Lòng nhân ái ở Bệnh viện Nhân ái
Có một nơi đã đi vào huyền thoại khi là chỗ ẩn náu yên bình của những con người từng bị xã hội kỳ thị, xa lánh - bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối. Dù được mệnh danh là nơi tận cùng của sự sống, nhưng kỳ lạ thay đây lại là nơi đầy ắp tình người. Bệnh viện Nhân Ái, hay người ta thường ví von là bệnh viện của tình người.
Ngôi nhà cuối đời của người nhiễm AIDS
Những ngày cuối năm, xuyên núi rừng Bình Phước, trên con đường nhựa độc đạo giữa bạt ngàn cao su, chúng tôi đến với Bệnh viện Nhân Ái. Bệnh viện tọa lạc trên sườn đồi, nhìn từ trên cao, đây như một khu nghỉ dưỡng với những mái nhà ngói đỏ thấp thoáng trong rừng cây. Không nói ra thì không ai biết đây là nơi điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối.
Một ngày như mọi ngày, 9 giờ sáng, hàng trăm bệnh nhân từ các khoa, phòng tỏa ra khắp khuôn viên bệnh viện, người khỏe mạnh phụ nhổ cỏ, chăm sóc cây kiểng, người yếu hơn thì tản bộ thư thái. Thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng cười rúc rích của một vài người ở khu vực chòi hóng mát. Khung cảnh thanh bình yên ả lạ thường. Nếu không có những bộ đồng phục, ít ai nghĩ rằng đây lại là bệnh viện.
Trong những lần vật vã giữa những đớn đau, trong nỗi đau tột cùng khi đứng giữa sự sống và cái chết, tôi chỉ nhìn thấy những chiếc bóng áo trắng thấp thoáng. Và nếu như chết đi, tôi cũng sẽ chỉ nhớ về những chiếc bóng áo trắng thân thương ấy mà thôi
Bệnh nhân Nguyễn Văn Trung
Trong phòng bệnh, bác sĩ, điều dưỡng thay nhau khám bệnh, chăm sóc những bệnh nhân nặng không thể tự vận động. Vừa thay tã cho chị Lê Thị Hiền Ngọc (35 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM), điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm vừa nhỏ nhẹ hỏi: “Em làm thế này chị Ngọc có bị đau không? Chị có thấy chỗ nào không thoải mái không? Sáng nay chị Ngọc ăn có ngon miệng không?”. Xúc động trước sự chăm sóc tận tình của điều dưỡng Thanh Tâm, chị Hiền Ngọc rơm rớm nước mắt kể, chị được chuyển đến Bệnh viện Nhân Ái khi bệnh đã bước vào giai đoạn nặng, không thể vận động hay tự chăm sóc cá nhân.
Mọi sinh hoạt của chị đều dựa vào điều dưỡng. Thế nhưng các cô không hề la mắng hay phàn nàn, ngược lại rất dịu dàng, nhẫn nại. “Tôi có gia đình nhưng chưa từng một ai chăm sóc, làm vệ sinh cho tôi chu đáo như các cô điều dưỡng ở đây. Tôi bị bệnh là họ bỏ tôi luôn, vì thế ơn này của các cô tôi mang đến suốt đời”, chị Hiền Ngọc chia sẻ.
Còn với chị Lâm Thị Thu Thảo (50 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) thì bệnh viện chính là nhà và bác sĩ, điều dưỡng là những người thân. Bố mẹ chết sớm, chị Thu Thảo và anh trai bị điếc, nương tựa vào nhau. Không may chị bị lây nhiễm HIV trong một lần bị cưỡng hiếp. Không còn người thân, không nơi nương tựa, chị được gửi lên Bệnh viện Nhân Ái.
Chị Thu Thảo bộc bạch: “6 năm ở bệnh viện là quãng thời gian hạnh phúc nhất, bởi tôi được bác sĩ, điều dưỡng chăm lo đầy đủ từ bữa cơm đến giấc ngủ. Tôi thiếu máu thì được bổ sung thêm sắt, cân nặng giảm thì được kê thêm thuốc bổ. Những lúc tôi buồn, các cô còn hỏi thăm, động viên và kể chuyện vui, chọc cho tôi cười”.
