Lòng dân thuận, việc khó cũng thành: 'Cầu nối' của những thành công

Để có những con đường, hẻm rộng thênh thang thì sự đồng tình hiến đất, bàn giao mặt bằng của người dân giữ vai trò mấu chốt. Trong suốt quá trình vận động người dân, công tác dân vận vô cùng quan trọng.

Gỡ vướng trong bàn giao mặt bằng

Từ ngày đường Trương Quốc Dung (phường 10, quận Phú Nhuận) được mở rộng, cửa hàng bán thịt bò của vợ chồng ông Võ Anh Dũng buôn bán thuận lợi hơn. Căn nhà từng rộng 50m2 nay chỉ còn đủ diện tích kê sạp hàng, ông Dũng bảo tiếc “đứt ruột”, song đổi lại, đường rộng, khách đông hơn, doanh thu của cửa hàng ngày càng tăng.

 Ông Nguyễn Văn Kiên, nguyên Trưởng Khu phố 7, phường 4 (quận 8) thăm hỏi cuộc sống người dân sau khi đường Tạ Quang Bửu được mở rộng. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Ông Nguyễn Văn Kiên, nguyên Trưởng Khu phố 7, phường 4 (quận 8) thăm hỏi cuộc sống người dân sau khi đường Tạ Quang Bửu được mở rộng. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Khi đường Trương Quốc Dung được mở rộng từ sự đồng thuận giao mặt bằng của người dân, bộ mặt đô thị khu vực đã nâng cao hơn rất nhiều. Trước đây, đường Trương Quốc Dung chỉ rộng từ 1,9-3,5m, ngoằn ngoèo, mưa thì lầy lội, giờ cao điểm luôn xảy ra kẹt xe. Khổ nhất là khi có hỏa hoạn hay người bệnh cần đi bệnh viện, xe cứu hỏa, cấp cứu không vào được. Hiện nay, công trình mở rộng đường Trương Quốc Dung đang ở giai đoạn cuối, lòng đường được mở rộng ra 8m khang trang.

Để người dân đồng thuận hiến đất, bàn giao mặt bằng, điều cần thiết nhất là sự sâu sát của cấp ủy, sự gần gũi cơ sở của cán bộ và công tác dân vận được triển khai đồng bộ. Từ những buổi tiếp xúc, đối thoại với người dân, người đứng đầu cấp ủy địa phương lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người dân để có hướng giải quyết, tháo gỡ thấu tình đạt lý.

Nhắc đến việc mở rộng đường Tạ Quang Bửu (đoạn qua phường 4, quận 8), nhiều người vẫn khen ngợi sự sâu sát của địa phương. Đường Tạ Quang Bửu được khởi công mở rộng lần đầu vào năm 2001, nhưng đến năm 2005 thì công trình dừng thi công do vướng mặt bằng. Tháng 4-2023, công trình được khởi động lại và hoàn thành sau 4 nhiệm kỳ kể từ ngày khởi công lần đầu.

Bà Vũ Thị Tuyết, 69 tuổi, ngụ đường Tạ Quang Bửu, chia sẻ: “Giờ nhà cửa khang trang, con cháu có nơi ở ổn định, vợ chồng tôi mừng lắm. Thực tình, hồi chính quyền báo sẽ làm con đường này, nhà tôi bị cắt gần 50% diện tích, vợ chồng tôi tâm tư lắm. Nhưng nhờ được chính quyền và ông Kiên giải thích, trao đổi kỹ càng, chúng tôi thấy hợp tình hợp lý nên giao đất”. Từ số tiền bồi thường nhận được, vợ chồng bà Tuyết chia cho các con làm ăn và xây căn nhà khang trang trên phần đất còn lại.

