Lòng lợn - nguy cơ nhiễm ký sinh trùng luôn hiện hữu

Gần đây, câu chuyện về nguồn gốc và chất lượng của món lòng xe điếu đã gây xôn xao dư luận. Nhiều người băn khoăn về mức độ an toàn của món ăn quen thuộc như lòng lợn. Chuyên gia y tế cảnh báo, lòng lợn, nội tạng nói chung chứa nhiều cholesterol, vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh nguy hiểm ở người nếu không được chế biến kỹ và có nguồn gốc không đảm bảo.

Lòng lợn không phải là thực phẩm lành mạnh

Liên quan đến thông tin về lòng xe điếu đang được người dân quan tâm, Hà Nội đã có chỉ đạo các địa phương, cụ thể quận Cầu Giấy rà soát, kiểm tra rõ nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng này. Qua kiểm tra đột xuất cơ sở lòng xe điếu “Lòng chát quán” tại số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) quận Cầu Giấy ghi nhận, đây là cơ sở chuyên kinh doanh chế biến các món về lòng chứ không chỉ riêng món lòng xe điếu. Chia sẻ về bộ lòng dài 40m, ông Ngô Quyền Thế - chủ cơ sở cho biết, thực ra bộ lòng chỉ dài khoảng 25 -27m, đây là hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội Facebook và TikTok vào năm 2024. Ông Thế cũng xin lỗi người tiêu dùng về thông tin và hình ảnh đã đăng tải vì thông tin không đúng với sự thật.

Từ câu chuyện tranh cãi trên mạng xã hội về nguồn gốc và chất lượng của món lòng xe điếu, Giám đốc Sở ATTP TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, lòng xe điếu rất hiếm gặp, cả nghìn con lợn mới có một, nên sản phẩm rao bán hàng ngày có thể là giả và được làm bằng phụ gia, hóa chất.

Chủ quán ăn khoe bộ lòng xe điếu.

Chủ quán ăn khoe bộ lòng xe điếu.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hiện chưa có thông tin khoa học chính thức nào giải thích cơ chế sinh học tạo nên lòng xe điếu. Đến nay, có 2 quan điểm chính xoay quanh việc hình thành lòng xe điếu. Trong đó, có ý kiến cho rằng, lòng xe điếu có thể xuất hiện khi con lợn mắc bệnh lý đường ruột (nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng...) làm cho niêm mạc ruột bị bào mòn. Khi hồi phục, cơ thể tái tạo lớp niêm mạc dày hơn với những nếp gấp bất thường.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, lòng xe điếu (đặc sản được ưa chuộng trong giới nhậu) thực chất là đoạn đầu tiên của ruột non, nằm ngay sau dạ dày. Đoạn lòng này có chiều dài ngắn, thành dày, bên trong chứa lớp bột màu trắng, hình tròn to như ống thuốc cắm vào điếu cày.

Khác với các phần ruột khác, lòng xe điếu không cần phải lộn ra, rửa đi rửa lại nhiều lần; chỉ cần cắt ra, buộc một đầu lại rồi làm sạch, giữ nguyên hình dạng tự nhiên là có thể đem chế biến. Tuy nhiên, để món này không dễ, không phải con lợn nào cũng có (chỉ có ở lợn đực, lợn cái không có). Đoạn lòng này ngắn, hiếm (có khi đặt hàng trước mới có), không phải lúc nào cũng có, khiến nguồn cung trở nên hạn chế so với các loại lòng khác, đồng thời đẩy giá thành lên cao.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích, xét về ATTP, ruột non là đoạn đầu của hệ tiêu hóa nên nguy cơ nhiễm giun sán thấp hơn, vì phần lớn ký sinh trùng nếu có sẽ nằm ở đoạn sau của ruột non rồi xuống ruột già để thải ra ngoài. Tuy vậy, dù là đoạn nào thì nội tạng cũng cần được luộc chín kỹ để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Lợn vốn là loài ăn tạp nên nguy cơ nhiễm ký sinh trùng trong nội tạng luôn hiện hữu.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, do lòng xe điếu khan hiếm, có thể nhiều nơi sử dụng hóa chất để tạo ra sản phẩm giả, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người dùng. Một số hóa chất như oxy già, phèn chua thường được dùng để ngâm, làm cho bề mặt ruột trắng, cứng nhưng đều nguy hiểm nếu sử dụng với nồng độ cao hoặc ngâm lâu có thể ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.

Đặc biệt, formol là chất cấm tuyệt đối trong thực phẩm, thường bị lạm dụng để kéo dài thời gian bảo quản nhờ khả năng diệt vi sinh vật. Nếu tiêu thụ thực phẩm có chứa formol, người dùng có nguy cơ bị đau bụng dữ dội, nôn ói, viêm cấp tính dạ dày, ruột, thậm chí tăng nguy cơ ung thư nếu tiếp xúc lâu dài.

