sốc lỗ nặng năm 2024. Quý 1/2025, doanh thu của NT2 tăng phi mã 445%, đạt 1.427 tỷ đồng nhờ sản lượng điện tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức lợi nhuận sau thuế mới chỉ đạt 37 tỷ đồng, dù đã là sự cải thiện rõ rệt so với khoản lỗ 158 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Nếu cần tìm một “ông lớn” có sự cải thiện rõ rệt cả về quy mô lẫn hiệu quả vận hành, thì đó là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã cổ phiếu POW ). Quý 1/2025, sản lượng điện tăng 20%, đạt gần 4,26 tỷ kWh, giúp POW thu về 8.104 tỷ đồng doanh thu và 385 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 26% và 38%.

Điểm sáng đáng chú ý là Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 – “con át chủ bài” của POW đã đem về doanh thu lên tới 3.144 tỷ đồng, cao nhất hệ thống, với giá bán điện bình quân 1.787 đồng/kWh. Các nhà máy điện khí như Cà Mau 1&2 và Nhơn Trạch 2 cũng duy trì mức doanh thu cao, góp phần vào kết quả tăng trưởng chung.

Trong khi đó, Tổng Công ty Phát điện 3 (mã chứng khoán PGV), một trong ba tổng công ty phát điện lớn nhất cả nước đã có màn lội ngược dòng ngoạn mục. Từ khoản lỗ hơn 600 tỷ đồng quý 1/2024, công ty quay trở lại với lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỷ đồng trong quý 1/2025. Doanh thu tăng gần 10%, đạt 10.608 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm mạnh tới 42%, đặc biệt là chi phí lãi vay giảm gần 26%.

PGV cho biết lợi nhuận gộp từ bán hàng và dịch vụ đạt gần 900 tỷ đồng, tăng mạnh nhờ sản lượng điện bán ra cao hơn gần 2 tỷ kWh so với cùng kỳ. Sự phục hồi của PGV càng trở nên đáng chú ý trong bối cảnh doanh nghiệp đang đẩy mạnh cổ phần hóa, chuẩn bị cho một giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ.

THANH KHOẢN THẤP, ÍT TĂNG GIÁ, ĐIỂM CỐ HỮU CỦA NHÓM CỔ PHIẾU NGÀNH ĐIỆN

Mặc dù sau khi có thông báo về việc tăng giá điện và sở hữu nhiều lợi thế trong hoạt động kinh doanh từ biên lợi nhuận cao đến chính sách cổ tức hấp dẫn nhưng nhóm cổ phiếu ngành điện không tăng giá. Chưa kể, từ lâu vẫn mang một đặc trưng là thanh khoản thấp.

Đầu tiên là doanh nghiệp thủy điện, khối lượng giao dịch trung bình của các mã cổ phiếu thủy điện thường dưới 200.000 đơn vị/ngày. Nhiều mã chỉ giao dịch vài chục nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Các mã như TMP (Thủy điện Thác Mơ), TBC (Thủy điện Thác Bà), SJD (Thủy điện Cần Đơn), SHP (Thủy điện Miền Nam) là ví dụ tiêu biểu. Dù hoạt động kinh doanh ổn định và trả cổ tức cao, nhưng thanh khoản của các mã này lại ở mức rất thấp.

Trong phiên giao dịch ngày 13/5, ba trong bốn mã kể trên không hề có biến động giá. Riêng cổ phiếu TBC không ghi nhận bất kỳ giao dịch nào, còn TMP chỉ khớp lệnh vỏn vẹn 900 cổ phiếu.

Thực tế này không chỉ giới hạn trong nhóm thủy điện, mà còn lan rộng đến nhiều cổ phiếu ngành điện khác. Điển hình như cổ phiếu REE, doanh nghiệp đầu tư vào mảng điện và hạ tầng giảm nhẹ 0,43% trong phiên 13/5, xuống mức 68.700 đồng/cổ phiếu với thanh khoản chỉ đạt 620.000 đơn vị. Một ngày trước đó, REE cũng chỉ nhích nhẹ 0,44% với khối lượng giao dịch khoảng 719.000 cổ phiếu. Tính chung cả quý 1/2025, mã này chỉ tăng hơn 2%.

Một trường hợp đáng chú ý khác là NT2, trong phiên ngày hôm nay 13/5, NT2 tiếp tục giảm 0,54%, xuống còn 18.550 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch đạt 513.000 đơn vị. Diễn biến này nối tiếp xu hướng trầm lắng của mã này từ ngày 9/5 đến nay, khi hầu như không có nhiều biến động mạnh. Đáng nói, trong quý 1/2025, cổ phiếu NT2 đã mất hơn 12% giá trị.

Trong khi đó, POW dù biến động theo chiều hướng tiêu cực trong phiên hôm nay khi giảm 1,16% xuống 12.800 đồng/cổ phiếu, nhưng lại ghi nhận thanh khoản vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của ngành, với hơn 8 triệu cổ phiếu được giao dịch. Trước đó, phiên ngày 12/5, POW tăng 1,57% với thanh khoản gần 15 triệu cổ phiếu.

Một điểm sáng hiếm hoi là cổ phiếu CHP, khi ghi nhận mức tăng nhẹ 0,29% trong phiên 13/5, đạt 34.100 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thanh khoản lại ở mức rất thấp, chỉ khoảng 9.500 cổ phiếu. Trước đó, mã này còn giảm mạnh 3,19% trong phiên 9/5 – cho thấy biến động của cổ phiếu này khá nhạy cảm và thiếu ổn định.

Theo báo cáo mới cập nhật của VISRating, ngành điện đang trong giai đoạn phân hóa mạnh, nhưng triển vọng năm 2025 của ngành điện là khá tích cực. Nhiều dự án mới sẽ đi vào giai đoạn vận hành thương mại, góp phần gia tăng sản lượng điện phát và từ đó nâng doanh thu toàn ngành.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện cũng sẽ hỗ trợ cải thiện dòng tiền, đồng thời mở ra dư địa tăng trưởng tốt hơn cho các doanh nghiệp điện lực vốn đã quen với bài toán chi phí cố định cao.

Thiên Ân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/loi-nhuan-ruc-ro-gia-dien-tang-nhung-co-phieu-van-lang-thinh-post560007.html