Lời nói dối của cô giáo

Tiết làm văn ngày hôm nay bỗng sôi nổi lạ thường vì vấn đề tôi đưa ra trong đề văn nghị luận: Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của em về lời nói dối.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Đa số các em đều đồng ý rằng không nên nói dối. Tuy nhiên, phần phản biện của một số học sinh đã đưa ra một quan điểm gây tranh cãi: Trong một số trường hợp nói dối là cần thiết, là có ích…

Học sinh đưa ra nhiều lí lẽ và dẫn chứng để bảo vệ ý kiến của mình. Tôi để các em tự do tranh luận. Bất chợt, cậu học trò tên Nam giơ tay xin phát biểu. Nam không tranh luận với các bạn nữa mà đặt ra cho tôi một câu hỏi: “Đã bao giờ cô nói dối hoặc là nạn nhân của một lời nói dối nào chưa ạ?”.

Câu hỏi của Nam khiến cả lớp bỗng trở nên im lặng, tất cả 40 cặp mắt đang đổ dồn về phía tôi chờ đợi câu trả lời. Tôi mỉm cười nói với cả lớp: Cô sẽ trả lời câu hỏi của Nam bằng một câu chuyện của chính cô.

* * *

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Kí ức như cuốn phim, tua ngược lại từng cảnh từ thuở tôi còn là cô học trò tinh nghịch.

Đó là thời điểm cuối năm lúc tôi đang học lớp 9. Vì không đủ phòng học nên môn nghề của lớp tôi được sắp xếp vào chiều thứ Bảy. Hôm đó, vì cô giáo dạy nghề ốm nên lớp được nghỉ học. Cả lớp sung sướng ra mặt. Đứa nào cũng đưa ra ý kiến của mình:

Giờ này mà về thì phí quá.

Kiếm chỗ nào đi chơi đi chúng mày ơi!

Ừ, đúng đấy.

Đây, mỗi bạn nộp cho tôi 1 nghìn đồng để mua bánh mì mang đi ăn nào.

Các bạn sôi nổi bàn tán, đóng góp. Ruột gan tôi cứ nhộn nhạo cả lên. Tôi rất muốn tham gia cùng các bạn. Nhưng tôi sợ mẹ. Mẹ tôi khá nghiêm khắc. Nếu tôi xin đi chơi xa với các bạn chắc chắn mẹ sẽ không đồng ý. Các bạn lại giục hỏi, tôi bấn loạn nhưng rồi quyết định nộp tiền để đi. Nhưng trước giờ khởi hành, nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định đạp xe về nhà xin phép mẹ.

Mẹ, hôm nay lớp con được nghỉ học, có bạn trong lớp bị ốm nên mẹ cho con đi thăm bạn được không?

Nghe lí do chính đáng, mẹ tôi đồng ý ngay. Thế là tôi nói dối mẹ. Cảm giác ấy cứ cộm lên trong lòng. Nhưng rồi điều đó lập tức tan biến đi như bọt xà phòng khi trước mắt tôi là con thác đang đổ xuống, bọt tung trắng xóa. Cả lớp hò hét đầy phấn khích. Đến khi Mặt trời xế bóng cả nhóm mới lóc cóc đạp xe về nhà.

Sáng hôm sau gặp nhau ở lớp, tôi và các bạn vẫn không ngừng bàn tán về buổi đi chơi chiều hôm trước. Cho đến lúc cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp chuẩn bị cho tiết học đầu tiên mà có đứa còn nháy nhau ra hiệu giờ ra chơi nói tiếp.

Cô chủ nhiệm vừa mở cặp lấy giáo án ra vừa thong thả hỏi:

Hôm qua bạn Lịch ốm có nặng không cả lớp?

Dạ? Em ốm ấy ạ? – Bị nhắc đến tên, Lịch giật mình ngơ ngác hỏi lại cô giáo. Vẻ mặt của bạn ấy khiến cả lớp phì cười. Nhưng cô bất giác giật mình. Sao cô giáo của mình lại hỏi như vậy nhỉ? Rõ ràng bạn Lịch rất khỏe mạnh chứ có ốm đau gì đâu. Hay là…

Sao? Thế bạn Lịch không ốm à? Vậy hôm qua cả lớp đi chơi có vui không? – cô giáo hỏi.

Có tiếng xì xào nổi lên:

Sao cô biết chúng mình đi chơi nhỉ?

Nhưng chúng mình được nghỉ chứ có bỏ tiết học đâu?

Thôi, cô biết cả rồi, thú nhận đi.

Bàn tán thế nhưng không bạn nào dám đứng lên nhận lỗi cả. Bởi cả lớp đều biết việc tự ý đi chơi mà không có sự đồng ý của cô là không đúng. Cô nói giọng nghiêm khắc:

Các em biết việc mình làm là không đúng mà vẫn làm, đã làm rồi lại không dám nhận. Như vậy là đúng hay sai?

