Lợi thế trồng, chế biến ca cao

Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) có diện tích trồng cây ca cao lớn thứ 2 cả nước nhưng đang đứng đầu cả nước về sản lượng ca cao nhờ có lợi thế về thổ nhưỡng và đội ngũ nông dân có tay nghề giỏi. ĐNB cũng là một trong những vùng được định hướng phát triển mạnh cây trồng này trong thời gian tới.

Vùng trồng ca cao tại huyện Định Quán của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức. Ảnh: B.Nguyên

Vùng trồng ca cao tại huyện Định Quán của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức. Ảnh: B.Nguyên

Đặc biệt, vùng ĐNB thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn đầu tư nhà máy chế biến, xuất khẩu mặt hàng này. Đây cũng là vùng có nhiều tỉnh, thành đầu tư được vùng sản xuất theo chuỗi khép kín từ trồng, chế biến, xuất khẩu ca cao theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đứng đầu về sản lượng, năng suất

Hiện cả nước có 3.471 hécta cây ca cao, riêng ĐNB có gần 1,4 ngàn hécta. Tuy Tây Nguyên là vùng có diện tích ca cao lớn nhất nước với gần 1,7 ngàn hécta nhưng ĐNB mới là vùng trồng ca cao đạt năng suất cao nhất nước. Cụ thể, năng suất ca cao bình quân của vùng ĐNB là 22,9 tạ/hécta, khu vực Tây Nguyên chỉ đạt bình quân 13,8 tạ/hécta, khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 13 tạ/hécta... Theo đó, vùng ĐNB tuy chỉ chiếm 40% về diện tích trồng ca cao nhưng lại chiếm 48% sản lượng ca cao của Việt Nam.

Đạt được kết quả trên không chỉ vì các địa phương thuộc vùng ĐNB thuận lợi về điều kiện tự nhiên mà nhiều tỉnh, thành có lịch sử gắn bó với cây ca cao. Thời hoàng kim, nhiều tỉnh như: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển được cả ngàn hécta ca cao.

Với diện tích cây ca cao hơn 623 hécta, Đồng Nai là tỉnh thuộc tốp đầu khu vực ĐNB về diện tích trồng ca cao. Tỉnh cũng đứng đầu cả nước về năng suất ca cao, đạt 26,6 tạ/hécta.

Ông Đường Dĩ Tấn, phụ trách thu mua ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) nhận xét, hiện năng suất, chất lượng ca cao trồng tại khu vực ĐNB nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng, cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước, nhờ thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu. Cụ thể, ca cao trồng ở vùng đất đá Định Quán khi trồng và chăm sóc cây vất vả hơn so với các vùng đất khác nhưng đất đá lại giúp thoát nước tốt, lớp lá của cây ca cao khi cắt tỉa được tận dụng che phủ đất, để tự oai mục làm nguồn phân hữu cơ lại có tác dụng giữ ẩm tốt nên cây ca cao trồng trên vùng đất này cho năng suất cao nhất. Chất đất cũng tạo nên hạt ca cao chất lượng ngon, hương vị đậm đà.

Tại Việt Nam, việc sản xuất ca cao chủ yếu theo chứng nhận UTZ (là một chương trình canh tác bền vững trên toàn thế giới). Đến nay, cả nước có gần 370 hécta ca cao đạt chứng nhận UTZ. Trong đó, Đồng Nai là địa phương đi đầu và có diện tích ca cao được chứng nhận UTZ lớn nhất nước với hơn 200 hécta.

Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có diện tích cây ca cao đứng thứ nhì cả nước với 625 hécta. Trong đó, cây ca cao phát triển tập trung ở huyện Châu Đức. Địa phương này đã thành lập được Hợp tác xã Ca cao Châu Đức làm đầu mối liên kết với nhiều DN chế biến lớn trên địa bàn tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Địa phương này đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng ca cao theo tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu khó tính.

Thời gian qua, các DN đầu tư chế biến sâu ca cao ở vùng ĐNB thường xuyên hợp tác với các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh trong đầu tư nghiên cứu giống ca cao; nghiên cứu đa dạng các sản phẩm chế biến từ ca cao. Cụ thể, Trường đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức thực hiện các đề tài nghiên cứu chế biến các loại thực phẩm, nước uống có giá trị kinh tế cao từ các phế phẩm của trái ca cao như: sản xuất bánh cookie và mì ăn liền không chiên bổ sung bột vỏ quả ca cao; quy trình sản xuất xúc xích chay và pectin từ bột quả ca cao; quy trình sản xuất nước uống dinh dưỡng từ thịt quả ca cao...

