Lợi thế của độc quyền trong ngành kim cương

Độc quyền là lợi thế lớn trong kinh doanh. Khi một công ty độc quyền về mặt hàng nào đó, họ có thể thao túng cả cung lẫn cầu của thị trường và dễ dàng định giá món hàng.

 Kim cương là loại đá quý có mức giá đắt đỏ do các công ty trong lĩnh vực này tìm cách thao túng giá cả. Ảnh: L.X.

Kim cương là loại đá quý có mức giá đắt đỏ do các công ty trong lĩnh vực này tìm cách thao túng giá cả. Ảnh: L.X.

Hai trăm năm trước, kim cương mới chỉ được tìm thấy dưới các lòng sông của Ấn Độ và trong các rừng rậm Brazil. Như vậy là lượng cung - cầu đã giải thích về giá tương đối giữa nước và kim cương.

Nước luôn luôn dồi dào và do vậy nó rất rẻ. Trong khi đó, kim cương hiếm hơn nhiều và vì thế cũng đắt hơn rất nhiều. Vậy thì phải chăng đây đã không còn là nghịch lý nữa? Chưa hẳn như vậy.

Điều khó hiểu chính là ở chỗ vì sao kim cương cho đến tận bây giờ vẫn đắt như vậy? Giá kim cương rất cao đã khiến nhiều người đổ đi tìm kiếm những nguồn kim cương mới. Vào những năm 1870, các mỏ kim cương lớn được phát hiện ra ở vùng Transvaal thuộc Nam Phi. Trữ lượng kim cương lớn cũng được tìm thấy ở Angola, Australia, Botswana, Namibia và nước cộng hòa Zaive.

Vào những năm 1960, nước Nga đã tìm được cách khai thác một phần trữ lượng kim cương khổng lồ dưới những tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu của vùng Siberi. Hiện nay đây là quốc gia sản xuất đá quý chất lượng cao hàng đầu thế giới.

Trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến 1985, tổng sản lượng kim cương trên toàn thế giới đã tăng từ 15 triệu đến 40 triệu cara mỗi năm. Tiếp đó, từ năm 1985 đến 1996, con số này đã tăng hơn gấp đôi, tới trên 100 triệu cara. Có thể nói ngày nay, kim cương đã không còn là của hiếm.

Chúng ta đã nói đến một phía của đẳng thức - phía cung. Về phía cầu, nhu cầu đối với kim cương cũng đã trở nên ổn định hơn nhiều so với trước. Nó chủ yếu chịu ảnh hưởng từ các yếu tố về dân số, chẳng hạn như số người kết hôn hàng năm.

Với lượng cung ngày càng tăng trong khi cầu vẫn tương đối ổn định, vì sao giá kim cương vẫn cao đến vậy? Có vẻ như nghịch lý nước - kim cương ngày càng tăng trong thời đại ngày nay so với thời của Adam Smith.

Chỉ có một lời giải thích, đó là DeBeers. Công ty Nam Phi này chiếm vị thế độc quyền trên thị trường kim cương thế giới. Gần như tất cả kim cương trên thế giới đều được bán qua hệ thống phân phối của DeBeers, được biết đến với tên gọi Trung tâm Tổ chức Bán sản phẩm. Thậm chí cả Nga cũng cam kết bán 95% kim cương của mình qua DeBeers.

Còn nhiều điều đáng nói hơn nữa. DeBeers giữ nguồn cung. Tập đoàn này chỉ tổ chức bán kim cương 10 lần mỗi năm - 10 lần "ra mắt" theo cách nói trong lĩnh vực này, và chỉ chọn ra 150 nhà buôn kim cương để mời tham gia. DeBeers tự quyết định mức cung cấp mà họ cho là phù hợp.

Mỗi người được mời khi đó sẽ nhặt lấy những viên đá cuội trong một chiếc hộp đựng giày bình thường màu nâu. Chỉ có hoặc lấy hoặc bỏ về, và các đại lý kim cương thường đều nhặt lấy.

Những đại lý nào mưu tính gây khó khăn cho DeBeers bằng cách tích trữ, đầu cơ hay tham gia vào thị trường chui sẽ không bao giờ hy vọng được mời đến vào các lần ra mắt sau. Không bao giờ có chuyện thiếu những đại lý mong muốn có một chỗ cho mình trong các buổi ra mắt đó.

Cùng với việc kiểm soát cung, DeBeers cũng quản lý cả cầu. Người ta đánh giá kim cương rất cao bởi vì họ cho rằng chúng rất khan hiếm. Thực tế thì chúng không hiếm, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì cả. Điều quan trọng là các cảm nhận cho rằng chúng hiếm.

Cảm nhận về sự hiếm hoi đã khiến cho kim cương trở thành sự lựa chọn lý tưởng với nhẫn cưới, dĩ nhiên là có một chút hỗ trợ thêm từ các chương trình quảng cáo dài hơi của DeBeers. Thực tế là nhẫn cưới bằng kim cương đã trở thành một "truyền thống" mới ở Nhật Bản. Năm 1967, chỉ một trong 20 cặp mới cưới trao nhẫn kim cương. Bây giờ, điều này gần như là phổ biến ở nước này.

DeBeers còn sử dụng quảng cáo để nhào nặn trò chơi theo các cách khác nữa. Họ muốn những người mua kim cương sẽ giữ chúng mãi mãi. Điều này ngăn cản sự cạnh tranh từ thị trường thứ cấp.

Để người ta không bán kim cương đi, DeBeers đã đưa ra một chiến dịch vận động có tiêu đề "kim cương vĩnh cửu". Để đối phó với việc nước Nga gia tăng xuất khẩu kim cương hạng trung bình, DeBeers đã tung ra "chiếc nhẫn vĩnh cửu" để tặng trong các ngày lễ có gắn những hạt kim cương bậc trung đó.

Tuy nhiên, bất kể những nỗ lực của mình, DeBeers vẫn không thể giữ cho nhu cầu luôn luôn đi trước nguồn cung đang tăng lên nhanh chóng. Vì vậy, để duy trì tình trạng kim cương tiếp tục khan hiếm, DeBeer đã phải tích trữ ngày càng nhiều đá quý trong các kho của mình.

Trong khi DeBeer đã bán ra một lượng kim cương với giá trị kỷ lục là 2,5 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm 1994 thì cho đến tháng 6 năm đó, tồn kho của tập đoàn này đã lên tới 4 tỷ USD, gấp đôi mức trước đó một thập kỷ.

Adam M. Brandenburger & Barry J. Nalebuff/ Bách Việt Books & NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/loi-the-cua-doc-quyen-trong-nganh-kim-cuong-post1543367.html