Lòng tự trọng của người sáng tác
Câu chuyện về biểu tượng lễ hội hoa năm 2025 ở Bến Tre một lần nữa báo động về tình trạng vi phạm bản quyền trong sáng tác.
Câu chuyện bắt đầu ngay khi lễ hội hoa kiểng Chợ Lách (Bến Tre) năm 2025 khai mạc. Khá nhiều du khách khi đến với lễ hội đã ấn tượng với hình ảnh linh vật chú rắn mặc áo vest xanh, đuôi kẹp con ong nên đã chụp ảnh đưa lên mạng. Nhờ đó, họa sĩ Trần Thành Đạt đã phát hiện ra hình tượng linh vật rắn này sao chép gần như nguyên bản tác phẩm tranh “Xà Rang Hae” của anh.
Điểm khác biệt duy nhất là trong tác phẩm tranh thì chú rắn quấn con chuột, còn ở đây, linh vật được thay bằng con ong. Sự sao chép rõ ràng đến mức gần như không có tranh cãi nào xuất hiện, ban tổ chức lễ hội đã nhanh chóng thừa nhận sai sót và liên hệ với tác giả Trần Thành Đạt để đề xuất hướng xử lý, thỏa thuận tác quyền.
Thực tế trong nước hiện nay, việc vi phạm bản quyền tác phẩm nghệ thuật gần như là câu chuyện có quá nhiều tiền lệ và hiện tại vẫn chưa thấy hồi kết.
Năm 2023, biểu tượng linh vật mèo ở TP Đà Nẵng đã phải tháo dỡ sau khi bị phát hiện đã sao chép tác phẩm “Cat with a ball” của tác giả Lee Sangsoo (Hàn Quốc), mà chưa hề có sự xin phép bản quyền. Khác với vụ ở lễ hội hoa kiểng Chợ Lách, tác giả Lee Sangsoo đã từ chối đàm phán và yêu cầu địa phương phải ngừng việc sử dụng trái phép tác phẩm của mình.
Có thể thấy, tốc độ chia sẻ nhanh của mạng xã hội đã góp phần quan trọng để tác phẩm nghệ thuật lan tỏa đến công chúng, nhưng cũng qua mạng xã hội mà các hành vi vi phạm bản quyền trở nên dễ dàng hơn, trong đó không ít các đơn vị thi công, trang trí đã thản nhiên lấy hình ảnh trên mạng làm mẫu mà không cần biết và không xin phép tác giả. Việc tôn trọng quyền tác giả, bản quyền tác phẩm nghệ thuật vẫn còn bị xem nhẹ ngay cả ở những người thực hành mỹ thuật.
Câu chuyện về những vụ vi phạm kể trên chỉ là bề nổi của tình trạng vi phạm tác quyền bởi các công trình mỹ thuật công cộng dễ bị phát hiện. Còn có không ít những vi phạm tác quyền trong phạm vi hẹp như ở các cuộc thi sáng tác, các triển lãm chuyên môn… mà phải là người trong giới mới có thể phát hiện.
Để thị trường nghệ thuật từng bước căn cơ định hình và vận hành chuyên nghiệp không thể chỉ dựa vào dư luận xã hội mà cần có những công cụ rạch ròi để phân định tác quyền và những chế tài thỏa đáng từ luật. Và hơn hết, chính là ý thức và lòng tự trọng của người làm sáng tạo, có thể cả đời chỉ có một tác phẩm nhưng xứng đáng để tự hào vì đó là chất xám của bản thân, mà không phải lấy từ cảm hứng hay tệ hơn là đạo nhái từ sự sáng tạo của người khác.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/long-tu-trong-cua-nguoi-sang-tac-post778166.html