Lời ru - 'Hát nuôi phần hồn'!
Theo nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Ohio (Mỹ) thì thai nhi tuy nằm trong nước ối và được bao bọc bởi nhiều lớp cơ, màng nhưng đã bắt đầu nghe được tiếng động từ tháng thứ 4 (dù đến tháng thứ 6 tai nghe mới hoàn thành). Nếu có sự kích thích của âm thanh 5 giây sẽ ảnh hưởng tích cực đến nhịp tim thai nhi dài 1 tiếng đồng hồ. Trong đó giọng của mẹ quan trọng nhất nhờ cường độ vừa đủ truyền theo cơ thể đi thẳng vào tử cung.
Lại có những thí nghiệm khác. Nếu trẻ sơ sinh thiếu tháng được nghe bài “Lullaby” (một bài hát ru nổi tiếng) 5 phút, 6 lần mỗi ngày sẽ lớn nhanh hơn những trẻ cùng hoàn cảnh. Với trẻ bắt đầu có nhận thức nếu được kích thích bằng hát ru 10 phút thì phản xạ vận động tốt hơn nhiều so với trẻ không được nghe. Kết quả các thí nghiệm đều khẳng định hát ru là những kích thích rất có lợi không chỉ cho sự phát triển ngôn ngữ, tâm lý mà còn cả phát triển thể chất nữa. Thì ra câu thơ của Nguyễn Duy “Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa) không chỉ hay về biểu cảm nghệ thuật mà còn đúng về khoa học.
Lại nữa, một nghiên cứu khác cho thấy hát ru bằng những nguyên âm không thành câu tức hát không rõ lời sẽ dễ làm trẻ ngủ hơn là hát thành bài có câu cú rõ ràng. Lý do là não chưa phát triển nên trẻ tiếp nhận qua giai điệu chứ không phải bằng ca từ. Trẻ nhạy cảm với thứ âm thanh có nhịp điệu đều đặn, nhẹ nhàng gần với nhịp điệu từ trái tim người mẹ mà nó được nghe từ trong bụng mẹ. Thật đúng với triết lý sâu sắc của người Việt: “Mẹ sao con vậy”, “Giỏ nhà ai quai nhà nấy”… Vai trò của người mẹ với đứa con quả là vô cùng. Con có “trả ơn” mẹ “bằng giời bằng biển” cũng không sánh được với công lao bậc sinh thành. “Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con” còn là vậy!
Thế nên hầu như ngôn ngữ nào cũng có hát ru miễn là có trẻ em và người mẹ. Hầu như cũng có chung đặc điểm giai điệu du dương nhẹ nhàng sâu lắng. Về đặc trưng này, giới âm nhạc ghi nhận ngôn ngữ tiếng Tamil (miền Nam Ấn Độ) có lời hát ru tên là"Thaalattu" hay lời hát "Oyayi" ở Philippines,… rất quyến rũ. Phổ biến, bình dân như vậy nên hát ru còn lấn sang các thể loại âm nhạc (hiện tượng ru hóa) khác. Dòng nhạc pop trứ danh cũng có những bài hát ru nổi tiếng thế giới như “Good night” của nhóm The Beatles hay “Lullaby” của nhóm Billy Joel…
Theo nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc lời ru đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách trẻ. Trong lời ru có lời răn dạy, cao hơn cả là sâu sắc, ấm áp một tình thương, trách nhiệm của cha mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm đứa con từ khi cất tiếng chào đời. Một văn bản lời ru tồn tại trong nó đa phong cách, vừa là nghệ thuật, vừa là tâm lý, là giáo dục, là lịch sử… Đó là một văn bản đa hướng (hướng tới nhiều đích), đa thoại (nhiều đối thoại) và liên văn hóa (thẩm thấu các tinh hoa văn hóa nhiều vùng miền qua sự tiếp biến)… Xin được phần nào chứng minh những điều này.
Hầu như là người Việt thì ai cũng thuộc bài hát “Ru con” vì lý do là các bà mẹ từ đồng bằng Bắc bộ đến đồng bằng Nam bộ đều thường dùng để hát ru con. Các khảo sát xã hội học cho thấy văn bản gốc bắt nguồn từ miền Bắc rồi đi vào miền Nam như một lẽ tự nhiên vì cùng một cơ thể Tổ quốc, cùng một tâm hồn…
Giai điệu lời hát mang tính kinh điển cho lối gieo vần bằng/ trắc để tạo lời ru trầm bổng: “Gió mùa thu… mẹ ru mà con ngủ…/ Năm canh chày… năm canh chày… thức đủ vừa năm…/ Hỡi chàng chàng ơi… hỡi người người ơi…/ Em nhớ tới chàng… em nhớ tới chàng…/ Hãy nín nín đi con/ Hãy ngủ ngủ đi con/ Con hời mà con hỡi… con hỡi con hời…/ Con hỡi con hời…/ Hỡi con…”.
Câu đầu có hai thanh trắc (gió, ngủ) ở vị trí đầu và cuối câu, giữa câu toàn thanh bằng (mùa thu... ru mà con) đột ngột nổi lên một thanh trắc (mẹ). Ở câu hai giữa câu toàn thanh bằng (Năm canh chày… năm canh chày… em… vừa năm…) nổi lên hai thanh trắc (nhớ tới) tạo ra một âm hưởng cao thấp đều đặn, du dương đưa trẻ vào giấc ngủ. Con ngủ rồi thì người mẹ “đối thoại” với “đối tượng” khác: “Hỡi chàng chàng ơi… hỡi người người ơi…/ Em nhớ tới chàng… em nhớ tới chàng…”. “Chàng” ở đây là người chồng, “Người” ở đây cũng là chồng. Gọi thế thì mới diễn tả được một hình ảnh người chồng vừa gần gũi (chàng) vừa xa lạ (người), vừa yêu thương vừa có gì đấy hờn dỗi… Bài này có tên “Ru con” nhưng gọi đúng với nội dung phải là “Ru chồng” (!?).
