Lối thoát duy nhất của Apple dưới thời ông Donald Trump?
Các chuyên gia cho rằng, Apple có thể chỉ còn một cách duy nhất để 'yên ổn' trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Donald Trump, đó là xây dựng nhà máy tại Mỹ.
“Trừ khi CEO Apple Tim Cook xây một số nhà máy ở đây để sản xuất điện thoại, tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ chấm dứt”, nhà báo, cựu quản lý quỹ phòng hộ Jim Cramer nói trên một chương trình ngày 15/5, liên hệ đến áp lực từ phía ông Trump.
Bình luận được ông đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ công khai chỉ trích kế hoạch dịch chuyển sản xuất iPhone của Apple sang Ấn Độ, nơi thuế quan được kỳ vọng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Hiện tại, ước tính khoảng 90% iPhone đang lắp ráp tại Trung Quốc.
Sau khi quay lại Nhà Trắng, ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại mới với Bắc Kinh, thậm chí còn quyết liệt hơn nhiệm kỳ đầu. Dù căng thẳng đang tạm lắng với thỏa thuận hoãn áp thuế trong 90 ngày, người đứng đầu nước Mỹ vẫn không từ bỏ khao khát đưa sản xuất về lại Mỹ.
“Tôi có vấn đề nhỏ với Tim Cook hôm qua”, ông Trump nói hôm 15/5. “Tôi nói với ông ấy, ‘bạn tôi này, tôi đã đối xử rất tốt với ông. Ông đến đây với 500 tỷ USD nhưng tôi nghe rằng ông đang xây dựng mọi thứ ở Ấn Độ. Tôi không muốn thế. Chúng tôi không quan tâm đến việc ông xây dựng tại Ấn Độ. Ấn Độ có thể tự lo... chúng tôi muốn ông xây dựng ở đây".
Vào tháng 2, Apple thông báo đầu tư 500 tỷ USD vào Mỹ, bao gồm kế hoạch mở nhà máy sản xuất máy chủ AI tại Texas. Cook đã gặp ông Trump một tuần trước khi công bố thông tin này.

Apple có thể chỉ còn một một cách là sản xuất iPhone tại Mỹ để làm hài lòng ông Donald Trump. Ảnh: Bloomberg
Giữa tháng 4, Chính phủ Mỹ miễn trừ thuế đối ứng với smartphone, bán dẫn và điện tử tiêu dùng khác, động thái được xem là thắng lợi lớn với Apple. Dù vậy, chính quyền đã mở cuộc điều tra an ninh quốc gia để xem xét áp dụng thuế khác đến chip và đồ điện tử.
Các thành viên trong chính quyền Trump đã nhắc đến việc sản xuất iPhone khi thảo luận về các mục tiêu thương mại của họ. “Tại sao iPhone phải sản xuất tại Đài Loan và Trung Quốc”, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn với CNBC đầu tháng 4. “Tại sao những thứ này không thể làm bằng robot tại Mỹ”.
Bất chấp ý chí của lãnh đạo nước Mỹ, các chuyên gia công nghệ và nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về một mẫu iPhone “Made in USA”. Chuỗi cung ứng điện tử đang tập trung tại Đông Á và chi phí nhân công ở Mỹ cao hơn nhiều sẽ khiến thiết bị trở nên đắt đỏ.
Nhà báo Cramer thừa nhận sự phức tạp khi đưa iPhone về Mỹ sản xuất, nhưng cho rằng đây có lẽ không phải điều ông Trump quan tâm. “Tổng thống không quan tâm họ kiếm được tiền hay mất tiền. Ông ấy muốn có một nhà máy sản xuất điện thoại ở đây”, ông nói.
Làm sao để tốt cho cả hai?
Tim Cook được đánh giá cao vì đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với ông Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên khi Apple gần như tránh được các cuộc công kích công khai, khác với Amazon và Google.
Tháng 8/2019, Tổng thống Trump khen CEO Apple là “lãnh đạo tuyệt vời vì ông ấy đã gọi điện cho tôi còn người khác thì không”.
Tuy nhiên, ít nhất thái độ của ông Trump với Cook lần này đã khác. Trong sự kiện ngày 13/5 tại Ả-rập Xê-út, ông còn khen CEO Nvidia Jensen Huang để châm chọc Cook vì không có mặt.
Cramer từng nghĩ cam kết đầu tư 500 tỷ USD là đủ để xoa dịu tranh cãi, song có vẻ ông đã nghĩ lại.
Từ góc độ của Apple, điều quan trọng là duy trì giá bán iPhone hợp lý, trong khi nhượng bộ bằng cách mua một số linh kiện – như kính bảo vệ màn hình – từ các nhà sản xuất Mỹ. “Lùi một bước để tiến ba bước”, William Kerwin, nhà phân tích công nghệ cấp cao tại Morningstar nhận định.
Với tình hình hiện tại, Kerwin ví như câu chuyện “con gà, quả trứng”. Ông đánh giá Cook đã làm rất tốt việc ngoại giao với chính quyền Trump, dù ở nhiệm kỳ trước hay bây giờ. Song ông Trump cũng biết rõ tác động đáng kể của thuế quan sẽ khiến Apple suy yếu ra sao. Thực tế, đầu tháng này, Cook cảnh báo thuế quan với Trung Quốc – khi đó ở mức 145% - sẽ khiến Apple mất thêm 900 triệu USD trong Quý 3.
Tuy nhiên, chuyên gia Kerwin cho rằng Cook sẽ không vội điều chỉnh chiến lược sản xuất tại Ấn Độ mà thay vào đó, đưa ra một cam kết đầu tư mới để tốt cho cả hai.
(Theo Fortune, CNBC)