'Lỗi' ở cả khâu quản lý và sức cạnh tranh
Đúng như 'kịch bản', khi nào nhu cầu trong nước tăng thì có tình trạng nhập lậu. Giờ dịp tết lại chứng kiến tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới vào Việt Nam. Tình hình này làm cho người chăn nuôi trong nước tỏ ra lo lắng.
Mà lo cũng phải thôi, ngành chăn nuôi trong nước, cụ thể là nuôi lợn có vẻ như khó cạnh tranh được. Đồng Nai là “vựa” chăn nuôi lợn rất lớn nhưng theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thì hiện giá thành lợn hơi tại Việt Nam vào khoảng 54.000 đồng/kg, trong khi đó tại Campuchia giao động từ 42.000 - 48.000 đồng/kg. Nếu đúng như vậy thì chúng ta thua về giá là cái chắc. Dù có cộng thêm chi phí vận chuyển và có thể có những chi phí “không tên không tuổi” khác, khi về đến Việt Nam vẫn cứ rẻ hơn. Chưa nói về chất lượng, chỉ nói về giá thôi chúng ta biết “lợn ngoại” cạnh tranh được với lợn trong nước. Nếu không cạnh tranh được, không bán được thì họ chẳng nhập lậu để làm gì? Chẳng những thế, khả năng nếu buôn lậu trót lọt thì có thể lời “đậm”. Cái này có thể hiểu được bởi đã nhập lậu thì chứa đựng nhiều rủi ro, kể cả rủi ro pháp lý. Nếu không lời nhiều, người nhập lậu không dễ gì chấp nhận đánh đổi với rủi ro. Bản chất của chuyện nhập lậu là vậy - “được ăn cả, ngã về không”, chính lợi nhuận cao là động lực thúc đẩy họ thực hiện việc nhập lậu.
Có hai vấn đề cần nhìn nhận và xử lý trong việc này.
Thứ nhất, cần soát xét lại công tác quản lý. Xem thử chúng ta có lỗ hổng ở chỗ nào. Cách đây chưa lâu thì cũng rộ lên sự lo lắng nhập khẩu lậu gà giống. Giờ thì là lợn thịt. Vận chuyển gia súc, gia cầm sống không phải là chuyện dễ. Phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu nào đó mới vận chuyện được. Ví dụ như phải đảm bảo điều kiện để gà giống, lợn thịt vận chuyển không phải chết dọc đường, nếu điều này có xảy ra thì phải là một tỷ lệ rất ít. Rồi còn số lượng, một chiếc xe phải chở một số lượng bao nhiêu đó mới gánh được chi phí vận chuyển ở mức thấp nhất, tức là phải vận chuyển với số lượng lớn. Ở đây chúng ta thấy có lỗ hổng về mặt quản lý, trong đó không loại trừ một số trường hợp lực lượng chức năng “làm ngơ”? Chúng ta nghĩ gì về hai phát biểu sau đây. Thứ nhất là của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Quy định có rồi (quy định về kiểm soát gia súc, gia cầm qua biên giới - PV), vấn đề là khâu tổ chức thực hiện, các địa phương, ngành chức năng như thế nào. Chúng ta phải xem chống lợn nhập lậu như là nhiệm vụ chính trị”. Phát biểu thứ hai là của ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y: “Xe chở lợn là xe to như thế, lợn kêu inh ỏi… làm sao mà không biết?”. Ít nhất trong các phát biểu trên nó cũng “hé lộ” cho chúng ta một điều - chúng ta thực hiện nhiệm vụ chính trị trong việc này chưa tốt. Đã chưa tốt thì phải soát xét làm lại cho tốt, thế thôi, kể cả việc xử lý trách nhiệm.
Trước tình trạng nhập lậu nó cũng nói lên một điều khác, mà có lẽ đây là điều quan trong nhất của ngành chăn nuôi - “ hàng nội” của chúng ta chưa có sức cạnh tranh mạnh mẽ với “hàng ngoại”, dù là hàng nhập lậu. Như ở phần đầu bài đã nêu, người ta làm ra thấp nhất là 42.000 đồng/kg lợn hơi, cao nhất là 48.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi chúng ta xoay quanh 54.000 đồng/kg. Chưa nói chuyện khác, chỉ nói về giá đã thấy thua ngay “trên sân nhà”. Về giá, một mình người chăn nuôi không thể làm được mà cần có sự hợp tác của những nhà cung cấp các sản phẩm đầu vào và đầu ra. Ví dụ như sản phẩm đầu vào là thức ăn, thuốc thú y, các loại vật tư cần thiết cho chăn nuôi. Ở khâu đầu ra là tổ chức lại khâu phân phối và chế biến. Một miếng thịt lợn ra đến chợ là phải qua bao nhiêu tầng nấc trung gian, cho nên giá bị đẩy lên cao, rất khó cạnh tranh.
Tết đã gần kề, giờ là lúc không phải bàn giải pháp mà phải triển khai ngay khâu quản lý, kiểm soát.