Hơn một tháng nay, đều đặn vào các buổi tối thứ năm, thứ sáu và hai ngày cuối tuần, chị em phụ nữ ở thôn Đồng Bé, xã Sơn Dương, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh lại hào hứng tập trung về nhà văn hóa thôn để tham dự một lớp học đặc biệt.
Đây là lớp đào tạo nghề sơ cấp thêu thổ cẩm trên trang phục truyền thống của đồng bào Dao do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hạ Long, Quảng Ninh tổ chức miễn phí cho bà con dân tộc thiểu số ở thôn Đồng Bé.
Lớp học gồm 20 học viên nữ đủ mọi lứa tuổi, chủ yếu làm nông nghiệp, 100% là đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán. Lớp học diễn ra 30 buổi chỉ có 30% giờ học lý thuyết, thời gian còn lại học viên được thực hành nghề thêu như: cách lựa chọn vải, phối màu chỉ thêu, cách thêu các hoa văn, họa tiết trên trang phục truyền thống của người Dao.
Giáo viên đứng lớp là bà Trương Thị Đông (61 tuổi), người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả. Bà Đông một trong những người có nhiều kinh nghiệm và đặc biệt tâm huyết trong truyền nghề thêu ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ thành thạo về cách thêu trang phục của người Dao Thanh Y, bà Đông mà còn am hiểu về các họa tiết trong trang phục của người Dao Thanh Phán.
Trang phục của người Dao phác họa bức tranh thiên nhiên độc đáo với các gam màu chủ đạo là xanh, đỏ, vàng, trắng trên nền vải chàm. Nổi bật nhất là các họa tiết, hoa văn hình người, hình chim, hoa lá, ngôi sao, quả trám... được thêu tay ở tà áo, cổ áo, khăn, thắt lưng, túi đeo. Bà Trương Thị Đông cho biết: "Thời gian rảnh, tôi thường nghiên cứu, chuẩn bị "giáo án" là những mẫu thêu không cần khuôn vẽ để học viên có thể hiểu rõ, thực hành theo".
Học viên của lớp học nghề thêu truyền thống dần tiếp cận với các mẫu thêu từ đơn giản đến phức tạp.
Nghề thêu đòi hỏi người thợ tính kiên nhẫn, cần cù, tỉ mỉ và chăm chỉ. Với người phụ nữ dân tộc Dao, trang phục phải thể hiện khả năng thẩm mỹ, sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ.
Những sợi chỉ tơ óng ả nhiều màu sắc qua bàn tay khéo léo của người thợ "vẽ" nên những câu chuyện, bức tranh độc đáo về thiên nhiên, con người của đồng bào dân tộc Dao.
Nhiều học viên trong lớp là mẹ chồng - nàng dâu cùng rủ nhau đi học để cùng gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình như bà Lý Thị Thanh và chị Triệu Thị Lưu.
Lớp học cũng thu hút các bạn trẻ tham gia.
Để tiết học hiệu quả, giúp học sinh hứng thú trong giờ học, bà Đông thường kể những câu chuyện gắn kỷ niệm đặc biệt khi cô truyền dạy nghề thêu, đi hát ở lễ hội cấp sắc...
Thời gian hoàn thiện một bộ trang phục của đồng bào Dao có thể mất từ vài tháng đến một năm. Ngoài giờ làm công việc đồng áng, chị em trong lớp thường tranh thủ thời gian nghỉ ngơi hay buổi tối để ôn bài.
Chị Triệu Thị Thu (46 tuổi, thôn Đồng Bé, xã Sơn Dương, TP Hạ Long) kỳ vọng thông qua lớp học này, chị em trong thôn Đồng Bé không chỉ tạo ra các bộ trang phục đẹp mắt cho mình mà còn tạo ra các sản phẩm chất lượng có giá trị kinh tế cao, phát triển du lịch. Bên cạnh đó, còn giúp thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa truyền thống văn hóa của đồng bào Dao nhiều hơn nữa.
Bà Trương Thị Đông đánh giá những sản phẩm thực hành của học viên tại lớp.
Việc mở lớp đào tạo nghề thêu thổ cẩm không chỉ giúp cho người dân hiểu được vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nghề gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương cũng như duy trì, phát huy, bảo tồn những giá trị tốt đẹp làm lên bản sắc dân tộc Dao.
CTV Huyền Chi/VOV-Đông Bắc