Hình thành chuỗi sản xuất bền vững

Vùng ĐNB có lợi thế hơn các địa phương khác là tập trung được các tập đoàn, công ty lớn trong xuất khẩu, chế biến sản phẩm ca cao. Ngoài các tập đoàn nước ngoài, vùng ĐNB có nhiều DN trong nước đầu tư chế biến sâu sản phẩm từ trái ca cao hiện đã có tên tuổi trên thị trường như: Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (tỉnh Đồng Nai); Công ty CP Ca cao Việt Nam (Vina Cacao - Thành phố Hồ Chí Minh); Công ty TNHH Dịch vụ thương mại ca cao Thành Đạt, Công ty CP Binon Cacao (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); Công ty TNHH Puratos Grand Place Việt Nam (tỉnh Bình Dương); Công ty CP Sôcôla MAROU (Thành phố Hồ Chí Minh)...

Ngoài xuất khẩu hạt ca cao khô, các công ty này còn đầu tư chế biến sâu các dòng sản phẩm như: bột ca cao, bơ ca cao, bánh kẹo, sữa, rượu, nhất là sôcôla... tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tiêu biểu như Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đã đầu tư hàng triệu USD vào nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu. Ngoài xuất khẩu hạt ca cao thô, hiện công ty có gần 30 sản phẩm chế biến sâu như: sôcôla, rượu ca cao, bột ca cao... tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa và đã có nhiều sản phẩm tiêu biểu được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhiều sản phẩm của DN này đạt OCOP 4 sao, không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà xuất khẩu được vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc... DN này cũng là chủ đầu tư một dự án cánh đồng lớn cây ca cao tại Đồng Nai. DN cũng đầu tư vùng nguyên liệu ở nhiều tỉnh, thành khác với tổng diện tích vùng nguyên liệu lên cả ngàn hécta.

Công ty TNHH Dịch vụ thương mại ca cao Thành Đạt đã xây dựng chuỗi liên kết từ trồng đến chế biến ca cao. Đến nay, Thành Đạt đã liên kết với nông dân mở rộng diện tích trồng ca cao tại huyện Châu Đức lên hơn 300 hécta. DN này cũng đầu tư chế biến sâu, sản phẩm chế biến xuất khẩu tốt trên thị trường thế giới.

Chế biến các sản phẩm từ ca cao tại Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức.

Chế biến các sản phẩm từ ca cao tại Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức.

Tham gia hội thảo thường niên của Câu lạc bộ Ca cao ASEAN lần thứ 24 vừa diễn ra tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), giáo sư Divina M. Amalin, thuộc Ban Điều phối ca cao Philippines, nhận xét Việt Nam nói chung, vùng ĐNB nói riêng, có tiềm năng phát triển ca cao rất đặc biệt so với các nước trong khu vực như: đất đai, kỹ thuật tốt và lợi thế về tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành ca cao, Việt Nam cần phải có quy trình canh tác bền vững; phát triển ca cao theo hướng không tăng về diện tích, số lượng mà tập trung vào thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và chế biến sâu. Tiêu biểu như các mô hình chuỗi liên kết sản xuất - chế biến của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức và Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Vũng Tàu... đã hình thành các chuỗi và tập trung hỗ trợ nông dân về kỹ thuật.

Cùng quan điểm, tiến sĩ Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết để phát triển ca cao bền vững, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đầu tư dự án nghiên cứu, phát triển giống ca cao có năng suất, chất lượng tốt. Song song đó là hỗ trợ xây dựng thương hiệu hạt ca cao Việt Nam, các sản phẩm chế biến từ hạt ca cao Việt Nam. Một giải pháp quan trọng là cần tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh liên kết DN với nông dân sản xuất. Trong đó, DN sẽ là trung tâm, chủ đạo để thúc đẩy sản xuất, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu với quy mô tập trung, liên kết với nông dân. DN cũng cần đẩy mạnh liên kết với người sản xuất thông qua câu lạc bộ, nhóm sở thích, tổ liên kết, hợp tác xã, trang trại... hình thành vùng sản xuất tập trung. Đây cũng là hướng đi của các tỉnh trồng ca cao tại khu vực ĐNB đang tập trung thực hiện trong thời gian tới để phát triển cây ca cao bền vững, xây dựng thương hiệu về chất lượng ca cao của cả vùng.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202410/loi-the-trong-che-bien-ca-cao-533771b/