Hồi sinh những mầm hy vọng
Được thành lập từ năm 2006, Bệnh viện Nhân Ái là bệnh viện chuyên khoa tuyến thành phố với nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là chăm sóc và điều trị hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS, cung cấp các dịch vụ y tế, điều trị có hiệu quả bằng thuốc kháng virus HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Tiên phong trong việc chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, nơi đây đã chăm sóc, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối trước khi họ trở về với cát bụi.
Gắn bó từ những ngày đầu bệnh viện mới được thành lập, bác sĩ Lê Thanh Lâm, khoa Nội 3 kể, anh từng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Trung trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng, hệ miễn dịch hầu như bị phá vỡ hoàn toàn. Toàn thân bệnh nhân lở loét, chảy máu khắp nơi, cơ thể chỉ còn là một bộ xương và đôi mắt cử động được. Ngày đó, anh cùng các y bác sĩ đã dốc toàn lực để cứu bệnh nhân. Nhờ sự chăm sóc tận tình, nhờ cơ địa đáp ứng thuốc tốt, bệnh nhân hồi phục dần và trở nên khỏe mạnh như một kỳ tích.
Cũng như anh Văn Trung, nhiều bệnh nhân đã đến Nhân Ái trong tình trạng kiệt quệ nhưng rồi lại khỏe mạnh, trở về với gia đình, với cộng đồng. Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, chia sẻ: “Hàng trăm bệnh nhân đến với chúng tôi rồi ra đi mãi mãi, nhưng cũng có hàng trăm con người trở về với đời thường. Thật hạnh phúc khi hồi sinh được những cuộc đời tưởng như đã đi vào ngõ cụt. Và hơn hết là niềm yêu sống, niềm tin vào cuộc đời cũng theo đó “đâm chồi nảy lộc””.
Lấy tay phủi lớp bụi bám trên cuốn nhật ký của một bệnh nhân viết, mắt bác sĩ Nguyễn Đức Long như nhòe đi, anh xúc động đọc những dòng tâm sự: “Họ đã thật sự xem bệnh nhân chúng tôi như người thân trong gia đình, làm tất cả để nâng đỡ thể trạng và sưởi ấm tâm hồn cho chúng tôi. Thậm chí có một số bệnh nhân không chống chọi được đã phải ra đi. Trong giây phút lìa xa nhân thế, nhiều người không có gia đình, người thân, nhưng các bác sĩ đã ở bên cạnh chúng tôi, lo tắm rửa, tẩn liệm, làm lễ hỏa táng, lễ cầu siêu và đón hài cốt về thờ cúng tại Nhà lưu cốt dành cho bệnh nhân tại bệnh viện. Đời có thể chối bỏ chúng tôi, gia đình có thể chối bỏ chúng tôi, nhưng những con người này vẫn luôn dang rộng vòng tay đón chúng tôi bằng tất cả tình yêu thương”.
“Gia đình Nhân Ái là cái tên trìu mến mà nhiều bệnh nhân chúng tôi đặt tên cho bệnh viện này. Gọi là gia đình bởi ở đây chúng tôi coi nhau như người thân, bác sĩ cũng là người thân và chúng tôi mang lại niềm vui cho nhau mỗi ngày”, anh Trần Anh Vũ, một bệnh nhân đã ở Bệnh nhân Nhân Ái được 3 năm, dí dỏm ví von.
Chia tay ngôi nhà Nhân Ái, hình ảnh những bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý bỏ cả thanh xuân của mình, chấp nhận đối diện với nguy hiểm của lây nhiễm, miệt mài ngày đêm khơi lên ngọn lửa mới từ những “cây đèn” sắp tắt, khiến chúng tôi suy nghĩ mãi về tình người. Ở chốn đại ngàn heo hút, dẫu cho đâu đó ngoài kia vẫn còn những tranh giành thì kỳ diệu thay, nơi đây tình người vẫn đong đầy ăm ắp như chính cái tên Nhân Ái và sứ mệnh được gửi trao.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/long-nhan-ai-o-benh-vien-nhan-ai-634507.html