Hơn 80.000 gian hàng không phát sinh đơn: Thương mại điện tử bước vào giai đoạn sàng lọc?
Doanh thu thương mại điện tử nửa đầu năm 2025 tăng mạnh, nhưng hơn 80.000 gian hàng không phát sinh đơn. Theo chuyên gia, thị trường đang bước vào giai đoạn thanh lọc, chỉ còn dư địa cho những người bán có chiến lược và năng lực vận hành.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến những chuyển biến đáng chú ý: tăng trưởng doanh thu ấn tượng nhưng số lượng gian hàng hoạt động hiệu quả lại sụt giảm mạnh. Trong bức tranh tăng trưởng đó, hơn 80.000 gian hàng không phát sinh đơn hàng trong nửa đầu năm 2025, cho thấy cuộc chơi TMĐT đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, nơi không còn nhiều cơ hội cho những người bán thiếu chiến lược và năng lực vận hành.
Doanh thu tăng, nhưng số lượng nhà bán hàng sụt giảm mạnh
Theo báo cáo mới nhất từ nền tảng dữ liệu Metric.vn, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng doanh số bán hàng qua bốn sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop đạt 202.300 tỷ đồng (tương đương khoảng 7,8 tỷ USD), tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng bán ra cũng tăng hơn 25%, tương đương 1,9 triệu sản phẩm.
Tuy vậy, sự tăng trưởng này không đi kèm với sự mở rộng về số lượng nhà bán hàng. Trái lại, số gian hàng có phát sinh đơn hàng đã giảm hơn 80.000 so với cùng kỳ năm 2024 và giảm hơn 55.000 so với nửa cuối năm ngoái. Đây là mức giảm sâu nhất trong hai năm trở lại đây, phản ánh xu hướng rút lui ngày càng gia tăng của nhóm nhà bán nhỏ lẻ.
Bà Nho Đinh - Giám đốc điều hành của Metric nhận định rằng, sự sụt giảm này không phải là tín hiệu tiêu cực về sức hút của thương mại điện tử, mà là hệ quả của quá trình sàng lọc tự nhiên khi thị trường ngày càng ưu tiên những người bán có năng lực vận hành chuyên nghiệp, chiến lược rõ ràng và khả năng giữ đơn hàng ổn định.

Hàng chục nghìn gian hàng trên nền tảng TMĐT không phát sinh đơn.
“Khi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy những người bán không có chiến lược sản phẩm rõ ràng hoặc thiếu hiểu biết về dữ liệu kinh doanh sẽ rất khó tồn tại trong môi trường cạnh tranh hiện nay”, bà chia sẻ.
Một trong những điểm nổi bật của thị trường nửa đầu năm nay là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm gian hàng chính hãng (shop mall). Dù chỉ chiếm 3,4% tổng số gian hàng, nhóm này lại đóng góp tới 29% doanh số trên Shopee và TikTok Shop. Điều đó cho thấy vai trò ngày càng lớn của các thương hiệu uy tín trong việc dẫn dắt doanh thu và định hình hành vi tiêu dùng trên các sàn TMĐT.
Xu hướng tiêu dùng cũng đang có sự dịch chuyển đáng kể khi người mua ngày càng khắt khe và đề cao yếu tố uy tín, chất lượng sản phẩm trong bối cảnh hàng hóa kém chất lượng tràn lan. Cùng với đó, nhóm hàng nhập khẩu giá rẻ cũng đang ghi nhận những bước tiến đáng kể.
Trên Shopee, trong 6 tháng đầu năm, các sản phẩm nhập khẩu đã đạt doanh số 7.500 tỷ đồng với hơn 164 triệu đơn vị hàng hóa bán ra. Dù chỉ chiếm khoảng 6% thị phần, nhóm này vẫn có sức tiêu thụ mạnh nhờ mức giá trung bình rất thấp - chỉ khoảng 45.625 đồng/sản phẩm.
Tuy nhiên, mức giá thấp này đang tạo áp lực lớn cho các nhà bán trong nước - vốn chưa đạt được lợi thế quy mô và phải gánh chịu nhiều loại chi phí sản xuất, vận hành.
Thị trường bước vào chu kỳ thanh lọc sâu rộng
Các chuyên gia về TMĐT cho rằng, làn sóng nhà bán hàng rút lui phản ánh sự khốc liệt ngày càng tăng trong cuộc cạnh tranh trên sàn TMĐT, có ba nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này, thứ nhất là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các gian hàng quốc tế và thương hiệu lớn với nền tảng tài chính mạnh, chiến lược rõ ràng và quy trình bán hàng chuyên nghiệp.
Thứ hai là gánh nặng chi phí ngày càng lớn, từ phí nền tảng, hoa hồng, quảng cáo đến logistics, đổi trả hàng, khiến biên lợi nhuận của người bán nhỏ ngày càng bị bào mòn. Trong khi đó, họ không thể nâng giá bán nếu còn muốn duy trì sức cạnh tranh.
Thứ ba là sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, ngày càng nghiêng về phía những thương hiệu có uy tín và các kênh bán hàng chính hãng. Điều này khiến các nhà bán hàng nhỏ, thiếu năng lực phát triển thương hiệu, bị đẩy ra khỏi thị trường.
Trên thực tế, việc các shop mall, dù chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng lại chiếm gần 1/3 doanh thu toàn thị trường cho thấy rõ ràng xu thế sàng lọc đang diễn ra mạnh mẽ. Thị trường giờ đây không còn là nơi dễ dàng để “bất kỳ ai cũng có thể tham gia” như giai đoạn sơ khai, mà đang dần định hình thành một cuộc chơi dài hạn, đòi hỏi năng lực quản trị bài bản, chiến lược và công nghệ.
Thị trường TMĐT Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh nhưng đầy biến động, với xu hướng rõ ràng là nghiêng về phía các nhà bán hàng chuyên nghiệp, chính hãng và có năng lực vận hành vượt trội.
Sự rút lui của hàng chục nghìn nhà bán nhỏ không phải là tín hiệu tiêu cực, mà là dấu hiệu cho thấy TMĐT Việt đang bước vào một thời kỳ phát triển chất lượng, bền vững hơn - nơi không gian chỉ còn dành cho những người chơi thật sự có chiến lược và tầm nhìn.