Ông Kiên mà bà Tuyết nhắc đến là ông Nguyễn Văn Kiên, nguyên Trưởng Khu phố 7, phường 4. Gia đình bà Tuyết là 1 trong 77 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đầu tư xây dựng đường Tạ Quang Bửu đồng thuận nhận tiền bồi thường, di dời và bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định để quận 8 tiến hành thi công dự án.

Để làm được điều ấy, vai trò của ông Kiên là không nhỏ. Ngày nhận nhiệm vụ cùng chính quyền vận động bà con bị ảnh hưởng bởi dự án, ông Kiên hiểu đây là việc khó khăn, bởi ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. “Tôi trăn trở, nghĩ xem mình cần trao đổi gì để giúp người dân hiểu ý nghĩa lớn khi con đường hoàn thành, người dân sẽ được lợi ích gì và trách nhiệm của mỗi người ra sao”, ông Kiên tâm sự.

Với những gia đình còn tâm tư, ông kiên trì gặp gỡ riêng, tìm hiểu cuộc sống rồi phân tích mọi khía cạnh, giải thích, phân tích cho rõ mọi khúc mắc. Với những hộ dân khó khăn, ông vận động nguồn và báo cáo Đảng ủy, chính quyền phường chăm lo, hỗ trợ.

Kiên trì để người dân đồng thuận

Cũng như ông Kiên, ngày được giao nhiệm vụ thuyết phục các hộ dân ở khu phố 14 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) hiến đất và đóng góp kinh phí mở rộng một phần đường Kha Vạn Cân, bà Trần Thị Mỹ Dung, Trưởng Khu phố 14, không khỏi lo lắng. Nhất là với hộ dân có diện tích bị ảnh hưởng rất lớn như nhà ông Nguyễn Hoàng Oanh thì phải vận động như thế nào?

“Lúc đó tôi lo lắm, lo mình không thuyết phục được gia đình ông Oanh. Ở TPHCM, tấc đất là tấc vàng, 670m2 đất của gia đình ông là khối tài sản lớn, nhưng vì nhiệm vụ thì mình cứ cố gắng hết sức mình”, bà Mỹ Dung tâm sự. Bà mất mấy ngày để suy nghĩ thuyết phục sao cho thuận. Tuy nhiên, khi bà đặt vấn đề, gia đình ông Oanh đồng ý ngay. “Tôi bất ngờ, “đứng hình” một lúc”, bà Dung nhớ lại cảm giác khi đó.

Dù vậy, việc vận động thành công hộ gia đình ông Oanh hiến đất mới chỉ được một phần chặng đường, nhiệm vụ nặng nề không kém là vận động các hộ dân còn lại hiến đất và đóng góp kinh phí để làm đường. 1,7 tỷ đồng cho đoạn đường dài hơn 300m đi qua khu phố 14 là khoản tiền rất lớn. Có những hộ cho thuê nhà và chuyển đi nơi khác sinh sống khiến nhiệm vụ vận động của bà có lúc bị tắc nghẽn, tưởng chừng bất khả thi.

“Nhiều lần tôi tự nhủ, Bác đã căn dặn, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Tôi lấy đó làm động lực, “kim chỉ nam” để tiếp tục tìm cách gỡ khó”, bà Mỹ Dung chia sẻ. Bà tìm địa chỉ của từng gia đình rồi lặn lội tìm đến tận nhà họ để thuyết phục. Trước sự kiên trì của bà trong giải thích, tuyên truyền, các hộ dân đồng thuận. Nhờ đó, chỉ sau 2 tháng bà Dung vừa vận động hiến đất vừa vận động kinh phí, đoạn đường được mở rộng khang trang như hiện nay.

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ quận 7 mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 7 Lê Văn Thành cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, quận 7 đã vận động 397 hộ dân tham gia hiến đất với diện tích khoảng 5.400m2 để nâng cấp 51 tuyến hẻm đạt chiều rộng trên 4m. Đây là con số khá ấn tượng, khi mới chỉ đến giữa năm thứ 4 của nhiệm kỳ, quận 7 đã mở rộng hẻm vượt chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ.

