Long An chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020', từ năm 2010 đến nay, tỉnh Long An đào tạo nghề cho gần 230 nghìn lao động, vượt 3% kế hoạch đề ra; trong đó, có hơn 60 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của đề án, với tổng kinh phí hơn 55 tỷ đồng.

Giờ thực hành tiện của học viên Trường trung cấp nghề Đức Hòa (Long An). Ảnh: NGỌC THẠCH

Giờ thực hành tiện của học viên Trường trung cấp nghề Đức Hòa (Long An). Ảnh: NGỌC THẠCH

Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Long An đào tạo nghề cho gần 230 nghìn lao động, vượt 3% kế hoạch đề ra; trong đó, có hơn 60 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của đề án, với tổng kinh phí hơn 55 tỷ đồng.

Thời gian qua, tỉnh có 859 người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo, chiếm gần 18,7% tổng số người nghèo tham gia học nghề. Thông qua các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để tự tạo việc làm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng đạt năng suất, chất lượng cao hơn; được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc hoặc giao hàng gia công tại hộ gia đình; tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất…

Từ nay đến năm 2025, Long An đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 160 nghìn lao động, trong đó có ít nhất 80% số lao động sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư thêm cho các cơ sở giáo dục công lập trong đào tạo các nghề trọng điểm trên địa bàn tỉnh như du lịch, nhà hàng, khách sạn, ẩm thực, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thành lập thêm các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia với nhiều ngành nghề khác nhau; phân bổ kinh phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh mua sắm thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

* Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp cùng chính sách hỗ trợ, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển sinh kế cho người dân. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả như: mô hình giao đất, giao rừng tại xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy); mô hình thí điểm giao đất, giao rừng gắn với hỗ trợ sinh kế tại xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum) và xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi)… Tại huyện Kon Plông, chính quyền đã hỗ trợ giao hơn 4.400 ha rừng cho người dân tại 19 làng của ba xã Pờ Ê, Đăk Nên và Măng Cành. Theo đó, số hộ được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình là hơn 1.400 hộ. Toàn bộ diện tích rừng giao cho các thôn đã được chính quyền huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng. Ngoài ra, 19 bộ quy ước về quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng dựa trên luật pháp kết hợp với luật tục, cùng chín vườn ươm cây bản địa ở các thôn, làng đã được chính quyền huyện Kon Plông công nhận, phê duyệt. Tuy nhiên khi triển khai vẫn còn những khó khăn trong chính sách dịch vụ môi trường rừng, tư duy sản xuất nhỏ lẻ của người dân và tình trạng xâm lấn khai thác lâm sản trái phép còn phức tạp.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ trong quá trình giao đất, giao rừng cho cộng đồng, hướng đến việc quản lý, phát triển rừng bền vững, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách và văn bản chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tỉnh tăng cường biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ và phát triển rừng; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ vi phạm, không để tồn đọng, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời nâng cao tính giáo dục, răn đe trong cộng đồng…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/long-an-chu-trong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-628402/