Lúa đặc sản trên cánh đồng Buôn Choáh

Dưới chân núi lửa Nâm Blang, nơi từng là vùng đất cằn cỗi và nghèo khó, giờ đây, cánh đồng Buôn Choáh đã khoác lên mình màu xanh trù phú của những giống lúa đặc sản ST24, ST25.

Cơ giới hóa thu hoạch lúa trên cánh đồng Buôn Choáh, xã Nam Đà, Lâm Đồng

Cơ giới hóa thu hoạch lúa trên cánh đồng Buôn Choáh, xã Nam Đà, Lâm Đồng

Từ giấc mơ khó thành hiện thực...

Cánh đồng Buôn Choáh nằm ở thôn Cao Sơn, xã Nam Đà có khoảng 700 ha đất trồng lúa mỗi năm 2 vụ, được người dân canh tác theo phương pháp truyền thống lâu nay, nhưng mãi đến gần một thập kỷ trở lại đây, nông dân mới dám nghĩ đến việc làm giàu từ chính cây lúa. “Ngày trước, trồng lúa là chỉ để ăn, đủ gạo là mừng. Năng suất thấp, lại không có đầu ra, ai dám mơ cao hơn”, chị Hứa Thị Nên, nông dân xã Nam Đà chia sẻ. Gia đình chị Nên cũng như hàng trăm hộ khác từng quanh quẩn với cách canh tác kiểu cũ. Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ tháng 8/2020, khi Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Buôn Choáh chính thức ra đời tại thôn Cao Sơn với kỳ vọng sản xuất lúa theo hướng chuyên nghiệp và mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho bà con nông dân.

HTX Nông nghiệp Buôn Choáh không giống những HTX kiểu cũ mà ở đây, mỗi người dân là một mắt xích trong cả chuỗi sản xuất hiện đại, góp sức, góp vốn nhưng vẫn giữ nguyên quyền sử dụng đất. “Ai làm nhiều hưởng nhiều, ai làm ít thì hưởng phần ít. Công bằng, minh bạch nên dân tin”, chị Bùi Thị Tuyến, một thành viên tổ kỹ thuật VietGAP chia sẻ. Chính sự minh bạch đó đã giúp HTX thu hút tới hơn 300 thành viên chỉ sau vài năm thành lập, với diện tích sản xuất lên tới 440 ha, tập trung vào các giống lúa đặc sản như ST24, ST25, những giống lúa được thế giới đánh giá là gạo ngon nhất thế giới. Chị Hứa Thị Nên, một trong những thành viên đầu tiên canh tác theo VietGAP phấn khởi: “Với 1,5 ha, mỗi vụ, tôi thu hoạch từ 15 - 18 tấn lúa, sau khi trừ chi phí, lời khoảng 60 triệu đồng/ha. Một năm hai vụ thì được tới 120 triệu đồng/ha, thu nhập mà tôi chưa bao giờ dám mơ tới” .

Người dân xã Nam Đà ngày càng chuyên nghiệp trong sản xuất và thu hoạch lúa ST24, ST25

Người dân xã Nam Đà ngày càng chuyên nghiệp trong sản xuất và thu hoạch lúa ST24, ST25

Nhân rộng mô hình sản xuất VietGAP

Không chỉ thay đổi tư duy, nông dân còn mang đến một diện mạo mới cho cánh đồng lúa Buôn Choáh thông qua việc ứng dụng công nghệ và cánh đồng Buôn Choáh được công nhận là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào năm 2021. Nơi đây hiện có 2 HTX sản xuất khoảng 700 ha lúa ST24, ST25 đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đó là HTX Nông nghiệp Buôn Choáh và HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh. Các HTX đã đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng lúa gạo đặc sản thế giới. “Chúng tôi dùng máy bay không người lái để gieo sạ, rải phân, phun thuốc. Việc ứng dụng công nghệ giúp tiết kiệm nhân công, bảo vệ môi trường và kiểm soát sâu bệnh rất hiệu quả”, anh Đinh Văn Thường - phụ trách kỹ thuật của HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh chia sẻ. Các HTX đều đầu tư hệ thống nhà kho, máy sấy, xay xát... để giữ được chất lượng hạt gạo tốt nhất sau thu hoạch. Sản phẩm gạo Buôn Choáh đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và từng bước chinh phục thị trường cả nước, tiến tới xuất khẩu.

Sự khác biệt của gạo Buôn Choáh nằm ở chính cách canh tác. Các hộ dân tuân thủ quy trình VietGAP, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học thay vì hóa chất, bảo đảm an toàn từ khâu gieo mạ đến thu hoạch, được kiểm tra kỹ lưỡng đến từng hộ, từng thửa ruộng. “HTX đang chuyển khoảng 200 ha sang hướng sản xuất lúa hữu cơ”, bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng Ban Quản lý VietGAP của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết.

Dù đã gặt hái được nhiều thành công, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh vẫn đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là về thị trường tiêu thụ. “Hiện chúng tôi vẫn chủ yếu bán tại địa phương và một số tỉnh lân cận. Muốn tiến ra thị trường rộng hơn, thậm chí xuất khẩu thì chúng tôi cần được hỗ trợ thêm vốn, nhà xưởng và máy móc”, ông Bùi Đình Kiên - Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choáh chia sẻ.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã đến khảo sát và bày tỏ mong muốn hợp tác. Nếu kết nối thành công, hạt gạo Buôn Choáh hoàn toàn có thể vươn xa, thậm chí là ra thị trường quốc tế.

Cánh đồng lúa Buôn Choáh có khoảng 700 ha, trong đó, hơn 600 ha đã được quy hoạch thành vùng sản xuất công nghệ cao, nơi đây đang trở thành “vựa lúa sạch” của Lâm Đồng.

Thanh Nga

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/lua-dac-san-tren-canh-dong-buon-choah-384004.html