Lớp học giúp tìm lại nụ cười

Tại một trong những lớp học mới mở của Keiko Kawano, hơn 10 sinh viên trường nghệ thuật Tokyo chăm chú nhìn vào gương, ngón tay kéo hai bên khóe miệng luyện tập cách mỉm cười.

Các dịch vụ của Kawano, người hướng dẫn mọi người nở nụ cười, đang chứng kiến nhu cầu tăng vọt ở Nhật Bản, nơi việc đeo khẩu trang gần như phổ biến trong thời kỳ đại dịch. Kawano là một gương mặt quen thuộc trên tivi và mạng xã hội. Cô đã hướng dẫn hơn 4.000 người mỉm cười trong suốt 6 năm qua, cũng như giúp hàng trăm người khác trở thành chuyên gia về mỉm cười. Công ty Giáo dục nụ cười Egaoiku của Kawano đã chứng kiến nhu cầu tăng gấp 4 lần so với năm ngoái, với khách hàng từ các công ty tìm kiếm nhân viên bán hàng dễ mến. Một buổi học một kèm một trong 1 giờ có giá 7.700 yen (55 USD).

Chuyên gia dạy cười Kawano. Ảnh: Reuters

Chuyên gia dạy cười Kawano. Ảnh: Reuters

Từ trước đại dịch, việc đeo khẩu trang ở Nhật Bản được coi là điều bình thường, đặc biệt trong các kỳ thi, do mọi người lo ngại bệnh tật sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động quan trọng. Trong khi chính phủ đã dỡ bỏ khuyến nghị đeo khẩu trang hồi tháng 5, nhiều người vẫn đeo hàng ngày. Một cuộc thăm dò của đài truyền hình NHK cho thấy, 55% người Nhật nói rằng họ đã đeo khẩu trang như một thói quen. Chỉ 8% cho biết họ đã ngừng đeo khẩu trang hoàn toàn.

Đáng chú ý, khoảng 1/4 học sinh trường nghệ thuật tham gia lớp học của Kawano đã đeo khẩu trang trong suốt bài học. “Những người trẻ tuổi đã quen với khẩu trang. Nhờ đó, phụ nữ có thể cảm thấy dễ dàng hơn khi ra ngoài mà không cần trang điểm và đàn ông có thể che giấu việc họ không cạo râu”, Kawano nói. Cựu người dẫn chương trình phát thanh, bắt đầu giảng dạy nụ cười năm 2017, đã đào tạo 23 người khác làm huấn luyện viên mỉm cười để truyền bá những kỹ thuật tạo ra nụ cười hoàn hảo trên khắp Nhật Bản.

Phương pháp Kỹ thuật mỉm cười theo phong cách Hollywood bao gồm bài tập luyện các cơ mặt tạo hình “mắt lưỡi liềm, má tròn” và định hình môi. Học viên được phát cho một chiếc gương cầm tay để kiểm tra sự tiến bộ và nụ cười của họ. Mọi người điều chỉnh biểu cảm của gương mặt cho tới khi hài lòng với nụ cười của bản thân. Người học có thể trình bày kỹ thuật của mình trên máy tính bảng để đạt điểm yêu cầu về nụ cười.

Kawano cho rằng, về mặt văn hóa, người Nhật ít có xu hướng mỉm cười hơn người phương Tây vì cảm giác cũng như thói quen giao tiếp. Tuy nhiên, với sự gia tăng khách du lịch, người Nhật cần giao tiếp với người nước ngoài không chỉ bằng mắt: “Vận động và thư giãn cơ mặt là điều then chốt để có một nụ cười đẹp”. Kawano cũng cho biết, cô muốn mọi người dành thời gian mỉm cười nhiều hơn. “Mỉm cười không chỉ tạo ấn tượng tốt cho người khác, mà còn khiến bản thân cảm thấy tích cực hơn. Tôi muốn mọi người dành thời gian mỉm cười vì sức khỏe thể chất và tinh thần của họ”.

Theo Yasuko Watarai, một trong những người tham gia lớp học: “Cười là điều cần thiết trong giao tiếp không khẩu trang. Tôi muốn áp dụng những gì được học hôm nay vào các hoạt động tình nguyện và các cuộc tụ họp”. Himawari Yoshida, 20 tuổi, cũng tham gia lớp học, nói rằng cô cần phải có nụ cười thường trực trên môi khi làm việc: “Tôi đã không sử dụng cơ mặt của mình nhiều trong đại dịch Covid nên đây là bài tập tốt”.

LAM ĐIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lop-hoc-giup-tim-lai-nu-cuoi-post693122.html