Cơ sở “Lòng chát quán” tại số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu đóng cửa ngày 8/5/2025.

Cơ sở “Lòng chát quán” tại số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu đóng cửa ngày 8/5/2025.

“Ngay cả với thực phẩm chất lượng tốt, nếu khâu bảo quản và vận chuyển không đảm bảo như để ngoài nắng hay không giữ lạnh đúng cách vẫn có thể gây hại cho sức khỏe” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.

Chuyên gia cũng lưu ý, lòng lợn không phải là thực phẩm lành mạnh do chứa nhiều cholesterol. Việc tiêu thụ thường xuyên có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt đối với người mắc bệnh tim mạch hoặc huyết áp cao. Lòng xe điếu tuy có hương vị hấp dẫn nhưng không phù hợp để sử dụng thường xuyên.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Đồng quan điểm, bác sĩ Lê Văn Thiệu - khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cũng cho rằng, lòng lợn có thể là nơi tích tụ nhiều chất độc hại từ môi trường và thức ăn của lợn. Trong đó, ruột già, nơi chứa chất thải và hấp thụ nước, đây là bộ phận tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn do chứa chất bẩn, độc hại hơn. Nguy cơ này càng cao nếu lợn không được nuôi đúng cách hoặc lòng không được chế biến hợp vệ sinh.

Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp nguy kịch do ăn lòng lợn không đảm bảo. Cách đây không lâu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận một bệnh nhân nam T.V.L., (49 tuổi, trú tại Thái Bình) trong tình trạng ban xuất huyết hoại tử vùng mặt lan nhanh toàn thân, tập trung chủ yếu ở hai chân, hai tay. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể liên quan đến việc ông này đã ăn lòng lợn trước đó. Tại đây, ông được chẩn đoán mắc liên cầu khuẩn lợn ở người (Streptococcus suis) – một loại vi khuẩn nguy hiểm có thể lây từ lợn sang người qua thực phẩm chưa nấu chín hoặc qua vết thương hở.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị cho bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị cho bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn. Ảnh: BVCC

Theo các bác sĩ, lòng lợn là môi trường lý tưởng các loại vi khuẩn gây ngộ độc sinh sôi, dù đã nấu chín nhưng để ngoài môi trường thời gian dài cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, dù lựa chọn phần lòng nào, điều quan trọng là phải đảm bảo ATTP.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo, nội tạng động vật chứa nhiều cholesterol. Nội tạng có thể trở thành tác nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người nếu không đảm bảo nguồn gốc và chế biến không hợp vệ sinh. Lòng, dạ dày không được sơ chế kỹ, chưa nấu chín có thể làm lây lan vi khuẩn E. coli, Salmonella, Shigella... sang người. Đây là nguyên nhân gây các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.

Bên cạnh đó, khi ăn nội tạng nhiễm trứng hoặc ấu trùng chưa được nấu chín kỹ, người dùng có thể nhiễm ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, giun xoắn, sán dây, sán chó..., gây tổn thương não, gan, cơ, mắt và các cơ quan khác.

Ngoài ra, liên cầu khuẩn lợn có thể tồn tại trong máu, lòng, nội tạng và thịt của lợn, kể cả ở con vật khỏe mạnh. Khi ăn sản phẩm chế biến từ lợn chưa chín như tiết canh, nem chua, người ăn có thể nhiễm liên cầu khuẩn. Bệnh có thể gây viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp, xuất huyết nội tạng, thậm chí tử vong.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, một số người cần hạn chế hoặc không nên ăn lòng động vật như béo phì hoặc thừa cân, người mắc bệnh viêm gan, bệnh gout, do lượng axit uric tăng cao trong máu do lòng lợn có thể gây ra cơn đau và sưng khớp. Việc tiêu thụ lòng lợn có thể gây quá tải cho gan, đặc biệt là trong trường hợp gan không hoạt động tốt. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng nên tránh ăn các món từ lòng lợn để đề phòng nguy cơ nhiễm khuẩn và các loại virus, ký sinh trùng (giun, sán) có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Nếu người dân mua lòng xe điếu, lòng lợn hay nội tạng nói chung phải tìm hiểu, mua ở những nơi uy tín, rõ nguồn gốc, nên chọn mua của các công ty, đơn vị có uy tín thương hiệu, gắn mã truy xuất nguồn gốc, tránh sản phẩm trôi nổi, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến thiếu kiểm soát và không nên sử dụng thường xuyên. Khi chọn mua, người dân nên ưu tiên những đoạn ruột tròn phẳng, có màu trắng hồng, bề mặt nhẵn, chọn loại còn tươi, đàn hồi tốt, không có mùi lạ, không mua thực phẩm có màu vàng, tím sẫm hay có mùi hôi, tuyệt đối không ăn nội tạng sống, tái để đảm bảo an toàn và chất lượng.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/long-lon-nguy-co-nhiem-ky-sinh-trung-luon-hien-huu.699827.html