Lợn gà lậu tấn công, người chăn nuôi lao đao, doanh nghiệp lỗ nặng
Ngành chăn nuôi đã phải gồng mình vượt khủng hoảng, nhưng lợn và gà lậu tràn về khiến thị trường thêm khó khăn. Chưa khi nào người chăn nuôi lại bi quan và lao đao như bây giờ.
Hàng nhập lậu tràn về
Tại hội nghị Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững chiều 17/10, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) - dẫn số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000-250.000 tấn/năm. Mỗi tháng, có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.
Tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu 9 tháng năm 2023 có chiều hướng gia tăng rất mạnh ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Long An, An Giang. Cơ quan chức năng đã bắt giữ gần 373.000 con gia súc gia cầm nhập lậu; bắt giữ khoảng 108 tấn sản phẩm chăn nuôi nhập lậu; thu giữ 43.500 quả trứng...
Theo ông Minh, thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cho cuối năm. Do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.
Việc nhập lậu làm tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm; ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, thừa nhận, các đối tượng rất manh động, thậm chí còn đâm xe vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.
Đối tượng buôn lậu thường lợi dụng đêm tối, giờ giao ca của lực lượng chức năng để mang vác nhỏ lẻ qua các khu vực hàng rào biên giới về các thôn, bản, sau đó vận chuyển bằng xe máy theo các tỉnh lộ, quốc lộ 1A vào nội địa tiêu thụ.
Cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều gà vịt giống, chân gà, đùi gà, vịt nguyên con... Tuy nhiên, tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu thời gian tới còn diễn biến phức tạp, ông Quỳnh cảnh báo.
Về tình hình hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, có thời điểm vẫn xảy ra, nhưng số lượng thường nhỏ lẻ vài con và không thường xuyên.
Các đối tượng là lợi dụng đêm tối, địa hình thuận lợi, các đoạn sông hẹp hoặc khu vực biên giới đất liền vắng người qua lại, móc nối với phía Campuchia và thuê mướn cư dân chia nhỏ mỗi tốp vận chuyển 3-5 con gia súc lậu qua biên giới rồi dùng ô tô chở vào nội địa tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, đối tượng tổ chức cảnh giới chặt chẽ nhằm tránh bị phát hiện, bắt giữ.
Người chăn nuôi lao đao, doanh nghiệp thua lỗ nặng
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, 2 năm qua ngành chăn nuôi phải gồng mình vượt qua khó khăn do khủng hoảng thị trường, hậu Covid-19...
“Trong bối cảnh đó, tình trạng nhập lậu khiến thị trường trong nước càng khó khăn. Chưa bao giờ người chăn nuôi bi quan, lao đao, doanh nghiệp hàng đầu cũng bị thua lỗ nặng nề như vậy”, ông Sơn nói.
Ông chỉ rõ, tình trạng buôn lậu gia súc gia cầm diễn biến hết sức phức tạp từ nhiều năm nay, nhất là khi có sự chênh lệch giữa giá bán trong nước và nước ngoài. Lâu nay, vẫn tồn tại các đường dây buôn lậu lớn trong ngành hàng lợn, gia cầm, trâu bò. Hậu quả là gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi, làm giảm sức cạnh tranh của gia cầm trong nước.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhìn nhận, sau dịch Covid-19, cơ cấu chăn nuôi trong nước có nhiều thay đổi, hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ lẻ dần bị thay thế. Đây là quy luật tất yếu, nhưng kiểm soát tốt chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại nhỏ lẻ đảm bảo sinh kế của người nông dân là vấn đề cần được quan tâm.
Lãnh đạo Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, một trong những vấn đề cốt lõi là kiểm soát nhập lậu. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đánh giá hết và đúng tính chất.
“Đây là vấn đề lớn, tác động đến toàn bộ các yếu tố của chăn nuôi bền vững. Không kiểm soát tốt việc nhập lậu sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là khi phần lớn bệnh dịch chăn nuôi ở Việt Nam do truyền nhiễm từ nước ngoài vào. Chưa kể là còn không kiểm soát được an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa”, ông Dương lo ngại.
Việc phòng chống sản phẩm nhập lậu là khó và phức tạp, nhưng theo ông Dương, cần kiểm soát tốt không chỉ ở cửa khẩu, ở biên giới mà ngay cả trong nước nhằm bảo vệ thị trường. Không bảo vệ được thị trường trong nước là nguy hiểm.
“Chưa bao giờ tôi thấy lo cho người chăn nuôi nhỏ lẻ như lúc này. Rất mong các bộ, ngành sớm có giải pháp, hành động thực sự kiểm soát tình hình, hỗ trợ ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển lành mạnh”, ông Dương kiến nghị.
Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, đứng vững, không để bị phá hoại từ bên ngoài.
Chỉ rõ gia cầm nhập lậu dẫn tới hệ lụy dịch bệnh tràn vào Việt Nam, ông Tiến nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, nhập lậu vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Do đó, hoạt động này cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt.