Lồng tồng Phủ Thông - lễ hội đặc sắc của đồng bào Tày Bắc Kạn

Theo truyền thống cứ vào dịp đầu Xuân năm mới, nhiều xã, huyện của tỉnh Bắc Kạn lại mở hội Lồng tồng (Xuống đồng). Lồng tồng Phủ Thông (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) là một trong những lễ hội như thế.

Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông diễn ra trong 3 ngày 19 - 21 tháng Giêng và là lễ hội Lồng tồng cuối cùng trong năm tổ chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, vì thế thu hút rất đông du khách thập phương.

Phát biểu tại khai mạc Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông 2023, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Phủ Thông, Trưởng ban Tổ chức lễ hội cho biết, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Tày, phản ánh ước nguyện của đồng bào về một năm mới mùa màng bội thu. Lễ hội năm nay đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Rước lễ từ đền Slấn Slảnh đến nơi tổ chức lễ hội

Rước lễ từ đền Slấn Slảnh đến nơi tổ chức lễ hội

Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông được phục dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống vốn có từ xa xưa của dân tộc Tày - Nùng. Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội.

Nghi thức phần lễ diễn ra từ sáng sớm. Trong tiếng trống, tiếng chiêng vang lên rộn rã, các thiếu nữ bưng mâm lễ vật đến đền Slấn Slảnh - nơi thờ vị tướng họ Dương, người đã có công giúp đỡ nhân dân địa phương đánh đuổi giặc cướp, thổ phỉ, đem lại bình yên cho vùng đất này - để dâng lễ, dâng hương xin phép được khai hội.

Sau đó, cả đoàn người rước lễ vật ra nơi tổ chức hội lễ để cúng tế. Lễ vật gồm: thủ lợn, gà nhuộm chân đỏ, xôi ngũ sắc, bánh dày, bánh khảo, cơm lam, hoa quả... là phẩm vật do đồng bào nơi đây tự nuôi trồng và chế biến.

Múa lân mừng lễ hội

Múa lân mừng lễ hội

Nơi được chọn tổ chức Lễ hội Lồng tồng là một cánh đồng rộng bằng phẳng. Chính giữa cắm cây nêu cao vút. Các mâm cỗ được đặt xung quanh cây nêu. Chủ lễ sẽ thắp hương khấn mời thần linh, thần núi, thần nông, thần sông, thần suối... chứng giám lòng thành, ngự hưởng lễ vật.

Cầu cho đất nước thanh bình, nhà nhà, người người mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc. Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở, trâu bò, gia súc đầy chuồng, thóc lúa đầy sân...

Khi lễ xong, sẽ tiến hành nghi thức xuống đồng cày, cấy.

Lãnh đạo thị trấn Phủ Thông phát biểu khai mạc lễ hội

Lãnh đạo thị trấn Phủ Thông phát biểu khai mạc lễ hội

Sau phần lễ là phần hội, với nhiều trò chơi dân gian như: tung còn, đánh đu, kéo co, đánh quay, ném vòng cổ vịt, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đánh trống, thi đánh cờ… Các tiết mục thu hút đông đảo bà con dân bản, du khách cùng tham gia, trải nghiệm.
Theo ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng ban Tổ chức lễ hội, để đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân, năm nay phục hồi một số trò chơi như đi cà kheo, nhảy bao bố, thi ăn chuối…

Biểu diễn văn nghệ tại lễ hội

Biểu diễn văn nghệ tại lễ hội

Nét mới trong Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông 2023 là ngoài trò chơi dân gian là hoạt động văn hóa - thể thao phong phú như: thi cắm trại, thi đánh bóng chuyền, thi trang phục dân tộc... giữa các xã, thôn bản. Phần thưởng được trao không lớn, thậm chí chỉ là tràng pháo tay, nhưng không vì thế mà phần hội kém đi sự hấp dẫn, thi vị vốn có.

Bà Chu Thị Thơm (Thái Nguyên) cho biết, đến với lễ hội bà không chỉ được hòa mình vào các trò chơi dân gian cùng bà con dân bản mà còn được thưởng thức tiếng đàn tính, làn điệu then, điệu shi lượn và chiêm ngưỡng những trang phục đặc sắc của đồng bào: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... cùng nhiều món ăn độc đáo như: lạp sưởng hun khói, lợn quay, vịt quay mắc mật, cá nheo nướng, cơm lam, bánh gio, bánh trứng trời, bánh cao bông...

Trò chơi dân gian tại lễ hội

Trò chơi dân gian tại lễ hội

Việc đưa sản vật các xã, huyện khác đến trưng bày tại lễ hội cũng là một nét mới. Đây là những đặc sản mang tính vùng miền không chỉ phục vụ du khách đến lễ hội Lồng tồng Phủ Thông, mà còn góp phần gắn kết tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em sống trong và ngoài địa phương.

Các mặt hàng nông sản được giới thiệu và bày bán tại lễ hội

Các mặt hàng nông sản được giới thiệu và bày bán tại lễ hội

Tổ chức các lễ hội nói chung, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông nói riêng không chỉ nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Tày trong thời kỳ hội nhập mà còn gắn kết phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống người dân.

Hoàng Tuyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/long-tong-phu-thong-le-hoi-dac-sac-cua-dong-bao-tay-bac-kan-i315960/