'Lòng tôi biên giới' – một cảm nhận khác về người lính

Trường ca 'Lòng tôi biên giới' của nhà thơ quân đội, tiến sĩ, trung tá Nguyễn Minh Cường (sinh năm 1981, hiện là giảng viên Trường Sĩ quan Chính trị) nằm trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2020, vừa được NXB Văn học ấn hành.

Nhà thơ Nguyễn Minh Cường chia vui cùng bạn bè về cuốn sách mới của mình

Tác phẩm gồm sáu chương: “Cha và con”, “Đất trời biên giới”, “Không phải mùa mưa, sao có sấm chớp?”, “Nơi những người đàn ông hóa núi”, “Dằng dặc những tháng ngày”, “Lòng muôn đời biên giới lấy cảm hứng từ sự hy sinh anh dũng của 22 anh hùng, liệt sĩ vốn là cán bộ, giáo viên, học viên Trường Sĩ quan Chính trị.

Đầu năm 1979, đoàn cán bộ, giáo viên, học viên của Nhà trường (khi đó đóng quân tại thành cổ Bắc Ninh), đã lên đường đi thực tập ở các đơn vị dọc tuyến biên giới phía Bắc. Theo kế hoạch, đoàn sẽ hoàn thành nhiệm vụ thực tập trở về trường vào ngày 20/2/1979. Tuy nhiên, chỉ ba ngày trước đó, chiến sự tại biên giới đã nổ ra. Đất nước bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Đoàn nhận chỉ thị từ Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường: tất cả cán bộ, học viên tiếp tục bám đơn vị chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, “ngày về hẹn sau”. Trên chiến trường biên giới phía Bắc, các cán bộ, học viên của Nhà trường đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc, và đã có 22 đồng chí hy sinh anh dũng. Liệt sĩ Phan Đình Linh được phong tặng Anh hùng LLVTND.

Bìa cuốn sách Trường ca

Từ tuyến nhân vật trung tâm là liệt sĩ Phạm Gia Nguyên (danh xưng “Tôi” trong trường ca) và người con là sĩ quan quân đội hôm nay (danh xưng “con”); tác giả đã khắc họa sự hy sinh anh dũng của quân và dân biên giới, trọng tâm là vùng Hà Quảng, Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh.

Từ đó, tác giả cắt nghĩa nhiều điều về nguyên nhân của cuộc chiến, về tình yêu Tổ quốc và tinh thần vệ quốc bất khuất hôm qua và hôm nay của dân tộc Việt Nam; về góc nhìn của những người dân lương thiện “không phân mốc nước” đối với tội ác chiến tranh; về vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam…

Bên cạnh những hư cấu nghệ thuật, trường ca “Lòng tôi biên giới” có sự công phu nghiên cứu, tập hợp tư liệu về những dịa danh, những sự kiện, những nhân vật quân và dân biên giới có thật, liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc trong suốt 10 năm từ 1979 đến 1989. Trường ca “Lòng tôi biên giới” được tác giả viết trong những ngày trực tại Trường Sĩ quan Chính trị, giữa những ngày xã hội giãn cách chống dịch Covid-19. Với Nguyễn Minh Cường, đây là sự tri ân ý nghĩa của một người lính với một ngôi trường giàu truyền thống của quân đội, nơi anh công tác nhiều năm qua.

Nhà thơ Nguyễn Minh Cường cùng cuốn trường sa “Lòng tôi biên giới” tại Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn)

Là một tác giả thuộc thế hệ 8x, viết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc bằng trường ca, anh thừa nhận đó là một thách thức rất lớn. “Làm thế nào để không lặp lại những trường ca về chiến tranh trong quá khứ? Làm thế nào để từ những câu chuyện cụ thể, những nhân vật cụ thể, mang đến một cái nhìn tổng thể về cuộc chiến đấu vĩ đại mà bi tráng của quân và dân ta? Làm thế nào để có thể mang đến những thông điệp lớn, mang đến những sự rung cảm cho thế hệ hôm nay về những gì cha anh đã trải qua trên chiến trường biên giới phía bắc?... Đó đều là những câu hỏi lớn mà tôi nghĩ khó có thể “trả bài” trọn vẹn”, nhà thơ Nguyễn Minh Cường chia sẻ.

Được biết công việc chính của Nguyễn Minh Cường vẫn là nghiên cứu và giảng dạy. Bên cạnh đó, việc sáng tác văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay lại rất gần với công việc mà anh đang làm. Bởi lẽ, Trường Sĩ quan Chính trị là nơi đào tạo sĩ quan chính trị, những người được mệnh danh là “sĩ quan tâm hồn” trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Văn học nghệ thuật sẽ góp phần tích cực trong bồi dưỡng tâm hồn anh Bộ đội Cụ Hồ cho những “sĩ quan tâm hồn” tương lai. Anh hy vọng, những gì mình viết sẽ góp phần nhỏ giúp cho các thế hệ học viên hình dung được một thế hệ cha anh đã anh dũng, bất khuất, bình dị mà rất đỗi hào hoa như thế nào. Từ đó, họ biết sống xứng đáng với màu áo quân nhân mà họ đang mặc mỗi ngày.

Đăng Khoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/long-toi-bien-gioi-mot-cam-nhan-khac-ve-nguoi-linh-post114434.html