Lòng tin tiêu dùng tại Đức, Pháp giảm mạnh trước mùa mua sắm cuối năm
Chỉ số lòng tin tiêu dùng của Đức dự kiến sẽ giảm xuống mức -6,7 điểm trong tháng 12, còn niềm tin của người tiêu dùng trong tháng 11 của Pháp cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.
Theo kết quả cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Thị trường (GfK), người tiêu dùng Đức đang hướng tới kỳ nghỉ lễ cuối năm trong tâm trạng thất vọng về tài chính và việc làm, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt với làn sóng nhiễm COVID-19 lần thứ hai.
Cuộc khảo sát của GfK cho hay chỉ số lòng tin tiêu dùng của Đức dự kiến sẽ giảm xuống mức -6,7 điểm trong tháng 12/2020, từ mức được điều chỉnh -3,2 điểm của tháng 11.
Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã đưa ra các biện pháp mới hồi đầu tháng này để ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm COVID-19, bao gồm đóng cửa các nhà hàng, khách sạn, trung tâm văn hóa thể thao.
Tuy nhiên, chuyên gia Rolf Buerkl thuộc GfK cho rằng chỉ có việc giảm đáng kể số ca nhiễm COVID-19 và việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội mới có thể mang lại tâm lý lạc quan cho người tiêu dùng.
Thủ tướng Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang của Đức ngày 25/11 đã nhất trí gia hạn các biện pháp phong tỏa xã hội ít nhất đến ngày 20/12 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19.
Kết quả cuộc khảo sát của GfK dựa trên ý kiến của khoảng 2.000 người cho thấy, hầu hết người tiêu dùng tại Đức đều bi quan về triển vọng kinh tế đất nước cũng như triển vọng thu nhập của chính họ.
Ngày càng có nhiều người lo ngại rằng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh phong tỏa xã hội mới nhất có thể phá sản, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ mất việc làm.
Tuy nhiên, GfK lưu ý rằng xu hướng chi tiêu trong mùa Giáng sinh năm nay vẫn ở mức "đạt yêu cầu," bởi không giống như đợt phong tỏa trước đó vào mùa Xuân, các nhà bán lẻ tại Đức vẫn được phép mở cửa trong suốt giai đoạn phong tỏa lần thứ hai này.
Các quan chức Chính phủ Đức kêu gọi người dân mua sắm quà tặng Giáng Sinh vào các ngày trong tuần để tránh tập trung đông người các cửa hàng vào cuối tuần.
Còn tại nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu là Pháp, niềm tin của người tiêu dùng trong tháng 11/2020 cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.
Thậm chí, tâm lý người tiêu dùng Pháp, quốc gia vừa tái áp đặt các biện pháp phong tỏa xã hội nghiêm ngặt nhất ở châu Âu vào ngày 30/10, còn bi quan hơn cả giai đoạn phong tỏa đầu tiên hồi tháng Ba và tháng Tư.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Pháp (INSEE) cho biết chỉ số lòng tin tiêu dùng của nước này đã giảm 4 điểm xuống 90 điểm trong tháng 11, kém hơn mức kỳ vọng 92 của các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters.
Các hộ gia đình tại Pháp đang cảm thấy không chắc chắn hơn về triển vọng tài chính của họ, vì lo ngại về tỷ lệ thất nghiệp trong tương lai đạt mức cao nhất kể từ giữa năm 2013.
Ý định mua hàng giá trị cao cũng đã giảm, trong khi số người cho rằng đây là thời điểm tốt để tiết kiệm tiếp tục tăng và cao hơn mức trung bình dài hạn.
Trước đó, ngày 24/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này sẽ bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa vào cuối tuần, mặc dù nhiều hạn chế sẽ vẫn được duy trì.
Nhưng một số nhà dịch tễ học cho biết cuộc sống tại Pháp có thể sẽ chỉ trở lại bình thường vào mùa Thu năm sau, với điều kiện là các chương trình vắcxin có tác dụng./.