Tuyến hẻm 300/23 Nguyễn Văn Linh (phường Bình Thuận) là tuyến hẻm đầu tiên đã “mở hàng” khá thành công để quận 7 đạt kết quả như hiện nay. Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Khu phố 15 (trước đây là Trưởng Khu phố 4), người trực tiếp tham gia vận động người dân hiến đất, bộc bạch: “Quan trọng nhất vẫn là mình phải chân thành chia sẻ với các hộ dân những khó khăn, tuyên truyền về những lợi ích khi mở rộng hẻm. Kể cả khi người dân đồng thuận rồi thì mình vẫn phải tiếp tục quan tâm, chăm lo và không ngừng vận động để tránh trường hợp họ bị người khác tác động mà đổi ý”.

Mưa dầm thấm lâu, cuối năm 2020, những hộ cuối cùng cũng đồng thuận tháo dỡ vật kiến trúc để địa phương mở rộng hẻm từ 3m lên 6m. 39 hộ dân đã hiến 203m2 đất, có gia đình hiến 30m2 đất trị giá hàng tỷ đồng.

Tổng kết 20 năm thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm, Thành ủy TPHCM tặng bằng khen cho 115 tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác này.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, với 5,4 triệu m2 đất được hiến bởi 68.000 hộ dân để phục vụ cho 5.230 công trình thì những tập thể, cá nhân được khen thưởng trên chỉ là con số nhỏ những người đã âm thầm làm công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm. Còn rất nhiều người xứng đáng được tuyên dương, vinh danh vì đã làm “cầu nối” để ý Đảng gặp lòng dân trong việc hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn thành phố.

Bà TRƯƠNG THỊ HỒNG CẨM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM:

Sự kiên trì của cán bộ khu phố đã đem lại “quả ngọt”

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phường Hiệp Bình Chánh đã vận động người dân hiến đất, mở rộng 63 công trình. Mỗi tuyến đường, hẻm được mở rộng là rất nhiều câu chuyện trong hành trình vận động người dân của các cô chú cán bộ khu phố.

Công việc dân vận không đơn giản, cũng không phải cứ tới nhà là gặp được người dân nên có những hộ gia đình, cán bộ khu phố phải đi tới năm, bảy lần mới gặp được. Nhiều khi trời mưa, các cô chú vẫn đội mưa đi vận động để kịp tiến độ đặt ra. Sự kiên trì và tinh thần trách nhiệm cao của các cô chú ở khu phố đã đem lại những “quả ngọt”, góp phần vào kết quả chung rất đáng ghi nhận của địa phương.

Ông NGUYỄN THƯỢNG HIỀN, số 11A đường Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TPHCM:

Cần sự sâu sát trong dân

Từ ngày đường Tạ Quang Bửu mở rộng, lưu thông qua lại thuận lợi, bộ mặt đô thị nơi đây thay đổi hẳn, kinh tế phát triển và giá trị đất khu vực này cũng đã tăng lên gấp 3, gấp 5 lần.

Theo tôi, để công tác vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm, bàn giao mặt bằng để nhà nước làm đường đạt được kết quả, thì Đảng ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể cần đưa ra nội dung phù hợp, thiết thực, đáp ứng được yêu cầu và lợi ích chính đáng của người dân bị ảnh hưởng. Trong đó, phải công khai, minh bạch các thủ tục pháp lý, rõ ràng trong các quy định thì mới thuyết phục được người dân.

Những việc gì ảnh hưởng đến đời sống người dân thì chính quyền phải tuyên truyền, vận động, cán bộ phải kiên trì, sâu sát giải thích để giúp dân hiểu. Có như vậy, người dân mới dễ dàng đồng thuận.

THU HƯỜNG - THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/long-dan-thuan-viec-kho-cung-thanh-cau-noi-cua-nhung-thanh-cong-post749505.html