Lớp học trong lều bạt

Để tránh sạt lở đất, toàn bộ 34 hộ dân, với 152 nhân khẩu đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình được sơ tán đến ở tạm trong lán bạt, chờ được bố trí tái định cư. Tại đây, một lớp học được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và chính quyền địa phương dựng lên để các em không bị lỡ chương trình chung.

Dù ở trong lán, bạt tạm, nhưng dường như nhịp sống của người dân bản Sắt vẫn không bị xáo trộn quá nhiều. Tại một vị trí khá bằng phẳng trong khu vực mà người dân đang ở tạm, có một ngôi lán rộng rãi, kín đáo, tươm tất, có sàn gỗ ghép với nhau... đó chính là lớp học, điểm trường bản Sắt, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trường Sơn. Trước đây, lớp học vốn được xây dựng kiên cố ở bản cũ nhưng bị ngập lụt, sạt lở đất đe dọa không thể sử dụng được nữa. Toàn bộ lớp học ghép có 15 em học sinh (5 em lớp 1, 7 em lớp 2 và 3 em lớp 3), cũng được chuyển tạm về đây, cô giáo Nguyễn Thị Yến, đứng lớp.

 Cô giáo Nguyễn Thị Yến và lớp học đặc biệt

Cô giáo Nguyễn Thị Yến và lớp học đặc biệt

Trời sáng sớm se lạnh, mặt cô giáo Yến ửng hồng, mồ hôi nhễ nhãi, chiếc xe máy của cô dính đầy bùn đất dựng bên đường, cô giáo cắm bản men theo chân đồi vào lớp. Việc đầu tiên của cô là kéo bạt được quây xung quanh lớp học lên, toàn bộ mặt bàn, ghế đều bị sương đọng làm ướt hết. Cô giáo Yến khẩn trương lấy khăn lau khô để kịp giờ đón học trò. Từ xa, một số cán bộ của Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP tỉnh Quảng Bình cõng mấy đứa trẻ ở cụm dân cư bên kia sườn đồi lội bùn đi về phía lớp học. Đón học trò từ BĐBP, cô giáo Yến xếp các cháu ngồi đúng vị trí để thuận lợi cho việc dạy học của mình. “Điểm trường này chỉ có 15 học sinh nhưng lại có 3 chương trình học khác nhau, do đó các em lớp 1 sẽ ngồi ở dãy bàn đầu tiên, tiếp đó là lớp 2 và sau cùng là các em học sinh lớp 3. Do lũ lụt, sạt lở đất đe dọa toàn bản nên thời gian qua việc dạy và học phải tạm dừng, sau khi có phòng học tạm được dựng lên, cả cô trò đang phải chạy đua để kịp chương trình chung. Các em ở đây tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng biết vâng lời và chịu khó học tập”, cô giáo Yến chia sẻ.

Chỉ trong thời gian ngắn, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Yến, toàn bộ 15 học trò đã ngồi ngay ngắn trong lớp học tạm và chăm chú học bài. Lớp học có 3 chương trình khác nhau, giáo viên đứng lớp phải di chuyển liên tục giữa các nhóm để hướng dẫn các em. Sau tiết học môn Tiếng Việt kéo dài, chẳng có tiếng trống nào vang lên, thay vào đó là tiếng cô giáo Yến: “Cho các em ra chơi nhưng không được về nhà nhé! Chúng ta sẽ múa hát!”. Tạm gấp sách vở, cả cô và trò nhanh chóng di chuyển khỏi lớp, khoảnh đất thoai thoải cạnh lớp học trở thành sân trường... Cô giáo Yến đứng giữa, học trò vây quanh, mấy cán bộ, chiến sĩ đang làm việc gần đó cũng lại gần cùng cô trò hát vang bài “Em yêu trường em”...

Thời gian ra chơi đã hết, tạm gác lại phút thư giãn, cô trò lại tiếp tục vào lớp... Bên ngoài, thỉnh thoảng lại xuất hiện những trận gió mạnh, lớp học tạm lắc lư, tiếng bạt bay phần phật...

Bài và ảnh: VIẾT LAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/lop-hoc-trong-leu-bat-644146