Long An siết quản lý rác thải, thay đổi thói quen người dân
Long An đề ra chỉ tiêu thu gom và xử lý rác thải, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 ở khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 95%. Đồng thời triển khai xây dựng một số nhà máy đốt rác phát điện để chuẩn bị cho việc hợp nhất với tỉnh Tây Ninh.
Người dân hưởng ứng
Hiện nay, tỉnh Long An vẫn phải nhờ sự hỗ trợ của TP.HCM để xử lý một phần rác thải theo hợp tác liên vùng.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển, xử lý trên địa bàn dao động từ 800-850 tấn/ngày, dự đoán sẽ tăng lên theo thời gian, gây áp lực cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Người dân cùng chính quyền địa phương gia cố lại thùng đựng rác cũ để tăng cường cho hộ dân phân loại rác
Hiện nay, việc quản lý chất thải rắn tại địa phương được sự hỗ trợ của tổ chức Tổ chức WWF - Việt Nam. Tỉnh Long An đã thí điểm phân loại rác tại nguồn tại một số địa bàn của TP. Tân An và huyện biên giới Vĩnh Hưng. Người dân được hỗ trợ phương tiện thu gom rác hữu cơ sau phân loại là túi đựng rác và thùng rác tại hộ gia đình; các địa phương được hỗ trợ thiết bị cho quy trình sản xuất phân compost;...
Bà Phạm Thị Lành, hộ dân tại huyện biên giới Vĩnh Hưng chia sẻ: "Gia đình tôi sau khi bỏ rác thì quét dọn sạch sẽ, rác hữu cơ thì tôi bỏ riêng vào 1 thùng để làm phân bón rau, còn phế liệu thì bán ve chai…".
Chính quyền tỉnh Long An yêu cầu và giám sát chặt tần suất và thời gian thu gom đối với từng loại chất thải đã được phân loại đúng quy định về việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Từ đó, tránh để xảy ra trường hợp người dân phân loại nhưng công tác thu gom, vận chuyển rác không đúng quy định. Qua triển khai, nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn và công tác thu gom đã chuyển biến rõ nét.
Ông Lê Thành Tới, người dân TP Tân An cho biết: "Qua tuyên truyền vận động từng hộ và các cuộc họp khu phố, được nhắc nhở nghiêm khắc, ý thức của bà con về phân loại rác thải được nâng lên".

Kết quả thí điểm phân loại rác tại nguồn là tiền đề quan trọng để địa phương thực hiện tốt trong thời gian tới
Giải bài toán rác thải sau hợp nhất tỉnh
Theo ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An, việc phân loại rác tại nguồn tại địa phương chưa đạt yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường, tuy nhiên tỉnh Long An đã kiểm soát tốt tình hình ô nhiễm môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Công tác phân loại rác tại nguồn đang được triển khai và nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang thực hiện quy hoạch và xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời gian tới, kể cả khi tỉnh Long An sáp nhập với tỉnh Tây Ninh.
Ông Võ Minh Thành thông tin thêm, trước đây, Long An đã phối hợp với TP.HCM quy hoạch một khu xử lý rác liên vùng, với diện tích 200 ha tại huyện Thủ Thừa. Bên cạnh đó, tỉnh đã có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy xử lý rác thải tại huyện Đức Huệ và Đức Hòa. Các nhà máy này sẽ áp dụng công nghệ đốt rác để phát điện, đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải.

Ý thức người dân được nâng lên, công tác thu gom và xử lý rác ngày càng hiệu quả tại Long An
"Long An cho chủ trương nâng công suất nhà máy xử lý rác tại huyện Thạnh Hóa lên 500 tấn, tiến tới 1.000 tấn/ngày. Đồng thời chuyển đổi công năng sang hoạt động đốt rác phát điện. Với quy hoạch và định hướng thời gian tới, khi tỉnh Long An hoàn thành việc sáp nhập với tỉnh Tây Ninh, công tác xử lý rác thải cho tỉnh hợp nhất cũng sẽ được đảm bảo theo yêu cầu đề ra", ông Thành nói.
Với định hướng rõ ràng và sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền đến người dân, Long An đang cho thấy quyết tâm giải bài toán rác thải một cách bền vững. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để địa phương chủ động thích ứng, không bị động khi tiến tới hợp nhất với tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.