Thưa cô, chúng em sai rồi ạ. Chúng em xin lỗi cô – Lớp trưởng và lớp phó đứng lên nhận lỗi thay cho cả lớp.

Cô giáo ra hiệu cho hai bạn ngồi xuống, im lặng một lúc như cố kìm nén cảm xúc lại, rồi cô nói tiếp:

- May mà lần đi chơi này không xảy ra vấn đề gì, chứ nếu không thì cô phải ăn nói thế nào với bố mẹ các em? Lần này sẽ phạt hạ điểm thi đua của cả lớp, và không có lần sau như thế này nữa nhé?

- Dạ, chúng em nhớ rồi ạ - cả lớp đồng thanh đáp.

Giờ học bắt đầu. Nhưng trong khi các bạn nghe cô giảng thì đầu óc của tôi để ở tận đâu. Rõ ràng hôm qua, sau buổi đi chơi về, mẹ tôi không hề la mắng gì cơ mà. Vậy, cô giáo hỏi bạn Lịch bị ốm là có ý gì? Chẳng lẽ có bạn nào trong lớp cũng nói dối mẹ là đi thăm bạn ốm hay sao? Mải nghĩ lung tung, những lời cô giáo giảng chui từ tai này sang tai kia rồi bay đi hết. Tôi chẳng biết cô giáo mình đang nói gì nữa…

Cuối buổi học hôm đó, cô giáo nhờ tôi ở lại thu dọn bộ dụng cụ thí nghiệm vừa học. Khi trong lớp không còn ai, cô giáo mới gọi tôi lại gần, khẽ hỏi:

Thùy có biết hôm qua cô gặp mẹ em ngoài chợ không?

Tôi giật mình vội hỏi: Cô gặp mẹ em ạ?

Phải, cô gặp mẹ. Và mẹ hỏi cô lớp mình có bạn nào bị ốm mà cả lớp đi thăm?

Vậy… vậy cô nói thế nào ạ? – Tôi lí nhí hỏi, mắt nhìn xuống chân không dám ngẩng mặt lên nhìn cô.

Cô bảo mẹ thế này: À, hôm qua đang học, bạn Lịch bị đau bụng phải về giữa chừng mà hôm nay không thấy bạn ấy đi học nên chắc các bạn tổ chức đi thăm đấy chị ạ.

Cô… em... cô… - Tôi lắp bắp, nói không nên lời. Mà thực ra trong đầu tôi bây giờ hoàn toàn trống rỗng, không nghĩ ra lời nào để nói nữa. Cô giáo cũng nói dối mẹ tôi. Vì tôi? Tôi còn biết nói gì được nữa?

Cô rất buồn nhưng cũng rất thương em, Thùy ạ. Nếu hôm qua, cô nói đúng sự thật thì em chắc chắn sẽ bị mẹ phạt. Còn khi cô đã xác nhận với mẹ lời em nói là đúng tức là cô đã không trung thực với mẹ em.

Tôi xấu hổ, im lặng, giọt nước mắt bắt đầu lăn trên má.

Cô giáo nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay tôi và nói tiếp:

- Bà mẹ nào cũng thương con, mẹ nghiêm khắc cũng là vì em thôi. Cô tin nếu em nói thật thì mẹ cũng sẽ đồng ý để em đi chơi với bạn bè. Vì ngoài giờ học thì các em cũng cần giải trí mà. Chẳng qua, việc các em làm căn bản đã sai ngay từ đầu.

Các em tự ý tổ chức đi chơi xa mà không có người lớn đi cùng, ngay cả cô cũng không đồng ý. Khi cô biết cả lớp đi chơi, cô đã đi tìm ở vài nơi nhưng không gặp. Các em có biết cô lo đến thế nào không? Mãi đến chiều khi gặp bạn Chung, hỏi ra mới biết các em đã về nhà an toàn cả rồi cô mới yên tâm đấy.

* * *

Sau khi kể đến đây, tôi im lặng nhìn học sinh của mình. Học trò dưới lớp nhao nhao hỏi:

Cô ơi, rồi sao nữa ạ? Cô có bị phạt không ạ?

Tôi nhìn học trò của mình, thành thực nói:

- Mặc dù không bị phạt, nhưng những lời dạy của cô giáo cũ lại luôn khắc ghi trong lòng cô. Các em cũng hãy thử suy nghĩ về câu chuyện cô vừa kể nhé.

Trống báo hết tiết vừa vang lên. Học trò đứng lên chào, tôi xách cặp bước ra khỏi lớp mà trong lòng vẫn còn bao dư âm của câu chuyện xưa. Tiết trả bài ngày hôm nay với cô trò chúng tôi thật nhiều cảm xúc…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trang-viet-nha-truong/loi-noi-doi-cua-co-giao-lUa9CoFnR.html