Cùng cấu trúc giai điệu, một bài ru con khác của dân ca Nam bộ cho thấy bóng dáng của một lịch sử chiến tranh giữ nước: “Chí làm trai… say mê mà giữ nước…/ Em nỡ dạ nào… em nỡ dạ nào… trách mối tình ai…/ Hỡi chàng chàng ơi… hỡi người người ơi…/ Em nhớ tới chàng… em nhớ tới chàng…/ Hãy nín nín đi con…”. Đối tượng hướng tới trong bài nổi lên trước hết là “chàng”, là “người”; sau là đứa con thơ rồi với cả chính người ru, tức người vợ. Điệp khúc “em nỡ dạ nào” không chỉ khẳng định với chồng, còn là lời nhắn nhủ với chính mình. Chỉ qua lời ru mà có thể hình dung ra những hình tượng người vợ, người mẹ thương con thương chồng, vị tha, vì nghĩa lớn mà chịu hy sinh…
Qua phép đối sánh dễ thấy một đặc điểm nội dung hát ru phương Tây thường hướng về đối tượng ru là đứa trẻ, tức một chiều nhưng lời hát ru Việt Nam thường đa chiều, tức hướng về nhiều đối tượng. Có một hướng rất đáng chú ý là hướng vào trong đáy lòng người ru, tức hướng nội. Cũng dễ cắt nghĩa, vì sống trong khuôn phép giáo lý phong kiến phương Đông người phụ nữ bị ràng buộc, bị o ép, bị tước quyền nói. Mà ai cũng có nhu cầu đối thoại, nên với họ ngả đường đối thoại hầu như duy nhất là hát ru, mượn lời ru để bộc bạch nỗi lòng.
Thế nên lời hát ru Việt giàu tình cảm nhưng đượm buồn, nhiều khi đến não nùng và đậm chất triết lý: “Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh…/ Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi…/ Ầu ơ… Khó đi mẹ dắt con đi…/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Trời đất, các con đường vào trường học và trường đời đều khó cả, tất nhiên vào “trường học” thì đầy tương lai. Nhưng bao nhiêu khó khăn mẹ giành hết để “dắt con đi”. Vì con, mẹ chấp nhận vượt “cầu” dù cầu có “đóng đinh”, có “lắc lẻo gập ghềnh” để đi “trường đời”… Người mẹ, người vợ ấy cao thượng đến quên mình nhưng có gì đấy cam phận, ngậm ngùi: “Ầu ơ… Gió đưa bụi chuối sau hè…/ Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ…/ Ầu ơ…/ Con thơ tay ẵm tay bồng…/ Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông”...
Ở Việt Nam, dân tộc nào cũng có hát ru, tiêu biểu như Hát ru (người Kinh), Ú lục (Thái, Tày), Um con (Bana), Khổng mí nhủa (Mông)... Nhiều dân tộc có chung đặc điểm không chỉ là hát ru cho trẻ thơ mà còn hát ru nhau, nhất là với những nam thanh nữ tú đang yêu, mượn lời ru làm cánh để trao gửi tình yêu. Lời ru lúc này tươi vui lạ thường: “Cánh cò bay lả bay la/ Bay từ, từ cửa phủ bay ra, ra cánh đồng/ Tình tính tang, là tang tính tình/ Duyên tình rằng, ấy duyên tình ơi/ Rằng có nhớ, nhớ hay chăng?/ Rằng có biết biết hay chăng?”. Cánh cò trắng chấp chới ngoài không gian đồng ruộng. Cánh cò tình yêu chấp chới bay trong bầu trời văn hóa, bay trong tâm hồn tuổi thơ rồi đậu vào những trái tim đang yêu…
Có nguồn gốc xã hội gắn liền với lao động, tập quán, đời sống sinh hoạt gia đình, hát ru thường mang tính chất ngụ ngôn, lời ca phong phú, mang nhiều hình ảnh, tâm trạng nỗi niềm. Với đặc tính ấy nên lời ru gắn liền với ca dao trữ tình. Cấu trúc lời ru thường có sự liên kết câu ru và tiếng đưa hơi. Chịu sự quy định của thổ âm mà hát ru miền Bắc tiếng đưa hơi là “à ơi”, miền Nam là “ầu ơ”. Ngoài ra sử dụng những tiếng đệm lót để tạo giai điệu (í a, ư ừ, hỡi hời…) cũng là cách tăng cường khả năng biểu cảm cho lời ru. Để làm phong phú kho tàng hát ru rất cần đến sự sáng tạo của những nhạc sĩ tài năng. Không chỉ riêng các bà mẹ và các em thơ mà tất cả chúng ta chờ đón thêm những bài tuyệt vời như bài “Mẹ yêu con” của Nguyễn Văn Tý.
Không chỉ hay về giai điệu, đẹp về ca từ, bài hát vẽ lên một hình tượng thiên thần: “Miệng con chúm chím xinh xinh/ Như đài hoa đang hé trên cành/ Khát nắng mới và sương lành/ Lá thắm rung cánh tay ôm ấp lấy hòa bình/ A á ru hời ơi hời ru”. Bài hát mở ra cả một chân trời của hy vọng và tình thương: “Tương lai con đẹp lắm/ Mẹ hát muôn lần/ A á ru hời ơ hời ru…”.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/loi-ru-hat-nuoi-phan-hon--i694026/